Cung đường mùa xuân

08:02, 07/02/2017

Mùa xuân này, đông đảo người dân khu vực 3 xã Đạ Long, Đạ Tông và Đạ M'rông, huyện Đam Rông có thêm nhiều niềm vui khi tuyến đường được thảm bê tông nhựa liên xã nối xã Đạ M'rông đến trung tâm xã Đạ R'sal có tổng chiều dài trên 13 km cơ bản hoàn thành. 

Mùa xuân này, đông đảo người dân khu vực 3 xã Đạ Long, Đạ Tông và Đạ M’rông, huyện Đam Rông có thêm nhiều niềm vui khi tuyến đường được thảm bê tông nhựa liên xã nối xã Đạ M’rông đến trung tâm xã Đạ R’sal có tổng chiều dài trên 13 km cơ bản hoàn thành. Nhờ đó, đã phá vỡ thế độc đạo, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của người dân 3 xã Đầm Ròn. 
 
Đường nối Quốc lộ 27 vào trung tâm xã Đạ K’Nàng. Ảnh: Đ.Trọng
Đường nối Quốc lộ 27 vào trung tâm xã Đạ K’Nàng. Ảnh: Đ.Trọng

Tuyến đường được trải thảm nhựa liên xã Đạ M’rông - Đạ R’sal nối từ cầu số 7 trên Tỉnh lộ 722 thuộc xã Đạ M’rông đến trung tâm xã Đạ R’sal có tổng chiều dài trên 13 km đã cơ bản hoàn thành vào đầu năm 2017. Nhờ đó, phá vỡ thế độc đạo, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao dân trí và đời sống của người dân 3 xã Đầm Ròn và các xã lân cận khác trong khu vực. Chị Phạm Thị Mỹ Lan ở thôn Đa Tế, xã Đạ M’rông, huyện Đam Rông bày tỏ: “Trước chưa có đường giao thông không thuận lợi, phải đi qua sông qua đò. Giờ có đường rồi đi chợ cũng gần hơn”.
 
Tuyến đường liên xã Đạ M’rông - Đạ R’sal được thi công từ cuối năm 2010 với tổng kinh phí trên 81 tỷ đồng, trong đó vốn tín dụng của JICA (Nhật Bản) là gần 34,6 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn Nhà nước. Công trình này có bề rộng nền đường 7 m, lòng đường 4 m, được trải bê tông nhựa hạt chung.
 
Trong quá trình thi công, chủ đầu tư công trình - Trung tâm Quản lý khai thác và Xây dựng công trình công cộng (TTQL&KTCTCC) huyện Đam Rông đã tích cực phối hợp với đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công và đảm bảo chất lượng công trình. Tuy nhiên, do nguồn vốn phân bổ chậm, nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng công trình. Song, đến nay, công trình đường liên xã Đạ M’rông - Đạ R’sal đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy tốt hiệu quả và ý nghĩa của công trình này. Ông Mai Mạnh Duy - Giám đốc TTQL&KTCTCC huyện Đam Rông cho biết thêm: “Bên cạnh việc thuê đơn vị giám sát, chúng tôi còn cử 1 phó giám đốc phụ trách kỹ thuật và 1 kỹ sư giao thông chuyên ngành để giám sát cho chủ đầu tư suốt trong quá trình thi công. Vì vậy, công trình đã đảm bảo chất lượng. Đây là công trình trọng điểm của huyện Đam Rông - công trình nối liền giữa 3 xã Đạ M’rông, Đạ Tông, Đạ Long với xã Đạ R’sal, giữa 3 xã có nền kinh tế chưa phát triển với xã Đạ R’sal có nền kinh tế phát triển nhất huyện Đam Rông”. 
 
Cũng nhận thấy, để đường liên xã Đạ M’rông - Đạ R’sal được hoàn thành phải ghi nhận sự đóng góp to lớn của các hộ dân có diện tích đất, cây trồng mà cung đường đi qua để cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước xây dựng công trình. Bởi tổng diện tích đất phải san bạt để mở tuyến đường Đạ M’rông - Đạ R’sal là trên 15,1 ha đất nông nghiệp, gần 1,9 ha đất lâm nghiệp liên quan đến 131 hộ dân và 1 doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn hai xã Đạ M’rông, Đạ R’sal. Phần lớn trong các hộ có diện tích đất nằm trong dự án tuyến đường đi qua đều là người đồng bào DTTS nghèo. Diện tích đất giải tỏa hầu hết là đất hoa màu nuôi sống hàng ngày, nhưng hầu như tất cả các hộ đều tình nguyện được hiến đất mà không đòi tiền bồi thường. Trong đó, có hộ ông Rơ Lick Y Dring, ở thôn Đa Tế đã hiến trên 500 m2 đất của gia đình để xây dựng đường Đạ M’rông - Đạ R’sal. Ông Rơ Lick Y Dring, bày tỏ: “Chỗ mà đoạn đường đi qua thì gia đình tôi đã hiến hơn 500 m2 đất trên đó có cây điều, cà phê. Cây cà phê thì đã năm thứ 3 rồi và cây điều cũng vậy”.
 
Khu vực Đầm Ròn, gồm 3 xã: Đạ M’rông, Đạ Tông, Đạ Long vốn là vùng đất nghèo và xa xôi, dân trí thấp, đời sống của người dân, số đông là đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn. Trước đây, khi muốn đến Đạ R’sal, xã giáp với tỉnh Đắk Lắk có sự phát triển nhanh nhất huyện Đam Rông, bà con thường di chuyển bằng phương tiện đò ngang qua sông Krông Nô, tiếp tục đi đường bộ dọc theo sông rồi mới đến được chợ trung tâm Đạ R’sal. Còn nếu di chuyển theo đường bộ trên tuyến Tỉnh lộ 722 thì phải mất khoảng 30 km ra ngã ba Bằng Lăng, rồi tiếp tục di chuyển theo Quốc lộ 27 thêm 20 km nữa mới tới được các điểm mua bán tại xã Đạ R’sal. Có thể khẳng định, đường Đạ M’rông - Đạ R’sal như mở nút thắt gắn kết sự thông thương của người dân nghèo 3 xã Đầm Ròn với những vùng phát triển. Qua đó, giúp khu vực Đầm Ròn thoát khỏi “vùng trũng” về phát triển kinh tế, xã hội. Ông Nguyễn Hoàng Mai - Bí thư Đảng ủy xã Đạ M’rông, huyện Đam Rông cho biết: “Khi con đường này hoàn thành thì giúp cho nhân dân ở 3 xã Đầm Ròn đi tới xã Đạ R’sal được thuận tiện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở khu vực Đầm Ròn này. Đời sống của bà con đã có nhiều cải thiện. Đặc biệt việc buôn bán nông sản của bà con cũng như mua bán vật dụng sinh hoạt, vật tư phục vụ sản xuất của bà con được thuận tiện. Bà con không phải đi qua đò như trước đây, đặc biệt là những ngày mưa to nước lớn rất nguy hiểm”.
 
Có thể nhận thấy, công trình đường liên xã Đạ M’rông - Đạ R’sal đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người dân vùng đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm ba xã Đầm Ròn đến xã Đạ R’sal, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông, trao đổi hàng hóa, góp phần xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững tại các xã Đạ M’rông, Đạ Tông, Đạ Long - nơi có số đông đồng bào DTTS sinh sống của huyện Đam Rông.
                             
ÐAM TRỌNG