Việc học hành bị bỏ ngỏ là điều mà những đứa trẻ theo cha mẹ mưu sinh bằng nghề đánh bắt tôm cá trên thủy điện Đại Ninh (Đức Trọng, Lâm Đồng) phải gánh chịu.
Việc học hành bị bỏ ngỏ là điều mà những đứa trẻ theo cha mẹ mưu sinh bằng nghề đánh bắt tôm cá trên thủy điện Đại Ninh (Đức Trọng, Lâm Đồng) phải gánh chịu.
|
Thất học là điều nhiều con trẻ ở làng chài phải gánh chịu khi theo bố mẹ mưu sinh. Ảnh: Đức Tú |
Những ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp ghé thủy điện Đại Ninh, nơi sự học của những đứa trẻ cứ mãi lênh đênh theo con nước. Gia đình ông Nguyễn Văn Nghiệp (1966) quê gốc ở Long An lên miệt đất này tính đến nay ngót nghét đã 7 năm tròn. Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, là cái tết thứ 8 mà những con người lầm lũi nương nhờ ở đây. Câu chuyện đầu năm vui có, buồn có, vất vả có, chan chứa tình thương có nhưng thiết tha nhất vẫn là chuyện “chữ nghĩa” chưa có.
Đại gia đình ông Nghiệp có 9 người, chỉ có 3 người biết chữ nhưng ở mức độ biết viết tên tuổi của chính mình, còn đọc thì chữ được chữ mất. Ngay chính bản thân vợ chồng ông cũng chưa bao giờ đặt bút “phê” vào giấy tờ gì vì không biết chữ. Cô con gái của ông là Nguyễn Thị Nữ năm nay tròn 12 tuổi chưa một ngày nào đến trường và giấc mơ của em về con chữ mãi là giấc mơ khi chưa một ngày nào em được đến trường.
Nữ chia sẻ về công việc của mình đều đều như một bản nhạc không có nốt thăng lẫn trầm: “Hằng ngày em phụ việc trong gia đình, rảnh rỗi thì theo cha mẹ ra hồ bắt tôm cá hay ngồi một nơi để vá lưới, công việc chỉ có thế thôi. Cũng mơ ước được đến trường chứ nhưng có lẽ khó, vì trước giờ có biết thế nào là giấy bút đâu, anh trai và chị gái của em cũng như em vậy, không viết nổi tên mình”.
Chuyện đầu năm ở chốn làng chài rôm rả khi những chiếc thuyền bắt đầu cập bờ, họ vui khi cá tôm giúp cho mình một cuộc sống ổn định và cũng chính vì cá tôm mà họ mãi lênh đênh như con thuyền không bến đỗ để rồi con em rơi vào hoàn cảnh thất học. Anh Dương Văn Ngọt (1990) có con trai là Dương Văn Hùng đã 7 tuổi nhưng chưa một lần đến trường, trong câu chuyện của anh về sự học của con mình có một nỗi thấm buồn. Bố mẹ khó khăn, hầu hết thời gian phải lênh đênh trên lòng hồ để kiếm miếng cơm manh áo nên thời gian dành cho con cái là một điều hết sức “xa xỉ”. Cái quý giá nhất anh dành cho đứa con của mình là chiếc xe đạp cao chưa tới đầu gối người lớn, vòng xe của Hùng cứ quay mãi, quay mãi trong cái sân chật hẹp của xóm làng chài miền Tây trên Lâm Đồng vẽ nên một vòng tròn luẩn quẩn không có lối thoát như cám cảnh của nhiều người nơi đây.
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Lập (29 tuổi) ngay tại UBND xã Ninh Gia, trên tay là giấy tờ của cậu con trai vừa mới 4 tuổi. Ước mơ duy nhất của người bố trẻ này là con mình được đến trường, không phải thất học như cha mẹ của chúng. Anh Lập tâm sự: “Mình khổ cực, lênh đênh cũng vì không được ăn học đến nơi đến chốn, ước muốn duy nhất là tìm chữ cho con. Nếu chúng thất học thì cuối cùng sẽ rơi vào cái vòng lẩn quẩn như cha mẹ của chúng thôi và một lần nữa nghèo đói lại đeo bám”.
Ông Nguyễn Ngọc Huyên, Chủ tịch UBND xã Ninh Gia cho biết: “Địa phương là nơi có nhiều người từ các tỉnh khác đến để mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá trên thủy điện Đại Ninh. Thời gian qua chính quyền hết sức tạo điều kiện để con em của họ được đến trường nhưng vẫn còn những trường hợp thất học. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, lý do chung nhất là cuộc sống lênh đênh và trôi dạt theo con nước của lòng hồ, họ không sống cố định ở một nơi mà đi lại giữa các triền đất ven thủy điện, khiến công tác quản lý về nhân khẩu và chuyện học hành của con em gặp rất nhiều khó khăn”.
Có lẽ, mơ ước lớn nhất của những con người xóm chài dịp đầu năm là con em mình sẽ được đến trường và không phải chịu cảnh thất học.
ÐỨC TÚ