Trong đợt khảo sát mới đây của Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng về công tác Dân vận trong xây dựng nông thôn mới tại xã Tân Châu (huyện Di Linh), các thành viên trong Đoàn công tác cũng như trong Đảng ủy và UBND xã Tân Châu đều khẳng định, nhờ "Dân vận khéo", xã Tân Châu đã huy động được sức dân chung tay xây dựng NTM.
Trong đợt khảo sát mới đây của Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng về công tác Dân vận trong xây dựng nông thôn mới (NTM) tại xã Tân Châu (huyện Di Linh), các thành viên trong Đoàn công tác cũng như trong Đảng ủy và UBND xã Tân Châu đều khẳng định, nhờ “Dân vận khéo”, xã Tân Châu đã huy động được sức dân chung tay xây dựng NTM.
|
Khởi sắc NTM Tân Châu. Ảnh: X.Long |
Theo Quyết định số 2118/QĐ - UBND ngày 21/8/2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng, xã Tân Châu là 1 trong số 11 xã được phê duyệt, tỉnh chọn làm “điểm” xây dựng mô hình NTM. Theo đó, theo chỉ đạo của Huyện ủy Di Linh, Đảng ủy xã Tân Châu đã ban hành nghị quyết chuyên đề về triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn xã Tân Châu giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Nghị quyết đã xác định rõ, xây dựng NTM tác động trực tiếp đến lợi ích của nhân dân. Do vậy, công tác dân vận cần phải được chú trọng, trên cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức, chung lòng, quyết tâm xây dựng NTM theo các tiêu chí Nhà nước đã ban hành.
Trên nền tảng đã được xây dựng, hình thành và tích lũy từ trước, theo ông Doãn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã, sau gần 5 năm (từ 2010 - 2014), xã Tân Châu đã huy động sức lực, tiền của của nhân dân cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn vốn đầu tư khác, đến cuối năm 2014, xã Tân Châu đã cơ bản đạt được 19 tiêu chí xây dựng NTM và đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Cũng theo ông Doãn Văn Hùng, tuy đã được công nhận xã NTM, nhưng một số tiêu chí chưa thật bền vững, như tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người đạt còn thấp (30,6 triệu đồng/năm); đường giao thông nông thôn “bê tông” hóa mới đạt trên 70%; các thôn tuy đã có hội trường, nhưng một số thôn chưa đảm bảo về tiêu chuẩn và trang thiết bị phục vụ chưa đáp ứng; rác thải và vệ sinh môi trường ở một số thôn cần được thu gom, xử lý theo quy định; thủy lợi, hồ đập phục vụ chống hạn cần được đầu tư thêm... Do vậy, Đảng ủy tiếp tục chỉ đạo khối Dân vận, UBND, UBMT và các đoàn thể của xã tiếp tục phát động phong trào quần chúng tiếp tục chung tay xây dựng NTM.
Nhờ “Dân vận khéo”, nhân dân trong xã đồng tình, ủng hộ và tiếp tục chung tay, góp sức tạo diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc hơn. Bà con đã tích cực hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở vật chất các công trình phúc lợi, đào ao hồ tích nước chống hạn; đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng nhà cửa ngày một khang trang…
Những điển hình trong “Dân vận khéo” đã xuất hiện: Già làng K’Tiểuh (ở thôn 6) đã lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình mình để thế chấp vay ngân hàng 200 triệu đồng để cho bà con trong thôn mượn (tạm ứng) đóng góp tiền đối ứng xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn. Tổ Dân vận thôn 1, thôn 2 đã vận động đóng góp tiền đối ứng 500 triệu đồng để nâng cấp, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn. Già làng K’Bột (ở thôn 3) đã vận động nhân dân trong thôn đóng góp 300 triệu đồng để xây dựng đường giao thông liên thôn dài 300 mét. Nhân dân các thôn 5, 6, 9 và thôn Liên Châu đã đồng lòng hiến 8 ha đất đang canh tác cà phê để giải tỏa, mở rộng và nâng cấp đường liên xã Liên Đầm - Tân Châu - Tân Thượng. Ông Lưu Ngọc Tuấn (ở thôn 9) đã hiến 600 m
2 đất đang canh tác cà phê và nhân dân đóng góp 700 triệu đồng để mở rộng và xây dựng đường giao thông. Nhân dân thôn 5 và thôn 9 cùng nhau hiến 5.000 m
2 đất để chung tay đào 4 ao hồ tích nước chống hạn vào mùa khô...
Trong những năm gần đây, bà con xã Tân Châu đã mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bà con trong xã đã tái canh được 890 ha cà phê già cỗi bằng các giống cao sản; đưa dần cây bơ, sầu riêng ghép và hồ tiêu vào trồng xen với các loại cây trồng khác. Trong xã đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi ba ba, bò thịt... đem lại hiệu quả. Ngoài ra, bà con trong xã cũng có sự liên kết hình hành các tổ hợp tác để giúp nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Nhờ vậy, mức thu nhập và đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Cà phê là cây trồng chính của xã, hiện đã cho năng suất bình quân 2,8 - 3 tấn nhân/1 ha. Mức thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 38,5 triệu đồng/1 năm. Nhiều bà con trong xã làm ăn có tích lũy để sửa chữa, xây dựng và nâng cấp nhà cửa ngày càng khang trang. Riêng bà con dân tộc thiểu số ở thôn 1 và thôn 2 đã đóng góp tiền đối ứng 600 triệu đồng để kéo nối đường ống cấp nước sinh hoạt của Nhà máy nước từ thị trấn Di Linh vào tận thôn để sử dụng.
Phong trào “Dân vận khéo” để xây dựng nông thôn mới ở Tân Châu thực sự đem lại hiệu quả và có sức “lan lỏa”. Là một xã “điểm” NTM, xã đầu tiên của huyện Di Linh đạt chuẩn NTM và là xã Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, trong những năm vừa qua, Tân Châu đã thu hút nhiều đoàn đến khảo sát, tham quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm.
XUÂN LONG