Thứ 3, 15/04/2025, 21:13

Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng trước, trong và sau tết

10:01, 24/01/2017

Năm 2016, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) giảm đáng kể về vi phạm Luật BV&PTR. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề nổi lên cần được cả hệ thống chính trị tăng cường quan tâm, nhất là trước, trong và sau Tết Ðinh Dậu. 

Năm 2016, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) giảm đáng kể về vi phạm Luật BV&PTR. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề nổi lên cần được cả hệ thống chính trị tăng cường quan tâm, nhất là trước, trong và sau Tết Ðinh Dậu. 
 
Do quản lý lỏng lẻo nên hậu quả rừng khu vực xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm đã từng bị tàn phá đến mức nghiêm Trọng.  Ảnh: M.Đạo
Do quản lý lỏng lẻo nên hậu quả rừng khu vực xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm đã từng bị tàn phá đến mức nghiêm Trọng. Ảnh: M.Đạo
Những tồn tại và nguyên nhân 
 
Theo Ban chỉ đạo về Kế hoạch BV&PTR tỉnh Lâm Đồng, những tồn tại và nguyên nhân cơ bản bao gồm là: Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BVR và PCCCR tuy được duy trì thường xuyên, hình thức đa dạng nhưng hiệu quả còn chưa cao. Nguyên nhân rõ nhất là việc thực hiện còn dàn trải, chưa có phương pháp tiếp cận phù hợp theo nhận thức của từng nhóm đối tượng. Một tồn tại khác, đó là trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng và các cơ quan liên quan. Cụ thể, ý thức trách nhiệm chưa cao, thực hiện thiếu đồng bộ; chưa giải quyết rốt ráo những vướng mắc một cách kịp thời. 
 
Tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại khu vực giáp ranh trong và ngoài tỉnh; ken cây, kéo đông người phá rừng của đồng bào dân tộc tại chỗ còn diễn ra phức tạp, chưa ngăn chặn triệt để. Các đối tượng lâm tặc vi phạm hoạt động tinh vi, phức tạp và rất mạnh động. Báo cáo tình hình công tác QLBVR tháng 1/2017, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng Nguyễn Khang Thiên cho biết: Trong tháng đã phát hiện lập biên bản 105 vụ vi phạm; trong đó, vi phạm quy định về quản lý rừng, sử dụng rừng 17 vụ (chiếm 16,2%); vi phạm quy định về phát triển rừng 27 vụ (25,7%); vi phạm quy định về quản lý lâm sản 61 vụ (hơn 58%). Các hành vi cụ thể như: khai thác rừng trái phép 17 vụ với 78,054 m2 (chiếm hơn 16%); phá rừng trái pháp luật 24 vụ với 19.030 m2 (gần 23%); vận chuyển lâm sản trái pháp luật 23 vụ với hơn 18 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại (chiếm gần 22%)…
 
Bên cạnh đó, tình hình cháy rừng vẫn còn xảy ra, đa số các vụ cháy chưa phát hiện được đối tượng vi phạm. Nguyên nhân chính là do chủ rừng, nhất là các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng còn buông lỏng quản lý và chưa tổ chức lực lượng thường trực trong tuần tra bảo vệ. Một trong những nhức nhối diễn ra trong năm 2016 là tình hình chống người thi hành công vụ với nhiều hình thức gây ra không ít hậu quả rất đáng tiếc. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn, “việc xử lý các đối tượng vi phạm còn chậm, giải quyết chế độ chính sách chưa thỏa đáng đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của các công chức kiểm lâm, chủ rừng khi thi hành công vụ”. Một tồn tại lâu nay nữa là sự phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm với các cơ quan ban ngành liên quan trong công tác QLBVR chưa đồng bộ, kịp thời; còn hoạt động theo vụ việc. Cùng đó, khả năng thực tế xử lý tình huống của một số cán bộ chủ rừng và kiểm lâm còn lúng túng, chưa nhạy bén... 
 
Nhiều nhiệm vụ quan trọng trước mắt 
 
Như đã nhiều lần Báo Lâm Đồng phản ánh, vấn đề có tính tiên quyết là cả hệ thống chính trị cần nhận thức một cách sâu sắc và theo đó triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả cao đối với Chỉ thị số 30 - CT/TU ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác QLBV & PTR, quản lý lâm sản; các Chỉ thị 12, 08 và 1685 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp, chương trình, dự án về QLBVR, PCCCR. Huy động và phát huy tích cực nhất, hiệu quả thiết thực nhất lực lượng cộng đồng người dân cùng tham gia QLBVR, PCCCR. Theo đó, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân, đặc biệt là người trực tiếp tham gia BV&PTR và đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo. 
 
Để góp phần đắc lực trong công tác BV&PTR, PCCCR là phải thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa các ngành liên quan như kiểm lâm, công an, quân đội…;và giữa các địa phương liên quan. Đặc biệt là vùng rừng giáp ranh giữa Lâm Đồng và các tỉnh bạn, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng cảnh báo và nhắc nhở trong Hội nghị bàn về rừng Tây Nguyên là “cha chung không ai khóc”. 
 
Trong những ngày cận kề tết, trong tết và sau tết là thời gian hết sức nhạy cảm, vì vậy, đối với nhiệm vụ trực tết cần gắn chặt với công tác QLBVR, PCCCR. Theo đó, xây dựng kế hoạch và tăng cường triển khai công tác kiểm tra, truy quét, xử lý dứt điểm các điểm nóng về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép là hết sức quan trọng. Được biết, Ban chỉ đạo Kế hoạch về BV&PTR tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu 12 Ban chỉ đạo Kế hoạch về BV&PTR của 10 huyện và 2 thành phố trong tỉnh có trách nhiệm phổ biến văn bản chỉ đạo của tỉnh đến tất cả các đơn vị chủ rừng thuộc Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp được giao và cho thuê rừng, cộng đồng dân cư để thực hiện. Nhiệm vụ QLBVR, PCCCR trước, trong và sau Tết Đinh Dậu được chuyển tải với tinh thần khẩn trương, thực hiện quyết liệt, hiệu quả phải đạt được cao nhất. 
 
MINH ÐẠO