Việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy các giá trị văn hóa, văn minh trong bối cảnh mở rộng giao lưu và hội nhập văn hóa quốc tế, vừa mở ra cơ hội để phát triển, vừa phải đương đầu với những nguy cơ, thách thức mới. Vì vậy, chủ động hội nhập là thể hiện thái độ tích cực, sự lựa chọn khôn ngoan.
Việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy các giá trị văn hóa, văn minh trong bối cảnh mở rộng giao lưu và hội nhập văn hóa quốc tế, vừa mở ra cơ hội để phát triển, vừa phải đương đầu với những nguy cơ, thách thức mới. Vì vậy, chủ động hội nhập là thể hiện thái độ tích cực, sự lựa chọn khôn ngoan.
|
Lễ hội tung còn thường được tổ chức vào mùa xuân. Ảnh: K.Phúc |
Chủ động hội nhập là xác định đúng chiến lược, chiến thuật và kế hoạch cho từng bước đi nhằm tranh thủ được cơ hội, khai thác được nhiều nhất những thuận lợi để đem lại nhiều lợi ích cho dân tộc; đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những thách thức, những tiêu cực nảy sinh.
Xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đã tác động đến Việt Nam ngày càng sâu sắc, mạnh mẽ và Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực hội nhập nhằm phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, sử dụng các thành tựu văn hóa - văn minh, khoa học - công nghệ của nhân loại để xây dựng, phát triển đất nước. Trong bối cảnh đó, văn hóa với ý nghĩa là “sức mạnh mềm” trong sức mạnh tổng hợp quốc gia lại càng trở nên quan trọng. Bởi khi văn hóa đã có sức thâm nhập mạnh, thì nó có thể thực hiện được mục tiêu mà các biện pháp chính trị và quân sự khó đạt được. Chính vì vậy, các quốc gia ngày càng chú trọng nhiều đến vấn đề văn hóa, như đa dạng văn hóa, đối thoại giữa các nền văn hóa - văn minh, văn hóa hòa bình. Kênh văn hóa được sử dụng như một phương tiện hiệu quả hỗ trợ thúc đẩy quan hệ chính trị, an ninh, kinh tế,... Tuy nhiên, việc nhìn nhận, đánh giá tác động của hội nhập quốc tế đối với sự phát triển văn hóa phải hết sức khách quan, toàn diện cả về mặt tích cực và mặt tiêu cực, hoàn toàn không tô hồng hoặc bôi đen về quá trình này.
Hội nhập quốc tế có tác động tích cực đối với nhiều lĩnh vực như: Sự phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, văn học, nghệ thuật…; đổi mới nhận thức trong đánh giá các quan hệ liên quan đến tư tưởng, đạo đức, lối sống trong xã hội; tạo nên những biến đổi tích cực trong đời sống tư tưởng, đạo đức và lối sống của xã hội; nhiều nét mới trong các giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức được hình thành; tính tích cực, năng động, sáng tạo được khuyến khích; không khí dân chủ được tăng lên; thế hệ trẻ tiếp cận nhanh chóng kiến thức mới và tích cực vươn lên trong cuộc sống, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Việc hội nhập quốc tế sẽ giúp rút ngắn khoảng cách địa lý và giao lưu văn hóa không chỉ ở tầm quốc gia mà còn cả các cộng đồng tộc người. Đây là những điều kiện mới để các giá trị văn hóa của các cộng đồng thuộc các nhóm dân tộc ít người trong nước và của các nước trên thế giới được phổ biến nhanh hơn, đầy đủ hơn, rộng khắp và thường xuyên hơn; tạo ra một nhịp độ mới trong giao lưu văn hóa mà hầu như không chịu bất cứ hạn chế nào về không gian và thời gian. Hội nhập quốc tế còn tạo ra cơ hội để chuyển giao vốn, chuyển giao khoa học, công nghệ, chuyển giao kỹ năng và kinh nghiệm tổ chức và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa (công nghệ truyền thông, công nghệ sản xuất phim, băng hình, dịch vụ vui chơi giải trí). Ngoài ra, quá trình hội nhập quốc tế còn tạo ra cơ hội để mở rộng xuất nhập khẩu văn hóa phẩm, mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa. Hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế sẽ tác động vào tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng, thúc đẩy tinh thần cạnh tranh để nâng cao vị thế văn hóa của dân tộc trong cộng đồng quốc tế…
