Tiếng reo bên những mắt lá rừng già thâm u và cao vượt mặt nước biển hơn hai ngàn mét. Lần đi với ThS hoa Lương Văn Dũng, luôn ngửa mặt nhìn lên trời, soi mắt từng khoảng vòm xanh tìm loài hoa Trà mi Kremf thất lạc hơn 100 năm.
“Mẫu 17 đây”... “Một em nữa rồi…!”…
Tiếng reo bên những mắt lá rừng già thâm u và cao vượt mặt nước biển hơn hai ngàn mét. Lần đi với ThS hoa Lương Văn Dũng, luôn ngửa mặt nhìn lên trời, soi mắt từng khoảng vòm xanh tìm loài hoa Trà mi Kremf thất lạc hơn 100 năm. Còn lần này, cùng với TS nấm Trương Bình Nguyên, chúng tôi lom khom, dán mắt xuống từng mét đất. Rê nhẹ chân trên thảm lá mục, soi kiếm một loài động-thực vật, biệt dược Đông trùng hạ thảo (ĐTHT)…
|
TS Trương Bình Nguyên nhẹ nhàng đưa sinh vật nấm ĐTHT lên khỏi mặt đất nguyên vẹn. Ảnh: MĐ |
Lần tìm ngọc giữa rừng sâu
Chúng tôi tản ra mỗi người một hướng, luồn lách dưới các lớp rừng. Rất chậm, và dò dẫm. Phải tập trung “quán chiếu”, dán mắt vào từng mét vuông đất và lần tìm từ những cành lá khô mục xếp lớp ngang dọc. Chẳng ai phá vỡ không gian thiên nhiên ắp đầy những trầm tích hoang sơ. Văng vẳng xa, mấy tiếng chim líu ríu gọi bạn. Gần hơn, dàn hợp âm của loài ve đồng ca râm ran như lay khẽ cành lan rừng. Ở một khoảnh khác, nước suối hòa âm bằng róc rách mơn trớn làn rêu trên mỏm đá xanh và bằng rào rào nghiêng trút xuống tung bọt trắng,…Tiếng cành khô răng rắc rất khẽ; tiếng lá mục rào rạo, khoan nhặt theo bước chân nghiêng… Mẹ Rừng thiêng liêng âm thầm dâng hiến… Chốc chốc một tiếng người trong nhóm thốt lên trân quý: “Một em đây rồi”…, “Một em nữa…”. Đó là khi phát hiện thêm một cá thể ĐTHT.
TS Nguyên lom khom, một tay cầm chiếc đèn pin nhỏ, tay kia cầm con dao nhọn và nhấn nhá giải thích cho tôi như một bản năng vốn có của nhà nghiên cứu loài nấm: Một loài thực vật bay trong không khí và khi gặp phải con sâu, con sâu bị nhiễm bệnh. Cái nấm sẽ mọc lên và muốn diệt con sâu nên nó phải tiết ra một số chất cho con sâu phải chết… Hai thực thể nấm và sâu loại trừ nhau để sinh tồn, cuối cùng sâu chết, nấm phát triển trên chính mình con sâu. Rồi nó lại ký sinh tiếp vào con côn trùng khác…
Từ việc nghiên cứu thành công quy trình nuôi cấy sinh khối, TS Trương Bình Nguyên muốn làm thế nào để nâng cao đời sống của người dân gần rừng mà không ảnh hưởng đến rừng. Đó là tâm huyết của một nhà khoa học, vừa hướng đến việc bảo tồn đa dạng sinh học vừa mang tính nhân văn sâu sắc… |
Mỗi khi nhận diện đúng loài ĐTHT, chúng tôi phải thật khéo léo vạch từng lớp lá khô, cành gỗ mục, nhẹ nhàng bới từng tí đất để làm sao đưa được cây nấm lên khỏi mặt đất mà vẫn còn đeo theo mình con sâu thì giá trị hơn. Ai cũng say mê kiếm tìm, nhặt nhạnh và gom lại giao cho hai cô ThS Nguyễn Hoàng Mai, cán bộ Viện của TS Nguyên và Đỗ Thị Thiên Lý, cán bộ Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên có trách nhiệm cất giữ vào hộp theo quy ước số mẫu. Với nhiều đợt khảo cứu sưu tầm, bộ sưu tập của TS Nguyên và các cộng sự đã có được 35 mẫu và đánh số khi đưa vào bảo tàng.
