Các xã Lộc Nam, Lộc Lâm (huyện Bảo Lâm), Ðoàn Kết (huyện Ðạ Huoai) hay Ðồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên) là những vùng căn cứ cách mạng ở Nam Tây Nguyên. Và, đây đều là những địa phương được Ðảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Các xã Lộc Nam, Lộc Lâm (huyện Bảo Lâm), Ðoàn Kết (huyện Ðạ Huoai) hay Ðồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên) là những vùng căn cứ cách mạng ở Nam Tây Nguyên. Và, đây đều là những địa phương được Ðảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Ngày xưa, ở những mảnh đất này nghèo đến độ ám ảnh chỉ có củ sắn, rau rừng làm bạn với người dân. Nhưng giờ đây, ở những mảnh đất này đã và đang “thay da, đổi thịt” từng ngày.
|
Một góc xã Lộc Nam hôm nay. Ảnh: K.P |
Lộc Nam
Có lẽ điều đã giúp các mảnh đất Lộc Nam, Lộc Lâm, Đoàn Kết và cả Đồng Nai Thượng được “thay da, đổi thịt” như ngày hôm nay đó chính là bản lĩnh và nghị lực của những con dân có truyền thống làm cách mạng. Ngày xưa, cha ông họ là những “người lính” đánh Pháp, diệt Mỹ thì giờ đây con em họ chính là những “người lính” biết đẩy lùi cái đói, cái nghèo.
Ông Võ Thiên Bình, Chủ tịch UBND xã Lộc Nam cho biết: “Truyền thống cách mạng là tài sản vô giá, là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn và cũng đặt ra yêu cầu cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã phải tìm cách phát huy truyền thống ấy trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội sao cho xứng đáng với một vùng đất anh hùng”.
Về Lộc Nam hôm nay, những ngôi nhà mới kiên cố đã mọc lên san sát; những tuyến đường giao thông được “bê tông hóa” thẳng tắp và rộng thênh thang. Cùng với đó là những vườn cà phê trĩu quả đang đến độ thu hoạch và những đồi chè, vườn sầu riêng xanh tốt hứa hẹn những vụ mùa bội thu đang ở phía trước. Hơn ai hết chính những người nông dân đang nở nụ cười phấn khởi trong lúc kéo những bạt cà phê đầy ắp quả. Đó là minh chứng sống động cho sự “thay da, đổi thịt” của vùng đất này.
Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt gần 35 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn lại 5,4%. Đặc biệt, toàn xã hiện có trên 5% số hộ đạt mức thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm và trên 30% số hộ đạt hộ khá… Với những gì đã đạt được, năm 2015, Lộc Nam vinh dự được UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Cờ thi đua về “Đơn vị dẫn đầu trong phát triển kinh tế - xã hội”.
|
Cây chè đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Lộc Lâm. Ảnh: K.P |
Lộc Lâm
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Lộc Lâm đã đoàn kết, thi đua phát huy nội lực để phát triển kinh tế - xã hội. Để đổi mới, Lộc Lâm đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Theo đó, địa phương chú trọng đầu tư chương trình tái canh cà phê theo chủ trương của huyện và tỉnh. Đến nay, chương trình tái canh cà phê của địa phương đã đạt trên 90%; năng suất cà phê trung bình đã đạt trên 4,5 tấn nhân/ha. Đối với cây chè, Lộc Lâm đã chuyển đổi được 100% diện tích chè hạt già cỗi sang các giống chè cành cho năng suất và chất lượng cao.
Là một xã nghèo của huyện, việc đầu tiên Lộc Lâm chú trọng hướng tới đó là công tác giảm nghèo. Một trong những giải pháp hàng đầu đã và đang được Lộc Lâm chú trọng, hướng tới để giảm nghèo hiệu quả là việc chuyển đổi giống cây trồng. Từ đó, các giống cà phê, chè năng suất cao được đưa vào trồng thay thế cho những loại giống đã bị thoái hóa, kém năng suất. Đến nay, Lộc Lâm đã có khá nhiều hộ đạt mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ chính 2 loại cây trồng chủ lực này. Điển hình như các hộ bà Ka Tuyết, ông K’Hóa, K’Đòi, K’Yang, Điểu Hòa… mỗi năm có sản lượng cà phê nhân đạt từ 15 - 20 tấn.
Trao đổi với chúng tôi, già làng K’Tin (86 tuổi, ngụ thôn 1, xã Lộc Lâm) vui mừng: “Xã Lộc Lâm hôm nay đã có những bước phát triển vượt bậc. Cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm giờ có đủ hết. Tôi vẫn còn nhớ ngày trước, nói đến Lộc Lâm, người ta thường nghĩ đến sự cơ cực, đói nghèo. Bây giờ mọi chuyện đã khác nhiều rồi, người dân không còn chỉ lo đến chuyện “ăn no, mặc ấm” nữa mà đã biết tận dụng thời gian lo đến chuyện làm giàu...”.
