Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Giám sát và phản biện xã hội còn là trách nhiệm của MTTQ và tổ chức đoàn thể đối với dân, với Đảng.
Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Giám sát và phản biện xã hội còn là trách nhiệm của MTTQ và tổ chức đoàn thể đối với dân, với Đảng. Vì thế, Đảng cần tạo mọi điều kiện để Mặt trận hoàn thành nhiệm vụ, đưa giám sát và phản biện xã hội vào cuộc sống, trở thành một nếp sinh hoạt thường xuyên ở mọi lúc, mọi nơi.
|
Đại diện chức sắc tôn giáo góp ý về Dự thảo Luật Tín ngưỡng tôn giáo. Ảnh: N.Thu |
Ðẩy mạnh giám sát chuyên đề
Ông Đường Anh Ngữ - Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ tỉnh cho biết, giám sát nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Theo đó, năm 2016, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã tập trung đẩy mạnh việc giám sát theo chuyên đề, lựa chọn những vấn đề được nhân dân, dư luận quan tâm, bức xúc để thực hiện giám sát và phản biện xã hội.
Cụ thể, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức 2 hoạt động giám sát chuyên đề “Giám sát việc thực hiện chính sách đối với người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi” và “Giám sát công tác bình xét hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”. Hệ thống MTTQ cấp huyện, thành đã tổ chức 6 hoạt động giám sát. Tất cả những nội dung được giám sát đều là những vấn đề dư luận xã hội và nhân dân hết sức quan tâm.
Bên cạnh đó, MTTQ các đơn vị cấp huyện còn tham gia phối hợp với HĐND cùng cấp tổ chức giám sát việc cấp thẻ bảo hiểm y tế năm 2016 cho đồng bào DTTS, tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại quyền lợi thiết thực cho bà con DTTS, kịp thời giúp cơ quan chức năng khắc phục những sai sót, chậm trễ trong quá trình cấp phát thẻ bảo hiểm y tế. Các đoàn thể chính trị - xã hội cũng từng bước nêu cao vai trò giám sát, phát huy hiệu quả tích cực.
Ngoài ra, các tổ chức thành viên của Mặt trận đã cùng với Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh thực hiện công tác phản biện rất nhiều dự thảo văn bản, quy định, quyết định của UBND tỉnh và các ngành chưa phù hợp thực tế cơ sở như: góp ý phản biện Dự thảo quyết định về “quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người cai nghiện ma túy vào Trung tâm tư vấn và điều trị nghiện ma túy”; Dự thảo kế hoạch chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020... góp phần giúp cơ quan tham mưu UBND tỉnh kịp thời điều chỉnh, bổ sung những thiếu sót, tiêu chí chưa phù hợp, góp phần đảm bảo công bằng cho mọi tầng lớp nhân dân.
Những ngày cuối năm 2016, MTTQ đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu, tổ chức thành công hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đại biểu dân tộc thiểu số nhằm nắm bắt, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong giải quyết chế độ chính sách cho đồng bào tại cơ sở, nhất là tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc bố trí, sử dụng đất ở, đất sản xuất trong vùng đồng bào DTTS, từng bước đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng của bà con.
Mặt khác, MTTQ phát huy vai trò hướng dẫn cơ sở tổ chức góp ý xây dựng chính quyền cấp xã. Tiếp tục nâng cao chất lượng tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trong đó tập trung tổ chức thực hiện tốt góp ý tổ chức Đảng, chính quyền cùng cấp…
Mục tiêu cuối cùng là giám sát và phản biện xã hội thực chất, tránh hình thức, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ tham mưu cấp ủy, giúp chính quyền địa phương hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật và nêu cao vai trò thực thi đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhân dân.
Xây dựng “ngân hàng” nội dung giám sát
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể các cấp vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là đối với các tổ chức đoàn thể. Việc xác định nội dung, hình thức giám sát còn lúng túng, chất lượng giám sát và phản biện chưa đáp ứng được yêu cầu và sự mong đợi của nhân dân. MTTQ cấp xã chưa tổ chức hoạt động giám sát; công tác phản biện xã hội đối với cấp huyện, xã còn nhiều hạn chế. Nội dung, phương pháp tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy với nhân dân còn hạn chế.
Tại hội nghị tổng kết công tác Mặt trận năm 2016, ông Nguyễn Trọng Ánh Đông - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cũng chỉ đạo quyết liệt những nhiệm vụ giải pháp cần tập trung trong năm 2017, đó là: Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò của MTTQ trong điều kiện một đảng cầm quyền với yêu cầu xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Chỉ đạo, phối hợp và tạo điều kiện để MTTQ và các đoàn thể ở địa phương tổ chức thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội. Các tổ chức, cá nhân khi nhận sự phản biện cần có thái độ cầu thị, tin tưởng, tiếp thu ý kiến phản biện đúng, dũng cảm nhận khuyết điểm và sửa chữa sai lầm nếu có. Muốn giám sát và phản biện được, MTTQ phải giữ được một vị thế của một chủ thể giám sát và phản biện xã hội độc lập. Do đó, Đảng và Nhà nước cần tạo cho Mặt trận thực sự có được vị trí tương đối độc lập, không còn lệ thuộc nhiều vào Nhà nước về tổ chức, cán bộ và tài chính. Có quy định cụ thể về việc biểu dương khích lệ những người làm tốt công tác giám sát, phản biện, bảo vệ những người trung thực, thẳng thắn trong đấu tranh giám sát, phản biện.
Theo đó, MTTQ từ tỉnh đến cơ sở cần thực hiện chương trình giám sát liên thông; nội dung giám sát liên thông cần tập trung vào các vấn đề bức xúc, vấn đề “nóng” trong nhân dân như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác quản lý, sử dụng đất rừng… Tăng cường hướng dẫn cơ sở thực hiện giám sát và phản biện thực chất, tạo hiệu quả rõ nét.
Đồng thời, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh: Cần xây dựng “ngân hàng” nội dung giám sát, tổ chức thí điểm và đầu tư kinh phí cho MTTQ cấp cơ sở thực hiện giám sát, kết hợp vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình tốt từ cơ sở. Thực hiện cải tiến phương pháp giám sát; nâng cao hiệu quả công tác sau giám sát; theo dõi, đánh giá việc triển khai các nội dung đề xuất, kiến nghị của MTTQ đối với chính quyền địa phương sau mỗi đợt giám sát. Có như thế, MTTQ mới hoàn thành trọng trách của mình trước Đảng, trước nhân dân.
NGUYỆT THU