Nhiều năm qua tôi vẫn có lệ viết nhật ký vào đêm ba mươi tết. Năm nay cố gắng giữ cho được cái thú vui ấy mặc dù mấy tháng vừa rồi bận rộn quá, bỏ bẵng một thời gian khá dài không màng đến nhật ký, sổ tay, ngoài sổ ghi công việc hằng ngày.
23/01/55. Hôm nay, ba mươi tháng chạp âm lịch Giáp Ngọ
Nhiều năm qua tôi vẫn có lệ viết nhật ký vào đêm ba mươi tết. Năm nay cố gắng giữ cho được cái thú vui ấy mặc dù mấy tháng vừa rồi bận rộn quá, bỏ bẵng một thời gian khá dài không màng đến nhật ký, sổ tay, ngoài sổ ghi công việc hằng ngày.
Tết năm nay có nhiều ý nghĩa mới. Hòa bình. Thủ đô. Đất nước chia cắt. Tâm tình tôi cũng có nhiều đổi thay. Năm ngoái năm kia nhớ buồn khắc khoải. Năm nay cái buồn chưa hết nhưng đã bắt đầu thấy cái vui. Tôi mong sẽ nuôi dưỡng được niềm vui ấy nó sẽ làm ấm áp cuộc đời tôi. Đó là lời ước mong đầu tiên năm mới.
|
Sáng mùng một Tết Ất Mùi (24/1/1955) bên bờ Hồ Gươm. Từ trái sang: Nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn, nhạc sĩ Tạ Phước, Phan Quang, nhạc sĩ Phan Thanh Nam. Hai em bé bên trái hiện nay là Giáo sư, Nghệ sĩ nhân dân Tạ Bôn và nhạc sĩ Tạ Tuấn, đều là con trai cố nhạc sĩ Tạ Phước, Giáo sư Hiệu trưởng đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội. |
Tết hòa bình đầu tiên ở Thủ đô có nhiều nét đáng ghi. Mọi người cùng chờ đợi Giao thừa. Chưa đến nửa đêm, pháo gần xa từ các phố đã nổ ran. Tôi giở nhật ký ra định ghi mà không sao viết được. Cảm xúc trong tôi nôn nao. Cảnh vật chung quanh lại quá rộn rịp. Cả bọn vừa đi xem ciné về. Phim Liên Xô Bước vào đời. Đẹp rộn ràng. Cuộc sống ở bên Nga xem chừng cũng tình tứ lắm.
Tình cờ gặp hai chị em H. và G. từ Khu 4 mới ra để được dự Tết hòa bình tại Thủ đô Hà Nội. Cùng nhau ôn chuyện cũ.
Gần đến Giao thừa, mấy anh em xa nhà chúng tôi cùng đến phòng riêng anh Nguyễn Văn Bổng và chị Hồ Vân. Ăn mứt gừng, uống trà tàu. Toàn một bọn xa nhà nhưng trong lúc này không đứa nào buồn. Xong, mặc áo ra phố chơi.
Vừa từ trong sân bước qua khỏi cổng chính phố Hàng Trống, pháo Giao thừa nổ ran. Xuất hành năm mới đúng lúc quá. Âm nhạc do Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam truyền đi liên tục từ một giờ nay, bỗng im bặt. Tiếng cô xướng ngôn viên ngân lên nghiêm trang mà dịu dàng: “Bây giờ là đúng Giao thừa”. Tiếng chuông đồng hồ Nhà thờ lớn trước mặt tòa soạn báo chúng tôi cũng vừa dóng lên, nhưng đã chìm ngay trong tiếng pháo đón xuân, sau phút Giao thừa nổ rộ, và càng về sau càng rộn rã hơn.
Trên đường phố đã có rất nhiều người đổ ra trước chúng tôi. Đền Hàng Trống, cách tòa soạn có chục bước chân, đông nghịt người trên gác dưới sàn. Khói hương nghi ngút. Mùi hương trầm tỏa thơm xa cả một khúc phố. Ai cũng níu cành hái lộc đầu xuân, lá cành lộc gãy rơi đầy đường phố.
Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam phát lời Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc mừng năm mới. Giọng Bác ấm cúng mà cương nghị, tôi đã được nghe Bác trực tiếp nói sáng ngày 1 tháng giêng dương lịch năm 1955, đầu buổi mít tinh tại Quảng trường Ba Đình mừng năm mới và Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng, mà tôi được cử cùng Thép Mới, Diên Hồng làm phóng viên tường thuật, hôm nay nghe lại vẫn cảm động bồi hồi. Tiếng nói thân yêu nhất tôi được nghe đầu năm tại Thủ đô Hà Nội hòa bình là tiếng của Bác Hồ.