TS Trương Bình Nguyên cho tôi biết: Căn cứ vào các tài liệu của Việt Nam, hiện nhóm của anh đã có khoảng 30 mẫu mới. Còn đối với thế giới có mới và có mang tính đặc hữu hay không thì chưa thể xác định được, cần nghiên cứu sâu rộng hơn nữa. Anh Nguyên đặc biệt lưu ý đến mẫu số 17, có thể là loài mới của thế giới, bởi theo anh, loài sâu này tập trung ở khu rừng này, nó có thể ăn một loại rễ cây có phân bố rất hẹp, đây cũng là hình thức tạo nên tính cân bằng sinh thái.
Bỗng ThS Phan Hoàng Đại (Viện phó của TS Nguyên) reo lên phía gần một thân cổ thụ đã đổ mục: “Anh Nguyên ơi, được một mẫu 17 nữa đây rồi!”. ThS Đại xăm xới nâng niu chuyển mẫu cho TS Nguyên. Anh Nguyên đặt lên lòng bàn tay và không giấu niềm vui sướng: “Ồ, con sâu nằm đây, cây mọc lên chỗ này, chưa có cơ quan sinh sản. Mình mang về nuôi tiếp rồi khi cơ quan sinh sản hình thành thì mình biết được loài gì”. Với kinh nghiệm của chuyên gia nấm, TS Nguyên phân loại nhanh chóng, còn người khác thì quả là vô cùng khó để phân biệt. Cũng là loài ĐTHT nhưng nó xuất nguyên từ nhiều loại ấu trùng khác nhau, loài da trơn, loài da lông… Một ngày săn tìm của chúng tôi rất có hiệu quả, bởi có hôm lội nát rừng vẫn không tìm được ĐTHT. Đáp lời của ThS Mai “mẫu 17 nữa thầy ơi” từ đằng xa, TS Nguyên bảo: “Cứ mẫu 17 thì lấy hết nhé”. Và anh lại tiếp tục hào hứng giải thích cặn kẽ cho tôi: “Đây là nấm đã trưởng thành, phần này là phần sinh sản của nó. Đấy, chỉ một đoạn ngắn thế này thôi. Trên nó chứa hàng triệu triệu bào tử… Sau đó nó bay ra không khí đụng phải con sâu nào nó tấn công con sâu đó, con sâu nào dính vào thì nhiễm bệnh thôi, và từ đây sẽ hình thành nấm”.
Lại phát hiện sợi nấm nhỏ nhoi, mảnh mai đứng khuất lấp trong đống lá mục, anh Nguyên ngồi thụp xuống. Rất nhẹ nhàng, vén lá mục và đào đất tỉ mẩn… Một lúc, anh reo, hồn nhiên như núi rừng: “Đây, con này nguyên con rồi này. Đầu đây, đã trưởng thành này, phần nhánh đây, dưới này con sâu đây… Ông sâu nào mà dính vào là ông xơi. Lại “em” bọ xít nữa này...”. TS Nguyên động viên các cộng sự gom hết tất cả các loài để về phân tích hoạt chất, phát triển công tác nuôi trồng, cũng nhắm tới bảo tồn chứ không dừng lại công tác hình thái khu hệ.
|
Những cây nấm ký sinh côn trùng Nấm Cordyceps Nutans nuôi trồng Nấm Cordyceps Militaris nuôi trồng vừa đào tại rừng Lâm Đồng. tại Viện của TS Nguyên. tại Viện của TS Nguyên. |
“Cha đẻ” của ÐTHT quý ở Việt Nam
Đông trùng hạ thảo thực chất là hai giai đoạn riêng biệt nhưng nối tiếp nhau của một cuộc đời của sinh vật. Nếu đầy đủ, nó thể hiện hai phần rõ rệt: phần dưới là một con sâu và từ đầu con sâu ấy mọc lên một mầm lá. Vào mùa đông, nấm bắt đầu ký sinh vào sâu non và làm chết sâu non. Những con sâu này có thể đã ăn phải bào tử nấm hoặc chúng mắc bệnh nấm ký sinh từ các lỗ thở. Đến khi sợi nấm phát triển mạnh, chúng xâm nhiễm vào các mô vật chủ, sử dụng hoàn toàn các chất dinh dưỡng trong cơ thể sâu. Vào một giai đoạn nhất định, thường là vào mùa hè ấm áp, nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu như một ngọn cỏ và vươn lên khỏi mặt đất, phát triển thành dạng cây (hình dạng giống thực vật) và phát tán bào tử. Thế nên mới gọi là ĐTHT (mùa đông là ấu trùng, mùa hè thành cây cỏ). Các sợi nấm bắt đầu phát triển mạnh nhờ hút các chất dinh dưỡng từ cơ thể con sâu non và lớn dần lên; ngược lại sâu không thể lột xác được để thành bướm, chỉ còn lớp vỏ dưới gốc nấm. TS Trương Bình Nguyên - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp (Trường Đại học Đà Lạt) cho biết, giới khoa học hiện vẫn chưa thể nắm rõ được cơ chế xâm nhiễm của loài nấm vào cơ thể sâu.
