Đem ánh sáng văn hóa đến với bà con

09:02, 02/02/2017

Hàng ngàn thước phim đã về với bà con ở những vùng sâu, vùng xa bởi biết bao chuyến đi bền bỉ của Đội chiếu bóng lưu động suốt những năm qua. Đó là những hành trình gian nan nhưng cũng đầy ý nghĩa, như những cánh én - chở mùa xuân về với thôn, buôn.

Hàng ngàn thước phim đã về với bà con ở những vùng sâu, vùng xa bởi biết bao chuyến đi bền bỉ của Đội chiếu bóng lưu động suốt những năm qua. Đó là những hành trình gian nan nhưng cũng đầy ý nghĩa, như những cánh én - chở mùa xuân về với thôn, buôn.
 
Những buổi chiếu bóng vẫn là niềm vui to lớn của trẻ em và bà con vùng sâu. Ảnh: V.Q
Những buổi chiếu bóng vẫn là niềm vui to lớn của trẻ em và bà con vùng sâu. Ảnh: V.Q

Xuất phát điểm từ Đà Lạt trời mưa tầm tã, chúng tôi theo chân Đội chiếu bóng lưu động số 3 (thuộc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Lâm Đồng) bắt đầu chuyến công tác cuối năm. Bên cạnh những bộ phim cách mạng quen thuộc, chuyến đi lần này có thêm những bộ phim Tết, để “mang không khí xuân đến sớm hơn với bà con”.
 
Mang phim vào buôn 
 
Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Lâm Đồng có 3 đội chiếu bóng lưu động. Mỗi đội có 3 người, gồm một đội trưởng, một kỹ thuật viên và một lái xe. Trong đó, đội 1 phụ trách các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, một số xã của Bảo Lộc; đội 2 phụ trách 3 huyện Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm; đội 3 phụ trách 4 huyện gồm Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông và một số xã của TP Đà Lạt. 
Chiếc xe u oát cũ kĩ đưa cả đội rời thành phố, vượt qua quãng đường dài hơn 130 km gập ghềnh, trắc trở để đến với thôn 4, xã Đạ Long, huyện Đam Rông - xã nghèo nhất của huyện nghèo nhất tỉnh Lâm Đồng. Ấy vậy mà, đoạn đường dài quanh co ấy trở nên ngắn hơn rất nhiều bởi những câu chuyện ăm ắp những kỷ niệm của các anh. 
 
Trên đường đi, anh Đinh Bá Trung - đội trưởng - chốc chốc lại nhìn ra ngoài trời, chép miệng: “Mong là dưới kia trời tạnh ráo. Chứ mưa kiểu này lại mất công bà con háo hức chờ đợi mấy ngày nay. Tội lắm!”. 5 giờ chiều, xe vừa đến sân trụ sở UBND xã đã thấy trẻ con tụ tập ngoài cổng, háo hức và rộn ràng. Ăn vội bữa cơm tối, anh em trong đoàn chuẩn bị kỹ thuật, phông màn cho buổi chiếu.
 
Đêm xuống nhanh. Mới hơn 18 giờ mà Đạ Long đã vội chìm trong bóng tối do chưa có hệ thống đèn đường chiếu sáng. Mặc trời âm u như chực chờ sẵn để đổ mưa, mọi người vẫn kéo đến vây kín cả sân, có người còn chưa kịp ăn cơm vì sợ bỏ lỡ buổi chiếu.
 
Bà Liêng Hót Ka Tư (trú tại thôn 5) đã qua 61 mùa rẫy vẫn háo hức: “Nhà tôi cũng có tivi nhưng tôi thích đến đây để xem phim Việt Nam trên màn ảnh rộng hơn. Hồi xưa, mẹ tôi nuôi cán bộ cách mạng. Hồi tôi còn trẻ cũng đi thanh niên xung phong, học tháo băng, bắn súng. Giờ được cán bộ mang phim về chiếu lại những cảnh đó như thấy lại thời trẻ của mình”.
 
Những đứa trẻ hồi chiều vẫn chạy loăng quăng và ồn ào đùa giỡn, nghe tiếng phim bỗng im lặng và chăm chú lạ thường. Cô bé Liêng Hót Ka Bí, 11 tuổi, học sinh lớp 6 Trường THCS Đạ Long, nhà ở thôn 4, suốt buổi chiếu giương đôi mắt to tròn nhìn lên phông màn, vẫn còn lưu luyến: “Con thích đi xem phim như thế này lắm vì cả ngày hôm nay trong thôn đông vui như ngày hội. Mỗi lần xem phim là con lại hiểu hơn về lịch sử, về nhiều vùng đất mới. Lần sau các chú lại xuống chiếu phim khác nhé!”.
 
Ăn cơm buôn nhiều hơn cơm nhà
 
Kết thúc buổi chiếu khi trời đã về khuya, anh em trong đội chiếu bóng lại vội vàng thu dọn đồ đạc lên xe, đến ngả lưng ngay trong nhà của cán bộ văn hóa xã Đạ Long - Bon Đơn Ha Jrang. Anh Jrang nhiệt tình: “Xã  mình  chỉ có 5 thôn thôi, nhưng có đến 88% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người dân tộc Cill. Đời sống tinh thần của bà con ở đây còn nhiều khó khăn và thiếu thốn, thế nên quý lắm những buổi chiếu phim như thế này. Mỗi năm đoàn về từ 3 đến 4 đợt cũng đồng thời giúp địa phương tuyên truyền các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
 
Âm thầm thu dọn máy móc sau mỗi buổi chiếu. Ảnh: V.Q
Âm thầm thu dọn máy móc sau mỗi buổi chiếu. Ảnh: V.Q

Để những thước phim đến được với người dân vùng sâu, các thành viên của đội chiếu bóng lưu động phải hi sinh không ít. Mỗi tháng một lần, các anh lại mang vác, chuẩn bị máy móc và đồ dùng cá nhân cho những chuyến xa nhà dài ngày. Mỗi đợt đi kéo dài nửa tháng, nghĩa là nửa tháng các anh ăn cơm hàng cháo chợ, ngủ tạm bợ ở các thôn, làng vùng sâu.
 
