Trả rừng nơi đất lấn chiếm

08:01, 17/01/2017

Vạt nắng vàng ươm bên kia sườn dốc, nơi những nương rẫy trên những khu đồi, lũng sâu trải dài đến sát bìa rừng của người dân mang màu xanh ngát sau mùa mưa Tây Nguyên. Tôi tự hỏi làm sao để phủ màu rừng lên những diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm ấy khi chúng đã "nghiễm nhiên" trở thành đất sản xuất nông nghiệp một cách "không chính thức" từ bao lâu nay...

Vạt nắng vàng ươm bên kia sườn dốc, nơi những nương rẫy trên những khu đồi, lũng sâu trải dài đến sát bìa rừng của người dân mang màu xanh ngát sau mùa mưa Tây Nguyên. Tôi tự hỏi làm sao để phủ màu rừng lên những diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm ấy khi chúng đã “nghiễm nhiên” trở thành đất sản xuất nông nghiệp một cách “không chính thức” từ bao lâu nay. Và liệu rằng, sự cố gắng trồng rừng của huyện Lâm Hà, trả lại màu xanh cho đại ngàn có thành công như mong muốn...
 
“Thật khó có thể tưởng tượng ra những cánh rừng trơ trọi ngày nào giờ có thể được phủ xanh lại. Đấy thật sự là một kỳ tích, bởi chính những người đã phá đi chúng...” - ông Dương Thanh Quang, Trưởng trạm Bảo vệ rừng xã Phúc Thọ, Ban Quản lý rừng Phòng hộ Lán Tranh chia sẻ. Tôi bị “mê hoặc” bởi “kỳ tích” mà Trạm trưởng Quang bật mí mà đi róng riết về phía rừng để xem “rừng đã lên xanh” ra sao?
 
Diện tích mùn cao gần bằng đầu người của gia đình ông Vũ Đức Ninh. Ảnh: H.Y
Diện tích mùn cao gần bằng đầu người của gia đình ông Vũ Đức Ninh. Ảnh: H.Y
Tâm điểm lấn chiếm
 
Từ trung tâm huyện Lâm Hà, phải mất vài chục cây số mới có thể đến các tiểu khu đang bị người dân chiếm dụng để sản xuất nông nghiệp. Trong các địa bàn rừng bị tàn phá, lấn chiếm ở Lâm Hà, cái tên Tân Thanh nổi lên như một địa chỉ “nóng bỏng” bởi những khu rừng ngày một teo tóp, đất lâm nghiệp bị chiếm dụng nhiều nhất và tôi chọn lựa để đến. Đồng hành với tôi một đồng nghiệp nữ, dù có mạnh mẽ đến đâu thì chúng tôi vẫn thuộc phái “chân yếu tay mềm”, phải “đánh vật” với khó khăn đường sá lầy lội, dốc nối dốc, hết dốc đến cua ngoặt liên tục, qua bao lối mòn cheo leo triền đồi... mới tới nơi bằng chiếc xe máy đường trường. Đến đây, ấn tượng đầu tiên là màu xanh cà phê bạt ngàn phủ trên khắp các sườn đồi, bãi bằng, những khu vườn xung quanh nhà ở... gieo vào tâm trí tôi về cuộc sống khá giả của người nông dân. Ấy vậy mà nói về vấn đề này, ông Trần Quang Thân, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh lại tỏ ra trăn trở: Do trồng cà phê mang lại hiệu quả kinh tế nên người dân luôn muốn mở rộng diện tích, vì vậy đã lấn chiếm đất rừng để trồng cà phê. Hiệu quả trước mắt nhìn thấy rất rõ, nhưng phá rừng hậu quả sẽ khôn lường...
 
Lục lại lịch sử lấn chiếm đất rừng ở Tân Thanh xảy ra cách đây đã lâu theo “kiểu vết dầu loang” khiến cho cả ngàn ha rừng nguyên sinh “rơi rụng”. Không ồ ạt, cứ mỗi năm một phần diện tích nhỏ của rừng lại bị chặt phá rồi được chuyển sang trồng cà phê. Tôi không khỏi giật mình khi nghe con số biết nói: Toàn xã có 6.000 ha đất lâm nghiệp, nhưng đất có rừng hiện chỉ có hơn 2.000 ha. Vậy số còn lại đã đi đâu? Thì ra phần lớn diện tích rừng này qua nhiềm năm đã bị người dân lấn chiếm, để lại hệ lụy không những chỉ mất rừng mà còn gây áp lực trong quản lý xã hội dẫn tới khó xử lý ngọn ngành. Ông Trần Quang Thân cho biết: “Tân Thanh là xã có khá đông dân di cư tự do, toàn xã có 12 dân tộc anh em đến từ hơn 40 tỉnh, thành trong cả nước, lượng di dân như vậy nên rất khó để kiểm soát việc khai thác rừng lấy đất sản xuất. Phần lớn diện tích đất bị lấn chiếm đã xảy ra từ rất lâu và người dân đã canh tác trên diện tích đó trong một thời gian dài, rất khó để họ từ bỏ nguồn thu từ canh tác nông nghiệp đang sinh lời và vốn là “nồi cơm” của gia đình họ. Thêm vào đó, đất đai, nhất là đất nông nghiệp lại đang lên giá từng ngày cũng tạo ra áp lực khi triển khai trồng lại rừng trên diện tích lấn chiếm. Địa phương đang rất đau đầu trong việc giải quyết vấn đề này”.
 
