Thật hiếm hoi để tìm thấy ở đâu một ngôi chợ quê như thế. Bởi đã "mang phận" quê mùa, hơn nữa là xã nghèo thuộc khu vực vùng II khó khăn nhưng lại gánh "bổn phận" giao thương cho người dân ba tỉnh từ bao lâu nay. Đó là chợ Đạ R'Sal, huyện Đam Rông nằm bên dòng sông Bố - sông Krông Nô - nhộn nhịp hàng ngày. Một vùng biên mậu mà ở đấy đa phần người dân tộc thiểu số sinh sống.
Thật hiếm hoi để tìm thấy ở đâu một ngôi chợ quê như thế. Bởi đã “mang phận” quê mùa, hơn nữa là xã nghèo thuộc khu vực vùng II khó khăn nhưng lại gánh “bổn phận” giao thương cho người dân ba tỉnh từ bao lâu nay. Đó là chợ Đạ R’Sal, huyện Đam Rông nằm bên dòng sông Bố - sông Krông Nô - nhộn nhịp hàng ngày. Một vùng biên mậu mà ở đấy đa phần người dân tộc thiểu số sinh sống.
|
Một góc chợ Đạ R’Sal. Ảnh: H.Y |
Dừng chân những chuyến xe qua
Ngoài những chuyến công tác về huyện, thỉnh thoảng cô bạn ở Đắk Lắk rủ về quê chơi, hai đứa tôi dong xe máy từ Đà Lạt, theo quốc lộ 27 trên hành trình gần 200 cây số và lần nào cũng vậy, đều dừng chân nghỉ ngơi ở nơi ấy - xã Đạ R’Sal, huyện Đam Rông. Cũng phải thôi, cứ nhằm quốc lộ 27 theo hướng Bắc mà đi, hết xã Phú Sơn của huyện Lâm Hà bát ngát cà phê là chạm phải rừng, rồi đèo Phi Liêng dài hơn 20 km, tiếp đến dọc đường lác đác những cụm dân cư thưa thớt và phải đến “cây cầu biên giới” bắc qua sông Krông Nô phân chia ranh giới hành chính giữa Lâm Đồng với Đắk Lắk mới thấy cái không khí thị tứ sôi động ở giữa núi rừng, sông nước. Đâu chỉ có tôi - người lữ khách mỗi bận qua lại chốn này, mà ngay cả những chuyến xe đò chật khách, xe hàng nặng tải ngược xuôi xuyên Tây Nguyên ngày đêm cũng ghé lại ăn cơm, rửa xe hay thay dầu nhớt là chuyện thường tình.
Vậy, điều gì khiến Đạ R’Sal xa lắc xa lơ, nằm ở điểm cuối cửa ngõ Lâm Đồng, nối thông qua vùng cao nguyên rộng lớn Đắk Lắk... trở thành trạm dừng chân của những chuyến xe qua? Nếu lấy chợ Đạ R’Sal - nằm sát bờ sông Krông Nô - trung tâm giao thương của xã vùng xa này làm điểm đầu, vạch một đường thẳng dài ngót hơn 1 km, hai bên nhà phố xen dày toàn hộ buôn bán kinh doanh. Và ở đây chẳng thiếu thứ gì, từ bó rau con cá, quần áo, nông cơ, thuốc bảo vệ thực vật... cho đến những mặt hàng cao cấp điện tử, điện máy đều sẵn có phục vụ ai có nhu cầu. Còn bày tiệc cưới đã có nhà hàng, giải trí thì có cà phê sân vườn, quán hát karaoke, lỡ đường sá xin mời vào nhà nghỉ cũng lịch sự chẳng kém gì chốn đô hội. Dù mang thân phận ở xã, nhưng quy mô buôn bán ở Đạ R’Sal có khi còn lớn nhất huyện ở cái huyện nghèo Đam Rông, vì ngay thị trấn Bằng Lăng - trung tâm hành chính của huyện cũng phải chào thua cái thị tứ nằm ven sông Krông Nô này. Bởi, chợ Đạ R’Sal không chỉ phục vụ người dân địa phương hay trạm dừng chân của khách qua lại trên tuyến đường 27 mà còn là điểm đến mua sắm của những xã cùng huyện, kể cả các xã lân cận thuộc tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông.
