Hơn một năm nay, mô hình "Góc tư vấn" do Hội LHPN xã Phú Hội (huyện Đức Trọng) triển khai đã thật sự mang lại hiệu quả, là nơi để nhiều chị em hội viên tìm tới để sẻ chia nhiều điều trong cuộc sống.
Hơn một năm nay, mô hình “Góc tư vấn” do Hội LHPN xã Phú Hội (huyện Đức Trọng) triển khai đã thật sự mang lại hiệu quả, là nơi để nhiều chị em hội viên tìm tới để sẻ chia nhiều điều trong cuộc sống.
Đều đặn vào ngày 25 mỗi tháng từ hơn một năm nay, 25 thành viên của mô hình “Góc tư vấn” lại nhóm họp tại hội trường thôn Phú Lộc. Mỗi tháng một chủ đề, lúc thì tuyên truyền về tư tưởng Hồ Chí Minh với phụ nữ Việt Nam, lúc lại tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình; bồi dưỡng các kỹ năng thuyết trình trước đám đông...
“25 thành viên của mô hình chủ yếu là các hội viên của thôn Phú Lộc - thôn được Hội LHPN xã chọn làm điểm, còn lại là các hội viên của 14 thôn còn lại trong xã. Tại các buổi sinh hoạt như vậy, ngoài sinh hoạt theo từng chủ đề, chủ điểm hàng tháng, thời gian còn lại, các thành viên của mô hình sẽ đưa ra những tình huống khó xử xảy ra trong thôn, xóm như chuyện bạo hành gia đình hay mâu thuẫn hàng xóm... Lúc đó, các thành viên sẽ cùng bàn bạc, tìm cách giải quyết sao cho thấu tình đạt lý nhất” - chị Lê Thị Thảo, Chủ tịch Hội LHPN xã nói.
Và, không chỉ là tìm cách giải quyết chuyện khó xử của mọi người, ngay các thành viên của mô hình nếu có chuyện khó xử trong gia đình mà bản thân chưa thể giải quyết được thì những buổi sinh hoạt cũng là cơ hội để họ bày tỏ nỗi lòng, để các thành viên còn lại góp thêm cho mình một tiếng nói.
Chị Lê Thị Ngọc Dung - thành viên của “Góc tư vấn”, thật lòng chia sẻ: “Trước khi chưa tham gia sinh hoạt mô hình này, vợ chồng tôi cũng thường cự cãi nhau, chồng nói một tiếng, vợ cãi một tiếng, khiến không khí gia đình lúc nào cũng nặng nề. Từ khi tham gia sinh hoạt cùng với mọi người, thật sự là tôi thấy mình ngộ ra nhiều điều hơn, biết nhường nhịn trong cuộc sống vợ chồng hơn nên gia đình vì thế cũng trở nên hạnh phúc hơn”.
Đặc biệt, các thành viên của mô hình này không chỉ là nữ, mà còn có sự góp mặt của các đấng mày râu. “Đơn giản là ngoài việc lắng nghe ý kiến của chị em thì ý kiến của phái mạnh chúng tôi đôi khi cũng rất quan trọng và khách quan, giúp cho sự việc được giải quyết thật sự thỏa đáng hơn” - anh Ngô Văn Ký, Trưởng thôn Phú Lộc và cũng là thành viên của mô hình cho biết.
Khi có bất cứ vấn đề gì khúc mắc trong cuộc sống như về hôn nhân gia đình, định hướng nghề nghiệp, bạo lực gia đình… các chị em hội viên trong xã đều có thể gọi điện trực tiếp đến các đường dây nóng trên để được tư vấn hỗ trợ.
|
Song song với việc nhóm họp thành viên, tổ chức sinh hoạt định kỳ, 5 đường dây nóng của “Góc tư vấn” cũng ra đời. Tại buổi sinh hoạt đầu tiên của các thành viên, số điện thoại của 5 đường dây nóng đã được công bố rộng rãi để các chị em hội viên phụ nữ nắm rõ. Ngoài số điện thoại “nóng” của 3 thành viên là cán bộ Hội LHPN xã Phú Hội, Hội còn mời thêm 2 thành viên tham gia tư vấn đó là Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đức Trọng và cán bộ tư pháp xã.
Với nguyên tắc hoạt động đảm bảo về nhân thân (nếu có yêu cầu) cho người yêu cầu tư vấn và luôn tận tình hỗ trợ, giải đáp các thắc mắc của chị em hội viên, từ khi triển khai đến nay, các đường dây nóng của mô hình đã nhận được hơn 50 cuộc gọi yêu cầu tư vấn, hỗ trợ, chủ yếu liên quan đến bạo lực gia đình, chuyện nên dạy bảo con cái như thế nào…
Chị Nguyễn Thị Mộng Đ., người từng gặp vấn đề trong chuyện dạy bảo con cái đã tìm đến sự trợ giúp của đường dây nóng phấn khởi cho biết: “Tôi biết đến đường dây nóng này khi đi sinh hoạt hội, rồi khi gặp vấn đề về chuyện dạy bảo, định hướng cho con vì lúc đó con trai tôi lên lớp 6, tự nhiên thay đổi hẳn tính nết, tôi không thể nào hiểu được con, gần gũi con như trước. Khi tìm đến đường dây nóng yêu cầu trợ giúp, các chị đã hướng dẫn cho tôi phải gần gũi để hiểu con hơn, chia sẻ với con, làm bạn cùng con... Nhờ làm theo sự hướng dẫn của các chị, tôi và con trai đã hiểu nhau hơn, đã tìm được tiếng nói chung và giờ, khi cháu lên lớp 7, cháu đã ngoan hơn, chia sẻ với mẹ nhiều hơn. Tôi thật cảm ơn các chị tư vấn đường dây nóng rất nhiều”.
Nói về mô hình này, bà Trần Thị Kim Thoa (Bí thư Chi bộ thôn Phú Lộc) bày tỏ: “Tôi nghĩ, với những hiệu quả mà nó mang lại, mô hình này nên duy trì thường xuyên. Ngoài các đường dây nóng, việc duy trì sinh hoạt đều đặn mỗi tháng nhằm để tạo cơ hội cho mọi người gặp nhau và thông qua những buổi sinh hoạt như thế, chị em sẽ thoải mái chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, cũng như tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm cho bản thân mình”.
THY VŨ