Con đường vào xã Đạ K'Nàng, huyện Đam Rông nay đã thông thoáng, không còn cảnh tượng rác ùn ứ, vương vãi khắp nơi như trước. Có được kết quả này là nhờ công tác vận động, tuyên truyền, thay đổi ý thức trách nhiệm của người dân.
Con đường vào xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông nay đã thông thoáng, không còn cảnh tượng rác ùn ứ, vương vãi khắp nơi như trước. Có được kết quả này là nhờ công tác vận động, tuyên truyền, thay đổi ý thức trách nhiệm của người dân.
|
Người dân đã ý thức hơn đến việc gom rác thải tập trung để bảo vệ môi trường. Ảnh: H.Thắm |
Môi trường luôn là tiêu chí “khó” trong xây dựng NTM ở các địa phương. Đạ K’Nàng cũng không phải là ngoại lệ. Ở xã vùng sâu của huyện nghèo Đam Rông này, chính quyền địa phương và nhân dân đang từng ngày nỗ lực để gìn giữ, cải thiện môi trường, trong cả sinh hoạt và sản xuất. Dù chưa đạt tiêu chí 17, nhưng tình trạng môi trường đã được cải thiện nhiều, đem lại sự phấn khởi bước đầu cho người dân.
Chị Ka Srong (thôn Pun) cho biết, trước đây, một số hộ dân trong thôn có thói quen xả rác bừa bãi theo kiểu “tiện tay”, nhất là bao bì ni lông, túi đựng quà bánh của trẻ em. Rác tập trung dưới mương nước bên đường, mưa là tràn lên đường trông rất mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến sinh hoạt. Mỗi khi có nắng nóng thì mùi hôi bốc lên rất khó chịu. Nhiều người đi đường cũng tùy tiện vứt rác.
Theo ông Hoàng Đông Thư, Phó Chủ tịch UBND xã, nhiều nơi bên đường trở thành bãi rác tập trung, bốc mùi khó chịu. Nhiều lần xã phải tập trung cán bộ đi dọn dẹp vệ sinh. Với địa bàn hơn 62% dân số là người dân tộc thiểu số, rất khó để người dân có thể tự ý thức bảo vệ môi trường. Vì vậy, UBND xã đã cùng phối hợp với các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc… vận động, tuyên truyền đến từng hộ gia đình ký hợp đồng với Trung tâm Quản lý và khai thác các công trình công cộng thu gom rác đến bãi rác tập trung để đường trở nên thông thoáng hơn. Xã chưa có bãi rác, và mới chỉ có khoảng 50% số hộ dân được thu gom và xử lý rác thải.
“Trước đây, nhiều người dân thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Xã phải nhiều lần vận động, thông báo trên loa về thời gian, địa điểm thu gom của xe rác. Đến nay thì mọi người đã chấp hành đúng quy định. Ở những thôn vùng sâu, đường đi lại khó khăn, xe không thể đến thu gom rác thì vận động các gia đình tự đào hố chôn và đốt rác cách xa khu vực sinh hoạt của gia đình, tránh tình trạng khói bụi ô nhiễm. Hiện nay, xã được đầu tư 10 thùng rác đặt ở khu vực có đông dân cư. Trung tâm Quản lý và khai thác các công trình công cộng tiến hành thu gom trên trục đường chính, ủy ban và các trường học. Mỗi tuần 3 buổi, rác được đưa về bãi rác tập trung ở Rô Men. Với những nơi khác, xã cũng hướng dẫn bà con tập trung rác đúng giờ quy định để tiện cho việc thu gom” - ông Thư cho biết.
Ngoài ra, Đạ K’Nàng có một lượng rất lớn rác là bao bì thuốc bảo vệ thực vật thải ra trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Đối với loại rác này, xã hướng dẫn người dân xây bể chứa. Toàn xã hiện có gần 200 bể, khi đầy rác sẽ có xe của trung tâm đến chở đi, hạn chế rất lớn việc thuốc bảo vệ thực vật dư thừa ngấm vào đất gây ô nhiễm môi trường.
Ông Bùi Thành Tâm, Đội trưởng Đội Quản lý công trình công cộng huyện cho biết, trước khi triển khai việc thu gom rác tập trung ở Đạ K’Nàng thì trung tâm cũng nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương thu gom rác ở những bãi rác tự phát, đặc biệt là khu vực đầu đèo Phú Sơn.
“Người dân địa phương cũng vô cùng bức xúc vì nhiều người ở nơi khác cũng đến đây đổ rác. Trước khi tiến hành thu gom rác theo hợp đồng với các hộ dân, xe rác của Trung tâm cũng chạy liên tục trong vòng 2 tháng để người dân quen với lịch thu gom rác, từ đó hình thành thói quen đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Nhiều hộ dân ở xa đường chính cũng mang rác ra các khu vực tập trung. Điều này cho thấy nhận thức của bà con về vấn đề vệ sinh môi trường đã được nâng lên. Trong tương lai sẽ mở rộng hơn quy mô thu gom cũng như đầu tư nhiều thùng rác hơn” - ông Tâm nói.
Với hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống như chị Trần Thị Hằng (thôn Đạ Sơn), trước đây, cứ mỗi 2, 3 ngày lại phải đốt rác tại bãi đất trống phía sau nhà. Những ngày ngược gió, khói bay vào nhà rất khó chịu. Biết là ô nhiễm môi trường nhưng chị chia sẻ là không còn cách nào khác tiện hơn. Từ ngày có xe thu gom rác thường xuyên, không chỉ riêng chị Hằng, nhiều hộ dân khác cũng không còn trăn trở chuyện này nữa, tình trạng môi trường đã được cải thiện đáng kể.
HỒNG THẮM