Anh Ngô Quang Minh (sinh năm 1984) - đội trưởng đội số 1 - người đã 32 năm tham gia công tác chiếu bóng tại vùng sâu, vùng xa, đôi chân anh đã đặt lên khắp các buôn làng, băng rừng, lội suối, nói rằng, cuộc đời của đội chiếu bóng chắc phải viết thành một cuốn tiểu thuyết mới kể hết chuyện.
 
Và chuyện của những người chiếu phim cơ động đó, đa phần là những câu chuyện về “ngày xưa” - những ngày đầu các anh đến với các thôn buôn vùng xa, nhiều khó khăn và bỡ ngỡ nhưng cũng đong đầy kỷ niệm. “Ngày trước, nhiều thôn chưa có đường dẫn vào, anh em phải khiêng máy đi bộ là chuyện bình thường. Có khi anh em phải vác máy  đi từ xã này sang xã khác. Có những nơi phải vượt sông, bỏ xe bên này sông rồi vác máy, lội bộ sang bên kia sông. Những lúc xe cộ, máy móc hư hỏng thì chấp nhận ăn rừng ngủ bụi, bị vắt muỗi cắn thường xuyên. Bây giờ thì có xe, máy móc cũng hiện đại, gọn nhẹ hơn nên có thể luồn vào những vùng sâu. Nhưng không phải vùng xa xôi hẻo lánh nào ô tô cũng vào được đến nơi.”- anh Minh bồi hồi.
 
Năm nay cũng đã là năm thứ 12 anh Đinh Bá Trung in dấu chân mình lên những buôn xa trong hành trình đưa phim về buôn làng. Anh tâm sự: “Không phải ai cũng chấp nhận được việc người đàn ông trong gia đình lại thường xuyên vắng nhà như thế. Vợ con phải thông cảm nhiều lắm, các anh em mới có thể theo nghề đến bây giờ. Nếu không có sự kiên nhẫn, lòng nhiệt huyết và tận tâm với nghề thì không ít người quay lưng lại với nghề sau vài lần đi phục vụ chiếu bóng”.
 
Nối dài những niềm vui
 
Những ngày cuối năm, anh em trong đội chiếu bóng lại tất bật hơn để chuẩn bị máy móc, tiếp tục mang phim đến những nơi mà bà con còn nhiều thiếu thốn về đời sống tinh thần và giải trí, đảm bảo cho ở đâu, bà con cũng thấy “Tết”. 
 
Tháng nối ngày, các thành viên đội chiếu bóng như những “bước chân không mỏi” đi khắp các khu vực vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh để đem niềm vui đến với bà con khó khăn. Chỉ tiêu giao cho mỗi đội là 180 buổi chiếu mỗi năm. Các anh vẫn thường cố gắng vượt chỉ tiêu để có thể đến được nhiều vùng sâu, vùng xa hơn, với 352 điểm cho 119 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh, và ưu tiên phục vụ nhiều hơn cho những vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang còn nhiều khó khăn.
 
Những ngày Tết đã cận kề, trên chuyến xe của các đội chiếu bóng có thêm những bao tải đựng đầy áo quần và sách vở.
 
Thương trẻ con vùng sâu khó khăn và thiếu thốn, mỗi lần lên thành phố, các anh lại vận động các nhà từ thiện để mang bánh kẹo, sách vở về làm quà Tết cho các em. Ánh mắt của trẻ con khi nhận được bộ quần áo mới, cũng lấp lánh như khi tụi nhỏ được thấy những điều đẹp đẽ trên màn hình chiếu - các anh đã nói như vậy khi nhìn những nụ cười rạng rỡ của những đứa trẻ vùng sâu.  
 
Vẫn còn đó những khó khăn, như ông Hoàng Thịnh Yên - Giám đốcTrung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Hiện trung tâm có 3 đội chiếu bóng nhưng chỉ có 2 xe ô tô. Không còn cách nào khác, đội 1 và đội 2 phải phối hợp dùng chung 1 xe, 6 người cùng đi 1 chuyến, thả đội 1 ở điểm này rồi chở đội 2 đến điểm khác, sau khi chiếu xong lại quay về đón. Tình trạng này đã kéo dài 3 năm, bất tiện thì có bất tiện, nhưng anh em đều cố gắng để vượt qua để đảm bảo xã vùng sâu nào cũng được xem phim ít nhất 2 lần mỗi năm. Các anh em phải yêu nghề và thật sự có tâm huyết với công việc thì mới có thể gắn bó với công việc này lâu dài đến vậy”.
 
Giáp Tết, Mai anh đào đã nở dọc đường đi. Như những dòng nhựa âm thầm chảy để cây bung chồi non lộc biếc ngày xuân, tháng nối tháng, năm nối năm, những người chiếu bóng lưu động vẫn cứ âm thầm đem ánh sáng văn hóa đến các buôn làng xa xôi bằng tất cả trách nhiệm và lòng yêu nghề. Xa lại nhớ, đến lại càng thương…
 
VIỆT QUỲNH