Không chỉ Tân Thanh nổi lên như một địa chỉ phá rừng, chiếm dụng đất lâm nghiệp mà hiện trạng này còn diễn ra ở nhiều xã có rừng trên địa bàn Lâm Hà. Số liệu thống kê qua kiểm kê phân định đất nông - lâm cho thấy điều đó. Lâm Hà có 36.523 ha đất quy hoạch lâm nghiệp, chiếm 38,86% tổng diện tích đất tự nhiên thì trong đó chỉ có gần 28.000 ha diện tích đất có rừng. Vậy là có hơn 8.500 ha đất lâm nghiệp chưa được phủ lên màu xanh của rừng. Theo kết quả rà soát của huyện, tổng diện tích đất lâm nghiệp đang bị người dân lấn chiếm trồng các loại cây nông nghiệp là 5.000 ha. Hiện trạng diện tích đất bị lấn chiếm này chủ yếu được người dân trồng hoa màu, cà phê mới trồng và nhiều diện tích cà phê đang vào thời kỳ kinh doanh. Với phương thức canh tác độc canh cà phê làm cho năng suất cây trồng bị giảm sút vì khả năng giữ nước kém, không có cây chắn gió, bảo vệ đất chống xói mòn, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững tại đây. 
 
Rồi đây, những cánh rừng trơ trọi ngày nào sẽ được phủ xanh. Ảnh: H.Y
Rồi đây, những cánh rừng trơ trọi ngày nào sẽ được phủ xanh. Ảnh: H.Y
Một mai rừng có lên xanh?
 
Để thực hiện việc trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, Huyện ủy Lâm Hà đã đi đến một quyết định quan trọng, đó là thông qua “Đề án phát triển rừng trên diện tích đất lâm nghiệp do người dân lấn chiếm sản xuất nông nghiệp” - gọi tắt là Đề án 04. Theo tinh thần của Đề án 04, các ngành chức năng, đơn vị được giao trồng rừng rà soát, thỏa thuận và vận động người dân tham gia trồng rừng, góp phần nâng tỷ lệ độ che phủ rừng đến năm 2020 lên 33% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2016 - 2020 đề ra. Mục tiêu của đề án đề ra nhiệm vụ rất cụ thể: quản lý tốt diện tích rừng hiện còn gần 28.000 ha, phấn đấu trồng được 5.000 ha rừng trên đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, tăng độ che phủ rừng và tạo ra mô hình sản xuất nông lâm kết hợp; trồng xen cây rừng với cây cà phê, tiêu, hoa màu với mật độ trồng 185 cây/ha. Ông Đỗ Văn Thủy - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà cho tôi hay: Không dễ để giải tỏa và trồng lại rừng, đặc biệt là đối với diện tích rừng bị lấn chiếm. Thực tế này đã được các đơn vị chủ rừng, những người chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp thừa nhận, dù họ đã cố gắng và nỗ lực... Vì vậy, Đề án 04 nhằm giúp người dân yên tâm sản xuất nông nghiệp trên diện tích rừng bị lấn chiếm, đồng thời địa phương lại vừa có thêm diện tích rừng. “Khi người dân triển khai thực hiện trồng rừng sẽ có nhiều cái lợi, thứ nhất sẽ yên tâm sản xuất nông nghiệp, thứ 2 cây rừng sẽ giúp chắn gió, giữ  nước, sau khi cây lớn có thể khai thác lấy gỗ tạo thành một nghề có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân, người đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa” - ông Thủy phân tích thêm.  
 