Bên cạnh mặt tích cực, hội nhập quốc tế cũng có tác động tiêu cực đến văn hóa, đó là: Mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc bị ảnh hưởng bởi tính thương mại hóa của các hoạt động văn hóa đang diễn ra một cách thiếu chọn lọc; sự dao động về tư tưởng, những lệch lạc trong lựa chọn giá trị, tiếp nhận một cách tự phát lối sống, thị hiếu phương Tây; chủ nghĩa cá nhân cực đoan, sự suy thoái đạo đức, lối sống; những thói hư tật xấu có cơ hội trỗi dậy và phát triển; sự phân hóa xã hội trên lĩnh vực văn hóa diễn ra mạnh mẽ cùng với quá trình hội nhập quốc tế; sự du nhập tràn lan và hỗn loạn các sản phẩm văn hóa độc hại của nước ngoài có thể làm cho văn hóa nước ta suy yếu và lệ thuộc; ngành công nghiệp văn hoá xâm nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, gây nên những hiệu ứng tiêu cực tới lối sống, đạo đức xã hội, tạo nguy cơ về cuộc “xâm lăng văn hóa” mà Việt Nam đang chứng kiến… Như vậy, quá trình hội nhập quốc tế đang đặt ra những thách thức lớn đối với sự phát triển của văn hóa Việt Nam.
Từ những tác động tích cực và tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế đối với văn hóa, Đảng ta đã có những yêu cầu mới cho sự phát triển văn hóa Việt Nam là: Nền văn hóa dân tộc phải khẳng định vị thế của mình trong giao lưu, tiếp xúc, đối thoại giữa các nền văn hóa trên thế giới; văn hóa dân tộc phải tham gia vào quá trình nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế khi hội nhập; văn hoá dân tộc vừa chủ động thích ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế, vừa ra sức bảo vệ và phát huy các giá trị đạo đức, tinh thần tốt đẹp và bền vững của dân tộc Việt Nam trong điều kiện mới.
Đối với tỉnh Lâm Đồng, hội nhập quốc tế sẽ tạo ra nhiều cơ hội để phát triển, nhất là các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như nông nghiệp công nghệ cao và du lịch, dịch vụ. Xác định được điều đó, thời gian qua các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế về chính trị, kinh tế và văn hóa đã được tỉnh hết sức chú trọng, góp phần quảng bá hình ảnh của Lâm Đồng, đặc biệt là thành phố Đà Lạt đến với bạn bè quốc tế, từ đó thu hút được nhiều dự án đầu tư, nhiều khách du lịch đến với địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, kết quả hội nhập của tỉnh ta chỉ là bước đầu, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, nhất là thế mạnh về sự phong phú, đa dạng của văn hóa. Bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chính trị, kinh tế, chúng ta cần coi trọng hơn nữa về trao đổi, giao lưu văn hóa, khai thác và phát huy tính đa dạng, phong phú của văn hóa bản địa để thu hút khách du lịch quốc tế; mở rộng tầm ảnh hưởng của Festival Hoa Đà Lạt, trở thành thương hiệu văn hóa đặc trưng mà thế giới hướng đến; xây dựng các thương hiệu sản phẩm thế mạnh của tỉnh thực sự mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng; xây dựng Đà Lạt trở thành phim trường không chỉ thu hút các hãng phim trong nước mà còn hướng ra khu vực và thế giới…Văn hóa phải trở thành một kênh hội nhập thế mạnh của tỉnh, góp phần thúc đẩy hội nhập chính trị, kinh tế…
Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế, một mặt chúng ta hướng về cội nguồn, gìn giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp, nhưng mặt khác cũng phải cách tân nó, làm thành nội lực phát triển bền vững của đất nước, địa phương. Thực tiễn và kinh nghiệm lịch sử cho thấy, giải pháp văn hóa là một phần quan trọng, bảo đảm sự thành công của công cuộc hội nhập và phát triển, ở đó thể hiện nhân cách, năng lực và tiền đồ của một dân tộc. Văn hóa dân tộc sẽ là một động lực quan trọng thúc đẩy đất nước, con người Việt Nam tiến bước cùng thời đại.
VĂN NHÂN