Các vị lương y cho rằng, ĐTHT được xem là vị thuốc quý, có thể chữa được “bách hư bách tổn”. Còn GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam tổng hợp từ y văn thế giới cho biết, ĐTHT có 25 tác dụng chữa các bệnh cho con người như các bệnh về thận, hạ huyết áp, khắc phục hiện tượng thiếu máu ở cơ tim, tăng cường tính miễn dịch không đặc hiệu, nâng cao năng lực chống ung thư, tăng cường tác dụng lưu thông máu,…
|
Theo TS Trương Bình Nguyên, thế giới có hàng trăm loài ĐTHT nhưng chỉ hai loài có tác dụng tốt nhất cho sức khỏe con người, đó là Cordyceps Sinensic (CS) và Cordyceps Militaris. Hiện chỉ 4 quốc gia có công nghệ nuôi cấy thành công ĐTHT dòng CS là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và nay là Việt Nam mà chính TS Nguyên là “cha đẻ”. Năm 1999, trong chuyến thực địa khảo cứu rừng, anh phát hiện loài nấm ký sinh trên một ấu trùng, nhưng tài liệu ở Việt Nam còn hiếm. Sau lần tham gia hội thảo khoa học tại Thái Lan, anh Nguyên mới biết đó là nấm ĐTHT. Rồi anh có duyên được gặp bậc thầy về nấm của thế giới, có nhiều công trình khoa học và ứng dụng - GS người Nhật Katsuji Yamanaka khi GS sang Việt Nam cùng GS Xujuki là thầy giáo hướng dẫn anh Trương Bình Nguyên nghiên cứu sinh. GS Yamanaca đã tặng mẫu và hướng dẫn anh Nguyên trồng nấm ĐTHT. Vui sướng với sản vật quý hiếm nhưng cũng nhiều năm sau chật vật vì thiếu kinh phí TS Nguyên mới tạo được giống ĐTHT thành sản phẩm ứng dụng tại Việt Nam. Anh không bao giờ quên cái mốc son của quá trình khổ công nghiên cứu và sản xuất này. Đó là ngày 31/7/2015, cả 7 nhà khoa học về nấm hàng đầu ở Việt Nam trong Hội đồng khoa học của Sở KH&CN thành phố Hồ Chí Minh đã đánh giá cao và ghi nhận thành công công trình sản xuất nấm ĐTHT của TS Trương Bình Nguyên.
TS Nguyên là người đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu sản xuất thành công loài ĐTHT nguồn gen Cordyceps Sinensis. GS,TS Nguyễn Minh Đức - Trưởng ban Nghiên cứu khoa học và Thư viện, Khoa Dược Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng khoa học công bố: “Công trình của nhóm TS Trương Bình Nguyên đạt 82,7 điểm. Trong khi đối với một công trình nghiên cứu khoa học chỉ cần 50 điểm là đạt”. Mới đây, PGS, TS Dương Tấn Nhựt - Viện phó Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên nhận xét: “Về mặt nghiên cứu ĐTHT, tôi nghĩ rằng đây là một nghiên cứu không dễ, nó đòi hỏi rất nhiều công sức cũng như các vấn đề liên quan đến kỹ thuật mà để nuôi trồng nó thành công. Chúng tôi thấy kết quả của TS Trương Bình Nguyên là một trong những kết quả tiên phong và đầu tiên”.
TS Nguyên không chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm và cũng không chỉ thành công như là một nguyên liệu về thảo dược mà đã cho ra sản phẩm ĐTHT CS phục vụ cộng đồng. Anh biết tận dụng điều kiện tự nhiên của huyện Lạc Dương, đưa mô hình sản xuất đơn giản đến mức tối đa để tạo được sản phẩm ĐTHT CS giá rẻ. Với 12 nhà trồng nấm, mỗi nhà chỉ khoảng 20 m
2, TS Nguyên đã góp phần làm rạng rỡ một bảo vật thiên nhiên của quốc gia. Anh chia sẻ với tôi là đang ấp ủ để đưa thành tựu của đề tài nâng cấp lên thành đề tài Nhà nước, có giá trị ngang tầm với các quốc gia khác.
MINH ÐẠO