Trao đổi bên lề hội nghị kiểm điểm cuối năm của Ban Thường vụ Huyện ủy Đạ Huoai, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quý Mỵ không giấu niềm vui khi kể về chương trình "Ngày Chủ nhật vì môi trường" mà Đạ Huoai phát động hơn hai năm về trước.
Trao đổi bên lề hội nghị kiểm điểm cuối năm của Ban Thường vụ Huyện ủy Đạ Huoai, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quý Mỵ không giấu niềm vui khi kể về chương trình “Ngày Chủ nhật vì môi trường” mà Đạ Huoai phát động hơn hai năm về trước. Thành quả của chương trình này đã thực sự lan tỏa và Đạ Huoai trở thành địa phương xanh, sạch, đẹp vào loại nhất nhì tỉnh.
|
Đường hoa cỏ lạc. Ảnh: V.Tòa |
Hơn 5 năm trước, vấn đề bảo vệ môi trường ở Đạ Huoai được coi là bài toán khá nan giải trong việc tìm ra lời giải. Tình trạng xả rác bừa bãi tại các tuyến đường liên thôn, cầu, cống, sông, suối khá phổ biến. Một số đường thôn, tổ dân phố vốn đã nhỏ, hẹp lại không được phát quang, dọn dẹp; hệ thống thoát nước không khơi thông gây ứ đọng nước thải sinh hoạt, vừa ảnh hưởng đến môi trường sống, vừa gây mất mỹ quan đô thị và khu dân cư.
Muốn cải thiện môi trường trước hết phải phát quang đường sá; muốn phát quang đường sá thì phải mở rộng đường, mà mở rộng đường thì phải giải tỏa, đền bù và dĩ nhiên phải cần đến tiền. Để giải quyết những câu hỏi không dễ trả lời này, Bí thư Mỵ đã phải nhiều đêm khó ngủ. Thế là một lộ trình “cải hóa môi trường” được vạch ra mà khởi đầu là cuộc vận động hiến đất. Bí thư Mỵ đã đến tận thôn, tận xóm, đến các cụm dân cư theo một lịch trình dày đặc. Bằng kinh nghiệm của người cán bộ trưởng thành từ vùng đất một thời “đan sọt”, Bí thư Mỵ thấu hiểu người dân của mình nghĩ gì, cần gì; rồi với tư duy của người lãnh đạo, Bí thư đã phân tích, giải thích điều lợi cho dân, cho địa phương khi hiến đất làm đường: “Cái lợi thứ nhất là đường thông, làng thoáng, ô tô ra vào dễ dàng, rất thuận lợi cho bà con trong việc đi lại vận chuyển hàng hóa; cái lợi thứ hai là giá trị đất đai sẽ tăng lên rất nhiều so với đường hẻm nhỏ, hẹp; cái lợi thứ ba là đẹp đường, sạch nhà không bị cảnh nắng bụi, mưa bùn, rắn, rết”... Bí thư hứa với dân rằng: “Nếu bà con đồng lòng hiến đủ đất để làm con đường chiều rộng 5 mét, thì huyện sẽ đầu tư cùng với bà con làm đường bê tông xi măng hoặc trải nhựa. Nếu nơi nào không hiến đất đủ để làm đường 5 mét, thì huyện dứt khoát không hỗ trợ. Hãy nghĩ đến tương lai lâu dài để sau này không phải phá đường làm lại, tốn kém”.
Cuộc vận động nhân dân hiến đất làm đường do bí thư huyện ủy trực tiếp vận động đã chạm đúng vào chỗ mà lâu nay người dân Đạ Huoai lo nghĩ. Tin tưởng lời hứa, nhiều người dân yên tâm hiến đất. Vậy là đường được mở rộng, làng xóm thông thoáng, nhà cửa dần dần được tu sửa, xây mới khang trang, diện mạo từ phố thị đến nông thôn được khoác trên mình chiếc áo mới; cứ thế phong trào hiến đất làm đường lan tỏa ra các thôn, các xã khác trong huyện. Chỉ sau 5 năm, hầu hết các con đường liên xã, liền thôn, liền xóm đều được mở rộng và bê tông hóa.
Năm 2014, Huyện ủy Đạ Huoai tiếp tục phát động chương trình “Ngày Chủ nhật vì môi trường”, mục tiêu là nâng cao nhận thức cho người dân về ý thức bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Chủ trương là của huyện, nhưng dân mới là người quyết định. Thế là những cuộc họp thôn, họp xóm được đồng loạt tiến hành để dân bàn bạc, quyết định làm hay không làm; nếu làm thì như thế nào; trách nhiệm cộng đồng của mỗi người dân ra sao?
Hai năm qua, đều đặn, vào ngày chủ nhật cuối tháng, tất cả các thôn, tổ dân phố, các hộ gia đình trên tất cả các tuyến đường trong huyện đều tiến hành làm sạch môi trường. Công bằng mà nói, những đợt đầu việc dọn vệ sinh, khai thông cống rãnh còn rất khiên cưỡng và khá vất vả vì lúc này ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung chưa ngấm vào dân. Nhưng càng về sau, công việc càng nhẹ nhàng, ít tốn kém thời gian vì bà con nghĩ rằng: Mình xả rác mình dọn, không xả rác thì đến tháng vệ sinh môi trường sẽ đỡ tốn thời gian hơn; đường sá, làng thôn lúc nào cũng sạch đẹp. Đến nay, sau hơn 2 năm, mô hình “Ngày Chủ nhật vì môi trường” đã đem lại những hiệu quả thiết thực. 61/61 thôn, tổ dân phố trong huyện đều thực hiện rất tốt “Ngày Chủ nhật vì môi trường” và không quá lời khi nói rằng đó thực sự là “ngày hội môi trường” diễn ra đồng loạt. Một số thôn có đông hộ dân theo các tôn giáo thì tổ chức vào ngày thứ bảy. Tình trạng xả rác bừa bãi, bỏ rác không đúng nơi quy định đã cơ bản được khắc phục; một số đường đã được các đoàn thể đứng ra nhận trồng và chăm sóc hoa thường xuyên, điển hình như “Tuyến đường hoa cỏ lạc” của Hội Phụ nữ, “tuyến đường thanh niên tự quản” của Đoàn Thanh niên. Người dân ở xã ĐạM’ri, xã Đoàn Kết, thị trấn Madaguôi đã tự tổ chức trồng hoa hai bên đường... Đặc biệt, một số địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo như: Đảng ủy xã Đạ Oai ban hành Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ môi trường, trong đó ra chỉ tiêu mỗi thôn hàng tháng phải vận động từ 4 - 5 hộ gia đình xây dựng hàng rào, cổng nhà xanh, sạch, đẹp. Hiện nay, Huyện ủy Đạ Huoai đang chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền cơ sở, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện mô hình “hàng rào xanh” tại khuôn viên nhà ở. Để mô hình lan tỏa vào cuộc sống, Huyện ủy đã tổ chức phát động ra quân làm điểm ở một số thôn buôn, sau đó nhân rộng trong toàn huyện. Dù là mô hình mới, nhưng bước đầu đã được nhân dân đồng lòng hưởng ứng.
Đạ Huoai bây giờ hoa đã nở đường thôn, sự giàu có ở một huyện từng nghèo nhất, nhì tỉnh đang từng bước định hình không chỉ ở nguồn thu nhập mà còn dần hiện hữu trong nhận thức của người dân về nếp sống đẹp, văn minh.
VĂN TÒA