Bảo tồn và phát triển rừng thông nội ô Đà Lạt

09:02, 09/02/2017

Khung cảnh rừng cảnh quan nội ô thành phố Đà Lạt, kể cả trong các khuôn viên biệt thự, cơ sở tôn giáo, trường học, công sở… sẽ được bảo tồn, phát triển nghiêm ngặt trong những năm tới. Đó là quyết định được UBND tỉnh phê duyệt nhằm bảo tồn, phát triển rừng cảnh quan nội ô này.  

Khung cảnh rừng cảnh quan nội ô thành phố Đà Lạt, kể cả trong các khuôn viên biệt thự, cơ sở tôn giáo, trường học, công sở… sẽ được bảo tồn, phát triển nghiêm ngặt trong những năm tới. Đó là quyết định được UBND tỉnh phê duyệt nhằm bảo tồn, phát triển rừng cảnh quan nội ô này.  
 
Bảo tồn và phát triển rừng nội ô nâng cao cảnh quan môi trường Đà Lạt. Ảnh: X.Trung
Bảo tồn và phát triển rừng nội ô nâng cao cảnh quan môi trường Đà Lạt. Ảnh: X.Trung

Cách đây đã lâu, thành phố Đà Lạt đưa ra vấn đề làm gì để quản lý, bảo tồn nguồn cây xanh - đa số là thông - cảnh quan nội ô trong lòng thành phố. Đã có ý kiến nên quản lý một cách có địa chỉ, nghĩa là quản đến từng gốc thông bằng việc đánh số, lập dữ liệu để quản lý. Một cuộc điều tra mới đây cho thấy, tổng số đất, rừng cảnh quan nội ô thành phố Đà Lạt lên tới 431 ha, trong đó diện tích đất có rừng 321,41 ha, đất không có rừng hơn 10,4 ha và một số diện tích đất khác hay còn gọi là đất chuyên dùng chiếm 96,1 ha. Đối với diện tích thuộc rừng cảnh quan nội ô Đà Lạt nêu trên, Ban quản lý rừng Lâm Viên quản lý lượng diện tích lớn nhất hơn 258,4 ha; kế đến là các tổ chức, cá nhân được giao đất, cho thuê đất và rừng đang quản lý 172,5 ha. Trong số diện tích mà 24 tổ chức và 2 cá nhân được giao, cho thuê đất, rừng có 135,4 ha đất có rừng thông hiện hữu, 6,73 ha diện tích trồng rừng gỗ và rừng lá rộng thường xanh, cùng với 30,39 ha đất khác. Việc xác định rõ diện tích đất, rừng nội ô được các cá nhân, đơn vị đang quản lý có ý nghĩa ràng buộc trách nhiệm trong quá trình bảo tồn, trồng mới đối với rừng cảnh quản của Đà Lạt. Bên cạnh đó, diện tích đất, rừng phân bổ bởi các mảnh đất nhỏ, nằm rải rác trên địa bàn 12 phường thuộc thành phố Đà Lạt với diện tích là 282,68 ha rừng thông tự nhiên, hơn 40,3 ha rừng trồng cây thông và 1,35 ha rừng lá rộng thường xanh. 
 
Theo đánh giá, phân loại đối với diện tích rừng thông tự nhiên trong nội ô chủ yếu là rừng một tầng tán, cây phân bố không đều và đã qua tuổi thành thục - bước vào giai đoạn già cỗi. Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND thành phố Đà Lạt về trồng cây phân tán, trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị, trường học đã tổ chức trồng được một số diện tích thông con dưới tán rừng và hiện đang sinh trưởng tốt. Thế hệ cây thông con này tạo thành một tầng rừng mới thay thế dần lớp cây già cỗi, góp phần cải thiện cảnh quan, môi trường, tăng độ che phủ, bảo vệ đất và chống xói mòn. 
 
Từ hiện trạng đất, rừng nội ô của thành phố, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển rừng cảnh quan nội ô của thành phố Đà Lạt với phạm vi thực hiện toàn bộ diện tích đất, rừng trong nội ô bao gồm cả trong các khuôn viên biệt thự, cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện, chùa, nhà thờ... Đồng thời đặt ra mục tiêu cụ thể nhằm bảo vệ, bảo tồn, duy trì và phát triển diện tích rừng thông tập trung hiện có, rừng lá rộng, cây đặc hữu khác và cây phân tán trong khuôn viên các cơ quan, đơn vị để tạo không gian xanh cho đô thị, bảo tồn cảnh quan, môi trường cũng như giá trị thiên nhiên, văn hóa, thẩm mỹ, lịch sử mà rừng đem lại. Bên cạnh đó, trồng bổ sung cây thông 3 lá và một số loài cây đặc hữu của địa phương như bách xanh, pơmu, thông 2 lá dẹt, du san và thông đỏ... hướng tới tạo nguồn kế cận thay thế lớp thông già cỗi phải chặt hạ do chết, ngã đổ bởi mùa mưa lũ hàng năm. 
 
Từ mục tiêu đặt ra, quyết định của UBND tỉnh cũng định hướng rõ ngoài việc phải quản lý chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt số lượng cây xanh hiện có, riêng đối với từng loại rừng trồng bổ sung thông 3 lá và các loài cây đặc hữu một cách cụ thể dưới tán rừng thông thưa có lớp cây già cỗi mật độ trồng 200 cây/ha, còn đối với rừng trồng thông tập trung trên diện tích đất trống chưa có rừng với mật độ 2.200 cây/ha. Song song đó tiến hành trồng cây phân tán trong khuôn viên biệt thự, công sở, trường học, bệnh viện... theo diện tích hiện có và vận động nhân dân trồng cây xanh, trồng hoa trong khuôn viên nhà ở, trên bờ ranh lô thửa của diện tích đất  sản xuất nông nghiệp trong nội ô Đà Lạt. Việc xác định địa chỉ, diện tích bảo tồn và trồng xen cây xanh để lập kế hoạch vốn không nằm ngoài mục tiêu duy trì và tái tạo môi trường rừng cảnh quan trong lòng đô thị. Qua đó, bảo tồn diện tích 321,41 ha rừng hiện có và trông xen cây lâm nghiệp - chủ yếu là thông 3 lá trên diện tích đang có rừng tự nhiên 282,68 ha; trồng rừng tập trung tại diện tích đất chưa có rừng 10,45 ha…với các tiêu chuẩn về cây giống, kỹ thuật trồng cụ thể. Cũng theo quyết định của UBND tỉnh, tổng vốn đầu tư thực hiện Đề án bảo tồn và phát triển rừng cảnh quan nội ô thành phố Đà Lạt từ năm 2017 đến năm 2020 có tổng mức đầu tư trên 9,9 tỷ đồng. Nguồn vốn này được trích từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng hơn 7,1 tỷ đồng và vận động các tổ chức, cá nhân được giao, thuê đất, rừng nội ô đóng góp gần 2,8 tỷ đồng. Nội trong năm 2017 này sẽ triển khai gần 1,5 tỷ đồng để trồng rừng trong nội ô của thành phố Đà Lạt.
 
Việc bảo tồn và phát triển rừng nội ô của thành phố du lịch Đà Lạt không những tạo cảnh quan môi trường trong lòng thành phố mà còn bổ sung nguồn cây xanh cho đô thị sinh thái mà Đà Lạt đang hướng đến.
 
XUÂN TRUNG