Ðoàn Kết
Khác với Lộc Nam và Lộc Lâm của huyện Bảo Lâm, xã Đoàn Kết của huyện Đạ Huoai có điểm xuất phát thấp hơn. Đất đai thổ nhưỡng nơi đây cằn cỗi chỉ phù hợp với cây điều. Ấy vậy mà, sau bao nhiêu năm phấn đấu vươn lên thì giờ đây Đoàn Kết cũng chẳng thua kém các địa phương khác của huyện là bao. Đến nay, Đoàn kết đã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Một trong những nét nổi bật nhất của xã trong những năm qua đó là công tác giảm nghèo. Theo ông Nguyễn Viết Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết, là xã nghèo nên hằng năm xã đều xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể từng thành viên trong Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã vận động giúp đỡ các hộ nghèo trong xã thoát nghèo theo hướng bền vững thông qua chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, phát huy vai trò của những mô hình sản xuất giỏi tiêu biểu trong cộng đồng… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm nhanh trong những năm gần đây, hiện chỉ còn 64 hộ nghèo (chiếm gần 14% trong tổng số trên 460 hộ dân của xã), trong đó chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài công tác giảm nghèo, Đoàn Kết còn đặc biệt chú trọng đến công tác chuyển đổi giống cây trồng. Với diện tích điều gần 480 ha, xã đang vận động các nhà vườn tỉa cành tạo tán, thay thế các vườn điều già cỗi bằng giống điều mới có năng suất hơn. Đặc biệt, cả xã hiện nay đã có 156 ha sầu riêng và 144 ha cà phê trồng riêng hoặc trồng ghép trong các vườn điều, phần lớn diện tích này đang bắt đầu cho thu hoạch. Nhiều hộ dân còn trồng tiêu, cả xã có khoảng 15 ha tiêu. “Năm nay tuy bị hạn nhưng nhờ chăm sóc tốt, cà phê đang có giá, sầu riêng bán cũng được nên bà con trong xã rất phấn khởi, xã đang tích cực vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, vận động người dân nuôi bò, nuôi heo, ai có đất rộng nuôi thêm gia cầm để tăng thu nhập. Rất nhiều hộ dân cũng đang mở rộng thêm các giống cây ăn trái trong vườn. Nhờ vậy, hiện nay trong xã ngày một xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trong thi đua phát triển sản xuất ” - ông Xuân cho biết.
|
Cồng chiêng, món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên). Ảnh: K.P |
Ðồng Nai Thượng
Trong các mảnh đất anh hùng mà chúng tôi đặt chân đến dịp này thì địa phương khó khăn nhất phải là xã Đồng Nai Thượng của huyện Cát Tiên. Đồng Nai Thượng hiện có hơn 350 hộ đồng bào dân tộc thiểu số gốc Châu Mạ, chiếm 98% dân số của toàn xã. Đây là địa phương nằm cách xa trung tâm nhất của huyện Cát Tiên, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Trước đây, người dân Đồng Nai Thượng chủ yếu “độc canh” cây điều và năng suất mang lại cũng rất thấp. Song, theo Bí thư Đảng ủy xã Lê Xuân Hùng: Năm 2016, thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, nhưng Đồng Nai Thượng đã tập trung lãnh đạo, triển khai một cách quyết liệt, toàn diện nên đạt một số kết quả có ý nghĩa. Đó là: Tổng diện tích gieo trồng đạt gần 1.800 ha, sản lượng lương thực đạt: 700 tấn, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đạt 60 triệu đồng/ha, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực. Hoàn thành bê tông hóa tuyến đường giao thông nông thôn Bù Gia Rá đến nghĩa trang, nâng tổng số chiều dài lên 4,2 km. Đến nay xã đạt 13/19 tiêu chí về nông thôn mới. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người 27 triệu đồng/năm.
Ngoài cây trồng chủ lực là cây điều, hiện, xã đã đưa vào trồng một số giống cây mới cho năng suất, chất lượng cao như lúa nước, cà phê, tiêu... Các công trình phục vụ an sinh xã hội như điện, đường, trường, trạm... đã được đầu tư sửa chữa và xây mới ngày một khang trang hơn. Đặc biệt, hàng năm ở xứ Mạ Đồng Nai Thượng thì lễ hội Cồng chiêng là món ăn tinh thần không thể thiếu đang được bảo tồn và phát huy.
Tuy hiện tại các địa phương này còn gặp phải không ít khó khăn, thách thức nhưng với việc phát huy truyền thống cách mạng, anh hùng trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương đang ngày càng gặt hái được nhiều thành tựu trên đường phát triển kinh tế - xã hội. Sự vào cuộc đồng bộ và tích cực đó, tin rằng, người dân trên các mảnh đất anh hùng sẽ biến quê hương của mình thành những vùng đất trù phú, đầy sức sống mới trong tương lai không xa.
KHÁNH PHÚC