Nẻo về chợ quê
Bao giờ chợ cũng là trung tâm trao đổi, mua bán hàng hóa, kể cả làm “chức năng” giao lưu văn hóa. Vì thế mà người ta cho rằng, muốn biết mức sống, con người địa phương ở đâu đó ra sao, cứ ra chợ là biết.
Vừa bước vào chợ Đạ R’Sal, tôi đã nghe xôn xao những lời chào bán, “mua trứng gà so em nhé” hay chỉ nhỏ nhẹ “cá sông tươi đó em”... Các sản vật làm ra tại địa phương, nhiều thứ thuộc hàng đặc sản, đấy là mớ trà dây, bó măng khô, rổ cá mương... cho đến những vuông vải thổ cẩm Tây Nguyên, chiếc váy sặc sỡ hoa văn của người phụ nữ H’Mông... đều được bày bán tại đây. Nhìn người mua kẻ bán, tôi chẳng thấy ai nói thách hay trả giá gì cả, cái hồn quê trong trẻo, thật thà còn lưu giữ đâu đây.
Điều kỳ lạ là, chợ Đạ R’Sal được xem là “chợ chung” của người dân các xã lân cận và ngay cả các cư dân thuộc tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk cũng dự phần, làm cho các phiên chợ quê ở đây sôi động, tấp nập nhộn nhịp hơn cả chợ trung tâm ở huyện. Chị Nguyễn Thị Hà, người bán hàng rau củ ở chợ tự hào chia sẻ: “Đạ R’Sal được xem là trung tâm giao thương, buôn bán của nhân dân 3 tỉnh”. Tìm hiểu ra mới biết, trước đây, xã Krông Nô (huyện Lắk, Đắk Lắk) - chỉ cách Đạ R’Sal bên kia cây cầu bắc qua sông Krông Nô, cũng có chợ khang trang nhưng xã không quan tâm thúc đẩy thương mại, người dân không đến họp chợ, thế là bao năm nay qua đây để mua bán. Còn người dân xã Quảng Hòa (huyện Đắk R’Long, Đắk Nông) hàng ngày cũng tìm đến chợ Đạ R’Sal trao đổi hàng hóa đông đúc. Bà Thò Seo Vạm, người dân xã Quảng Hòa cho biết: Từ nơi bà sinh sống đến chợ phải mất hơn 30 km, nhưng chỉ cần qua cầu là tới chợ Đạ R’Sal để mua hàng hóa. Chợ ở đây, muốn mua gì cũng có, hàng hóa đa dạng, nhiều chủng loại để mình có thể lựa chọn nên rất thuận lợi. Tất cả người dân trong xã đều qua đây, có khi mang bán nông sản làm ra, khi thì đến chợ mua hàng hóa về nhà sử dụng.
Theo ông Đỗ Hoàng Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ R’Sal, quốc lộ 27 đã trở thành tuyến huyết mạch, tạo sự kết nối liên tỉnh và liên huyện, không chỉ giúp giao thông thuận tiện, lưu thông hàng hóa, mà còn tạo điều kiện cho địa phương phát triển thương mại, dịch vụ. Hiện xã giữ vững hiện trạng chợ và từng bước mở rộng đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất để chợ Đạ R’Sal trở thành chợ đầu mối của người dân các xã 3 tỉnh thuận tiện khi tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa.
