Trong năm 2016, Lâm Đồng đã chi 3,6 tỷ đồng để tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn cho gần 2.000 người, trong đó có các lớp dạy nghề nông nghiệp để người dân vùng nông thôn có thêm việc làm.
Trong năm 2016, Lâm Đồng đã chi 3,6 tỷ đồng để tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn cho gần 2.000 người, trong đó có các lớp dạy nghề nông nghiệp để người dân vùng nông thôn có thêm việc làm.
Ða dạng hóa các nghề nông nghiệp
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ TB - XH) Lâm Đồng, phần lớn trong kinh phí 3,6 tỷ đồng cho chương trình đào tạo nghề ngắn hạn (gồm đào tạo nghề sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động) trên đến từ Quỹ hỗ trợ đào tạo nghề của tỉnh với 2 tỷ đồng; 1,6 tỷ đồng còn lại thuộc kinh phí địa phương trong đào tạo nghề xã hội.
Tổng cộng có 15 cơ sở (trong tổng số 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh) cùng tham gia đào tạo nghề trong năm vừa qua, trong đó có 11 cơ sở công lập, 4 cơ sở tư thục với 17 nghề được đào tạo. Hầu hết các huyện, thành trong tỉnh trong năm đều tổ chức các lớp đào tạo này, trong đó Lạc Dương mở nhiều nhất với 11 lớp, 380 học viên; Bảo Lộc ít nhất với 2 lớp, 70 học viên.
Đi đầu trong công tác đào tạo nghề ngắn hạn của tỉnh chính là các Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên (GD NN - GDTX) ở các huyện, thành. Tổng cộng trong năm 2016 các trung tâm này đã đào tạo 13 nghề với gần 1.300 học viên theo học, trong đó nhiều lớp nhất là trung tâm của huyện Đạ Huoai với 14 lớp, 355 học viên. Cùng đó, có 3 doanh nghiệp tham gia đào tạo 4 nghề cho trên 400 học viên, trong đó Hợp tác xã Tiểu thủ công nghệ Hữu Hòa đã tham gia mở 11 lớp, 340 học viên nghề đan thêu.
Trong 67 lớp được tổ chức trong năm 2016, có 21 lớp sơ cấp - trên 500 học viên; 46 lớp còn lại có thời gian dưới 3 tháng với gần 1.400 học viên. Những người được đào tạo nghề chủ yếu thuộc gia đình có công, hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật… trong đó có gần 1.300 học viên của các lớp này là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Vì là một tỉnh nông nghiệp nên các nghề thuộc mảng nông nghiệp được chú ý với các lớp dạy về kỹ thuật trồng rau, trồng cây ngắn ngày, trồng cây công nghiệp dài ngày (cao su, cà phê, sầu riêng, điều, tiêu…), chế biến nông sản thực phẩm, chăn nuôi, thú y với tổng cộng 46 lớp.
Các lớp còn lại trong lĩnh vực “phi nông nghiệp” như dệt len, móc len, đan len tay, thêu, may công nghiệp, đan lát, sửa chữa máy nông nghiệp, máy kéo…
Theo Sở LĐ TB - XH Lâm Đồng, việc đào tạo nghề ngắn hạn của tỉnh trong năm 2016 đã có những cái mới. Đó là việc cập nhật kịp thời chính sách đào tạo nghề ngắn hạn theo quy định của Chính phủ; điều chỉnh mức hỗ trợ học nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, khi tổ chức lớp luôn nỗ lực gắn với giải quyết việc làm cho người học.
Cùng đó, các Trung tâm GDNN - GDTX các huyện đã ngày càng đóng một vai trò tích cực; tổ chức nhiều hơn các lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng so với các năm trước, chú ý đào tạo các nghề người học đang cần, đang có nhu cầu. Đặc biệt, trong năm 2016, học viên nữ đã chiếm một số lượng lớn trong tổng số học viên được đào tạo, trong đó có không ít nữ người đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong nông nghiệp, để tránh tập trung quá nhiều vào nghề trồng và chăm sóc cà phê như trước đây, năm nay các địa phương đã đa đạng hóa các lớp nông nghiệp này với nhiều nghề mới. Như tại Lạc Dương, Trung tâm Nông nghiệp huyện đã mở các lớp trồng rau áp dụng công nghệ cao cho trên 210 học viên người dân tộc thiểu số gắn với đơn đặt hàng tuyển dụng lao động tại Cty Vineco đóng chân trên địa bàn. Nhiều địa phương khác các học viên khi hoàn thành các khóa học về đan thêu, móc len đã gia nhập vào các hợp tác xã hoặc lập thành các nhóm, tổ nhận hàng gia công tại nhà trong lúc nông nhàn.
Chính vì vậy, theo Sở LĐ TB - XH Lâm Đồng, tỷ lệ có việc làm của học viên học nghề trong năm 2016 rất cao - đạt 95%, trong đó nghề nông nghiệp đạt 92,5%, nghề phi nông nghiệp đạt 100%, cao nhất trong vòng 7 năm nay.
Ðể mỗi năm đào tạo được 7.000 lao động
Dù nhiều nỗ lực trong năm 2016, nhưng theo đánh giá của Sở LĐ TB - XH Lâm Đồng, số người được hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn như trên vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ đạt trên 27% so với mục tiêu chung của tỉnh là mỗi năm phải đào tạo bình quân được 7.000 lao động.
Nhiều hạn chế được chỉ ra. Trước nhất, việc mở lớp đào tạo nghề tại một số huyện còn nhiều lúng túng, kế hoạch mở lớp thay đổi liên tục (như Đơn Dương, Lâm Hà, Cát Tiên…) trong khi nguồn kinh phí không chủ động. Nhiều doanh nghiệp đặt hàng đào tạo với tuyển dụng lao động như Cty Rừng Hoa, Hợp tác xã Phi Vàng, Cty Thiên Phúc Đức, Gold Taxi… nhưng các địa phương chưa đáp ứng được.
Việc cấp kinh phí của tỉnh quá chậm cũng là nguyên nhân. Nguồn kinh phí bổ sung từ Quỹ hỗ trợ đào tạo nghề của tỉnh đến tháng 9 mới thông báo trong khi nhiều địa phương thời điểm này nhà nhà đang cần người thu hoạch cà phê, lúa… nên các huyện khó huy động được người để mở lớp theo kế hoạch.
Cùng đó, nhiều Trung tâm GDNN - GD TX tại các huyện, thành đến nay - theo Sở LĐ TB - XH tỉnh thì vẫn chưa phát huy được hiệu quả trang thiết bị một số nghề được đầu tư để tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn; một số đơn vị tổ chức lớp học chưa đúng qui định như lớp nghề xây dựng tại Đơn Dương, lớp móc len tại Di Linh.
Để thúc đẩy công tác đào tạo nghề của tỉnh trong thời gian đến, Sở LĐ TB - XH Lâm Đồng kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cần tiếp tục chỉ đạo để các sở, ban, ngành, các huyện, thành trong tỉnh thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” mà tỉnh đã ban hành. Đồng thời, Sở cũng đề nghị UBND các huyện lập đề án phát triển Trung tâm GDNN - GDTX để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho lao động ngay tại địa phương của mình.
VIẾT TRỌNG