Để tận mắt nhìn thấy rừng được trồng theo Đề án 04 ra sao, tôi cùng Trạm trưởng Dương Thanh Quang, vượt khoảng 2 km đường dốc cao, trơn trượt leo lên đỉnh đồi - nơi rừng bị người dân lấn chiếm đang được người dân nỗ lực khôi phục. Qua khảo sát tỷ lệ cây sống đạt 70% và cây đã mọc quá đầu người nên năm nay tiếp tục trồng dặm thêm các giống mùn, gáo vàng... Một số người dân trồng rừng giải thích với tôi: Hồi mới có chủ trương trồng rừng, do chưa hiểu được tầm quan trọng của việc này nên bà con trồng theo kiểu đối phó. Nhưng khi được tuyên truyền về lợi ích của việc trồng rừng, bà con ai nấy cũng phấn khởi, tự mua cây giống về trồng trên diện tích được quy hoạch trồng rừng. Ông Mông Văn Hùng (thôn Phúc Hòa, Phúc Thọ) đang phát dọn cỏ ở diện tích rừng mới trồng chia sẻ: Trước khi đề án trồng rừng của huyện được thực hiện, ông đã qua tận  Đắk Nông để tham quan mô hình sản xuất nông lâm kết hợp, thấy bên đó người ta trồng cây mùn vừa chắn gió, giữ nước lại có thể làm cọc tiêu ông đã học hỏi làm theo. Khi đề án ra đời mang tính pháp lý, gia đình ông tiếp tục yên tâm sản xuất. Bây giờ chưa được hưởng lợi gì, nhưng sau này sẽ được khai thác và hơn hết, chúng tôi mong muốn được góp sức phủ xanh những khoảnh rừng bị phá, vì chúng tôi hiểu rõ lợi ích của rừng đối với cuộc sống lâu dài. Trở lại với “điểm nóng”  thôn Tân Hợp, xã Tân Thanh, trong rất nhiều diện tích rừng trồng sau giải tỏa bị người dân nhổ bỏ để trồng cà phê, chanh dây... 1,5 ha mùn của gia đình ông Vũ Đức Ninh vẫn phát triển tốt nhờ sự chăm sóc và bảo vệ theo đúng cách. “Sau khi có chủ trương của Ban quản lý rừng, tôi nhận trồng ngay. Tôi nghĩ việc trồng rừng tuy trước mắt không có lợi về kinh tế, nhưng lâu dài sẽ ổn định. Trong những năm tới, tôi sẽ tiến hành trồng cây rừng kết hợp trồng tiêu. Ông tính toán, khi trồng rừng người dân sẽ yên tâm hơn trong việc sản xuất của mình, đồng thời với diện tích hiện tại chỉ cần 3 năm nữa tiêu của gia đình ông sẽ cho ra những quả bói đầu tiên, hiệu quả kinh tế sẽ rất cao”.
 
Không riêng Tân Thanh và Phúc Thọ đang tích cực khắc phục diện tích rừng bị phá, lấn chiếm mà ở các xã khác của huyện cũng đã và đang triển khai trồng rừng trả lại màu xanh cho rừng. Với “chế tài” gắt gao, đấy là khi kiểm tra, nếu tỷ lệ cây sống không bảo đảm sẽ thu hồi toàn bộ diện tích đó giao cho các hộ khác quản lý, bảo vệ. Điều này thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền trong việc khôi phục cây lâm nghiệp và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng phát sinh. Một tín hiệu đáng mừng cho việc nâng cao độ che phủ rừng đã mang lại kết quả tốt. Và trong vòng 3 năm nay diện tích trồng rừng của Lâm Hà đạt khoảng hơn 1.225 ha, riêng  năm 2016 trồng được 649 ha.
 
Trao đổi với tôi, ông Nguyễn Đức Tài -  Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết: “Một giải pháp đồng bộ để ngăn chặn việc lấn chiếm đất rừng chính là gắn chặt mối dây liên kết bảo vệ rừng với sinh kế của người dân. Đối với diện tích rừng bị phá trái pháp luật từ trước năm 2012, ngành chức năng đã đưa ra các giải pháp để trồng lại rừng. Huyện cũng chủ trương kiên quyết giải tỏa tất cả những phần diện tích được khai phá sau năm 2012. Đề án 04 thật sự là đề án mang tính nhân đạo bởi khi thực hiện, Lâm Hà vừa có rừng và người dân vừa có thêm thu nhập, đồng thời nâng cao nhận thức bảo vệ rừng đối với người dân và mang nhiều ý nghĩa xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải hộ dân nào cũng nắm rõ được lợi ích mà đề án mang lại nên sau 2 năm triển khai tuy mang lại tín hiệu khả quan, nhưng việc trồng rừng vẫn còn manh mún. Trong thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các ngành xác định lại khu vực, khoảnh để trồng rừng tập trung; đồng thời,vận động, tuyên truyền để người dân yên tâm trồng rừng kết hợp với sản xuất”.
 
Khi rừng đã mất không thể tái lập lại “hệ sinh quyển của rừng” tự nhiên như thở ban sơ. Song, bằng cách nào đó cần phải trả lại độ che phủ của rừng đó là cách tồn tại phát triển mang tính bền vững và góp phần chống lại sự biến đổi khí hậu mà Lâm Hà đang từng bước nỗ lực thực hiện. 
 
 HOÀNG YÊN