Đền Ngọc Sơn không thể chen chân vào được, dù chúng tôi đã qua cầu Thê Húc. Gặp nhà văn Nguyễn Huy Tưởng giữa dòng người. Lại gặp nhà thơ Minh Giang từ Liên khu 4 nay cũng ra đây, đang chen chân trên cầu Thê Húc, tay không, thiếu cành lộc xanh như hầu hết mọi người đêm nay. Tôi hỏi: “Lộc đâu?” Minh Giang chỉ lên chiếc Huân chương chiến sĩ cài trên ngực áo, cười: “Có sẵn lộc đây rồi”. Chắc anh vừa được tặng thưởng Huân chương dịp đầu năm.
Ai cũng bẻ lộc. Ai cũng xin thẻ. Tôi cũng định thử vào xin thẻ nhưng len vào được trong đền rồi, không thể đứng lâu hơn mấy phút vì khói hương đậm đặc như hun chuột, cay mắt quá. Cạnh tôi, hai cô phóng viên nước ngoài đang nhờ một ông đồ xem thẻ, vừa nghe phiên dịch lại vừa cười với nhau. Cụ đồ ta hẳn ý tứ, sáng đầu năm giải thẻ, thì có ai sẽ không có được ít nhiều cái vui trong suốt năm nay.
Nhiều cảnh thật ngộ. Ông Ấn kiều đầu quấn chiếc khăn to hơn cái rế đi hái lộc. Nhiều chàng trai mặc comlê chững chạc. Một anh comlê, mũ phớt cầm tay, đứng ngay ngắn trước điện thờ, định chắp hai tay làm lễ. Lúng túng vì cái mũ không biết để đâu, cậu quên luôn phép lịch sự phương Tây, chụp lại cái mũ lên đầu, lại còn nắn lệch đi một tí thật đúng người sành điệu mới thì thụp khấn vái. Quanh Bờ Hồ nhiều ông chễm chệ trên chiếc Vespa phóng lượn, ngồi trước là đức ông chồng, sau là bà vợ tay cầm cành lộc. Một chiếc xe hơi đen hiệu Ford Vedette lướt chậm trên đường, chỗ gần bồn nước không xa ga tàu điện, một cánh tay phụ nữ lộng lẫy thò bó hương đang bốc khói ngùn ngụt ra bên ngoài cửa kính xe...
Chúng tôi dừng lại hỏi chuyện mấy anh đạp xích lô vẫn lặng lẽ chở khách ở phố Hàng Trống - Bảo Khánh. Năm ngoái, Giao thừa cũng có đông người đi lễ, bọn lính Tây đến bắt giải tán, đuổi mọi người về nhà - anh cho biết. Năm nay anh kiên nhẫn chờ, may ra có khách, sẽ hên cả năm.
24/01/55. Sáng mồng một Tết Ất Mùi 1955.
Hôm nay, Nguyên đán năm Ất Mùi. Trời bỗng dưng hửng nắng. Thiếu cái rét dịu và mưa lâm thâm của ngày Tết nhưng lại được cái ấm nắng hiền hòa đầu Xuân. Quanh Bờ Hồ, cạnh đền Ngọc Sơn, bao nhiêu người chụp ảnh giúp nhau. Màu sắc. Nhộn nhịp. Có thể nói sáng hôm nay Hà Nội có những cái gì đẹp nhất, tất cả đều được tuôn ra phô ngoài đường phố. Mấy anh em chúng tôi diện bộ quần áo đẹp nhất của mình vào, rồi kéo nhau ra phố, hòa vào cuộc sống...
Sáng mùng một Tết Ất Mùi (24-01-1955) bên bờ Hồ Gươm. Từ trái sang: Nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn, nhạc sĩ Tạ Phước, Phan Quang, nhạc sĩ Phan Thanh Nam. Hai em bé bên trái hiện nay là Giáo sư, Nghệ sĩ nhân dân Tạ Bôn và nhạc sĩ Tạ Tuấn, đều là con trai cố nhạc sĩ Tạ Phước , Giáo sư Hiệu trưởng đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội.
PHAN QUANG