Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới ở Bảo Lâm

09:02, 06/02/2017

Bảo Lâm là địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa khá lớn, nên việc triển khai thực hiện chương trình quốc gia về nông thôn mới gặp nhiều khó khăn. 

Bảo Lâm là địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa khá lớn, nên việc triển khai thực hiện chương trình quốc gia về nông thôn mới gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ giúp đỡ của tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và biết làm “dân vận khéo” để phát huy được sức mạnh tổng hợp, nên kết quả đạt được trong công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) thời gian qua được đánh giá rất khả quan. 
 
Sản xuất hoa công nghệ cao tại xã nông thôn mới Lộc An, huyện Bảo Lâm. Ảnh: H.K.G
Sản xuất hoa công nghệ cao tại xã nông thôn mới Lộc An, huyện Bảo Lâm. Ảnh: H.K.G

Xác định xây dựng NTM là một nhiệm vụ quan trọng của địa phương, Ban Dân vận Huyện ủy Bảo Lâm tham mưu Thường trực Huyện ủy xây dựng, ban hành Nghị quyết chuyên đề và thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM, trong đó Ban Dân vận là một thành viên. 
 
Triển khai Nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy, Ban Dân vận Huyện ủy một mặt xây dựng Kế hoạch tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo” để huy động sức mạnh tổng hợp trong xây dựng NTM. Mặt khác, chỉ đạo dân vận các cấp phối hợp với chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp làm tốt công tác “Dân vận khéo” để vận động các tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng NTM. Theo đó, Dân vận thị trấn (TT), các xã đã xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM đến các tổ dân vận trên địa bàn các xã, TT. Trên cơ sở đó, các tổ dân vận cùng với chính quyền địa phương cơ sở, mặt trận và các đoàn thể phối hợp tuyên truyền, vận động để nhân dân nhận thức được tầm quan trọng, mục đích ý, nghĩa của chương trình xây dựng NTM, rằng: Chính nhân dân là người hưởng lợi trực tiếp từ chương trình, từ đó họ nâng cao được ý thức tự giác trong tham gia xây dựng NTM bằng những việc làm thiết thực, cụ thể như đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, hiến đất làm đường GTNT, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt, tích cực tham gia phong trào BVANTQ, xóa nhà tạm, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Nhờ vậy, bình quân hàng năm huyện Bảo Lâm huy động được khoảng 13 tỷ đồng trong dân để xây dựng NTM và huy động được mọi tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị từ cơ sở đến huyện ngày càng TSVM. 
 
Ở cấp huyện, Ban Dân vận Huyện ủy phối hợp với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua của mặt trận, các đoàn thể và các cuộc vận động lớn do Đảng-Nhà nước phát động, chẳng hạn như: Phong trào BVANTQ, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phòng chống tệ nạn xã hội của mặt trận, hoặc phong trào “Tuổi trẻ xung kích”, “Tuổi trẻ lập nghiệp”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM” … của Đoàn TNCS, “Phụ nữ hai giỏi”, “Phụ nữ đảm đang”, “Phụ nữ giúp nhau thoát nghèo”, “Phụ nữ với pháp luật”… của Hội LHPN huyện… Đặc biệt, gắn kết phong trào thi đua “Dân vận khéo” với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hoặc với việc thực hiện Chỉ thị 03, 05-CT/TW của Bộ Chính trị… 
 
Trong lực lượng vũ trang, công tác “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM đã được Ban Chỉ huy Quân sự huyện thực hiện đồng bộ, sâu rộng, toàn diện từ việc tổ chức tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng toàn dân, về chương trình xây dựng NTM, về “Diễn biến hòa bình và âm mưu bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản cách mạng, về truyền thống cách mạng, về tình quân dân… đến việc giúp dân xây dựng hạ tầng cơ sở, tham gia tăng gia sản xuất, làm kinh tế, khắc phục thiên tai, phòng chống bão lũ… 
 
Cùng với Ban CHQS huyện, công an huyện đã gắn phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM với phong trào thi đua “Vì ANTQ”, phong trào học tập và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy và Cuộc vận động “Công an nhân dân thực hiện nghiêm Điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Bên cạnh đó, việc triển khai sâu rộng diễn đàn “Công an xã lắng nghe ý kiến của nhân dân” và các đợt ra quân trấn áp tội phạm đã mang lại kết quả thiết thực trong phong trào “BVANTQ”, đảm bảo cuộc sống an lành, hạnh phúc cho nhân dân. 
 
Điều đáng nói hơn là trong quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” xây dựng NTM, các cấp, các ngành của huyện Bảo Lâm đã xây dựng được các mô hình hay, các cách làm sáng tạo trong “dân vận khéo” và tổ chức đúc rút kinh nghiệm, nhân rộng trên địa bàn toàn huyện. Nhiều mô hình hay, điển hình tiêu biểu trong xây dựng NTM tại các xã điểm của tỉnh, các xã ưu tiên của huyện ở Lộc An, Lộc Thành, Lộc Ngãi, Lộc Quảng như: “Chào cờ, sinh hoạt dưới cờ sáng thứ hai hàng tuần”; “Tiếng kẻng an ninh”; “Thắp sáng đường quê”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”;  “Tổ đoàn kết”; “Thôn không có tội phạm và tệ nạn xã hội”; “Đoạn đường ATGT-ANTT”… đã được nhân rộng tại nhiều địa phương trong huyện. 
 
Toàn huyện Bảo Lâm đã có 8/13 xã được công nhận xã NTM, 5 xã đạt 12-17 tiêu chí quốc gia về NTM.
 
Theo ông Nguyễn Văn Châu - Phó ban Dân vận Huyện ủy Bảo Lâm: Từ những kết quả đạt được trong công tác “Dân vận khéo” xây dựng NTM ở địa phương có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm sau: Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” xây dựng NTM. Tăng cường phát huy vai trò công tác tham mưu của hệ thống tổ chức dân vận cấp ủy, dân vận chính quyền, nhất là trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc. Nêu cao vai trò nòng cốt của hệ thống MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động, tập hợp, huy động sức dân, trong nhân rộng mô hình điển hình về “dân vận khéo”, về cách làm hay, mô hình đẹp trong xây dựng NTM. Thực hiện đầy đủ các nội dung của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhưng tập trung cốt lõi là xây dựng, nhân rộng các mô hình điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đời sống KT-XH. Phải gắn việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua của các cấp, các ngành, nhất là các cuộc vận động lớn do Đảng, Nhà nước khởi xướng. Phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phong trào, có sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để đưa phong trào thi đua “Dân vận khéo” đi vào chiều sâu, hiệu quả, có sức lan tỏa lớn.
 
Những bài học kinh nghiệm trên là cơ sở để Ban Dân vận huyện Bảo Lâm tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong thời gian tới, nhằm xây dựng thành công huyện nông thôn mới vào năm 2018 như kế hoạch đã được xây dựng, phê duyệt. 
 
HOÀNG KIẾN GIANG