Mai này thị trấn
Ngồi uống cà phê trước chợ, nhìn cảnh người mua kẻ bán tấp nập trong ngày cuối năm, thỉnh thoảng những chuyến xe chợt tới xuống hàng, xe đò dừng lại đón khách ăn cơm, dăm ba khách tây đi phượt nói cười, giương ống kính về phía cô gái H’Mông bên quầy hàng điện thoại. Tôi nghiệm ra một điều ở đây đâu chỉ có người đồng bào gốc Tây Nguyên gùi hàng ra chợ mà còn có cả những sắc dân từ vùng cao phía Bắc vào đây sinh sống. Thống kê của UBND huyện cho hay, tổng số hộ dân của huyện nghèo Đam Rông đến nay có 11.964 hộ với 35.069 nhân khẩu, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 74,4%. Đa số là đồng bào gốc Tây Nguyên, cùng với người Tày, Dao, Mường, Thái… và H’Mông vào đây sinh sống. Chỉ tính riêng xã Đạ R’Sal, cũng có tới 241 hộ với 1.130 khẩu chủ yếu là người Tày, còn lại là các dân tộc khác đến định cư, chợt nhớ câu “đất lành chim đậu”. Huyện Đam Rông thuộc vùng khó khăn, có 8 đơn vị hành chính trực thuộc thì trong đó có tới 7 xã thuộc khu vực III - xã đặc biệt khó khăn, duy nhất là xã Đạ R’Sal nay đây thuộc khu vực II.
|
Chợ Đạ R’Sal là nơi giao lưu buôn bán giữa nhân dân 3 tỉnh. Ảnh: H.Y |
Ông Đỗ Linh Nhật Thành, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đam Rông cho biết, trước đây, người dân tập trung buôn bán ven quốc lộ 27 gây cản trở giao thông. Từ khi có đề án xây chợ nhân dân ai cũng phấn khởi. Đầu năm năm 2009, chợ Đạ R’Sal bắt đầu được khởi công xây dựng. Theo đó, các hạng mục xây mới gồm: nhà chợ chính, nhà lồng, khu vệ sinh, nhà đặt máy bơm chữa cháy, bể nước chữa cháy, bể xử lý nước thải... Mọi thiết kế đều tuân thủ đúng Tiêu chuẩn về “Chợ - tiêu chuẩn thiết kế” và được quy hoạch xây dựng chợ hạng 2.
Do nhu cầu buôn bán, tiêu dùng của người dân, chợ quê Đạ R’Sal cứ được mở rộng lần hồi cho đến nay có diện tích lên tới hơn 2.012 m
2, bao gồm: 42 ki ốt, 130 quầy sạp, riêng ngành hàng buôn bán thực phẩm tươi sống có tới 21 quầy sạp, với khoảng 217 tiểu thương. Buôn bán, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm (thịt, cá, rau, củ, quả); hàng quần áo, giầy dép; hàng khô... phục vụ đời sống và nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của liên tỉnh.
Không dừng lại ở quy mô đó, Chủ tịch UBND xã Đạ R’Sal - Thái Viết Phúc cho hay: Ngoài các hộ kinh doanh trong chợ, còn có 150 hộ kinh doanh đăng ký lập bộ. Số thuế thu của xã năm 2016 đạt 5,1 tỷ đồng, chủ yếu từ kinh doanh, dịch vụ và cao nhất các xã trong huyện. Đạ R’Sal đã đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí cũ năm 2015, nhưng với sự điều chỉnh các tiêu chí và áp dụng chuẩn nghèo đa chiều thì xã còn 3 tiêu chí chưa đạt đó là tỷ lệ hộ nghèo, mô hình sản xuất nông nghiệp và thu nhập của người dân. Điều này sẽ được xã phấn đấu để năm 2017, trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện.
Theo Nghị quyết Đảng bộ Đam Rông khóa III, nhiệm kỳ 2016 - 2020, đặt ra mục tiêu cùng lúc xây dựng thị trấn Bằng Lăng và xã Đạ R’Sal đạt tiêu chí cấp đô thị của thị trấn. Điều này cho thấy cơ hội rộng mở phát triển nơi đây và một mai xã Đạ R’Sal “lên đời” thị trấn không còn bao xa.
HOÀNG YÊN