Thời gian qua, mặc dù BHXH TP Đà Lạt đã sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó có cả những biện pháp mạnh liên quan đến pháp luật, song việc thu nợ đọng, nhất là nợ của các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Thời gian qua, mặc dù BHXH TP Đà Lạt đã sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó có cả những biện pháp mạnh liên quan đến pháp luật, song việc thu nợ đọng, nhất là nợ của các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
|
Tính đến hết tháng 12/2016, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT trên địa bàn chiếm hơn 23 tỷ đồng. Ảnh: C.Thành |
Theo số liệu thống kê của BHXH TP Đà Lạt, tính đến cuối tháng 12/2016, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn chiếm hơn 23 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ nợ đã tăng lên 1,36%. Cụ thể, nợ BHXH chiếm 10,7 tỷ đồng (nợ BHXH từ trên 1 tháng đến dưới 6 tháng chiếm hơn 5,7 tỷ đồng, nợ BHXH từ 6 tháng trở lên chiếm hơn 4,2 tỷ đồng). Nợ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chiếm 477 triệu đồng. Nợ BHYT chiếm hơn 11,8 tỷ đồng.
“Tình trạng nợ BHXH kéo dài của các doanh nghiệp làm cho người lao động khi di chuyển đi làm việc nơi khác hoặc cần chốt thời gian đóng BHXH, BHTN để được hưởng chế độ chính sách như BHTN, chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn… không được giải quyết kịp thời, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động”.
Ông Bùi Nhân - Phó Giám đốc BHXH TP Đà Lạt.
|
Qua phân tích của BHXH TP Đà Lạt: Số đơn vị nợ đọng BHXH ngày càng tăng theo thời gian. Tính đến cuối năm 2016, trên địa bàn thành phố có gần 500 đơn vị còn nợ đọng BHXH. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa có ý thức tự giác trong việc đóng BHXH, nợ đọng kéo dài, khả năng đòi nợ khó, nhất là các doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một số đơn vị có số nợ lớn, kéo dài như: Chi nhánh Công ty TNHH Thành Bưởi Đà Lạt nợ hơn 1,4 tỷ đồng; Công ty đầu tư Công nghệ Tuổi trẻ nợ hơn 240 triệu đồng; Công ty cổ phần ĐT & TM Phú Gia Việt Nam nợ hơn 222 triệu đồng…
Lý giải về điều này ông Nhân cho rằng, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không hiệu quả dẫn đến phá sản, giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động không có khả năng đóng BHXH khiến cho nợ BHXH tăng nhanh. Điều này dẫn đến việc hoàn thành kế hoạch được giao gặp nhiều khó khăn, quyền lợi của người lao động tại các đơn vị đóng BHXH, BHYT không được giải quyết thỏa đáng, kịp thời.
Bên cạnh đó, nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT của người sử dụng lao động và người lao động còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài nhà nước. Người sử dụng lao động cố tình không đóng BHXH, BHYT hoặc chỉ đóng BHXH, BHYT cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn. Cùng với đó, còn có một bộ phận không nhỏ chính người lao động không hiểu đầy đủ về BHXH, BHYT và quyền lợi của mình khi tham gia BHXH, BHYT. Điều đó dẫn tới việc chính người lao động đã đồng ý thỏa thuận với chủ doanh nghiệp để không nộp BHXH, BHYT.
Nhằm từng bước khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, BHXH TP Đà Lạt đã có nhiều nỗ lực trong việc tập trung kiểm tra các doanh nghiệp chưa tham gia BHXH để doanh nghiệp tham gia BHXH theo quy định; phối hợp với cơ quan công an để kiểm tra và thu nợ tại các doanh nghiệp có số nợ đọng lớn và phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố để khởi kiện những đơn vị nợ đọng kéo dài với những khoản nợ lớn. Nhờ vậy, năm 2016, trên địa bàn thành phố, có hơn 14 ngàn người tham gia BHXH, chiếm 91,69% kế hoạch năm, tăng 8,41% so với cùng kỳ năm trước. Số tiền thu được trên 286 tỷ đồng, đạt trên 95% chỉ tiêu được giao.
Năm 2017, BHXH TP Đà Lạt sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tăng cường những biện pháp “mạnh tay” như tiếp tục lập hồ sơ khởi kiện các đơn vị nợ đọng. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với Công an thành phố Đà Lạt kiểm tra và thu nợ đọng tại các doanh nghiệp nợ lớn và kéo dài.
PV