Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế giai đoạn 2016-2020 là đẩy mạnh công tác y tế dự phòng phù hợp với tình hình mới. Nhìn lại năm 2016 là một năm YTDP Lâm Đồng đi qua bão tố.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế giai đoạn 2016-2020 là đẩy mạnh công tác y tế dự phòng (YTDP) phù hợp với tình hình mới. Nhìn lại năm 2016 là một năm YTDP Lâm Đồng đi qua bão tố.
|
Ths -BS Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc TTYTDP tỉnh (bìa trái) kiểm tra mật độ muỗi và loăng quăng tại nhà dân ở Bảo Lộc. Ảnh: A.Nhiên |
Trung tâm Y tế Dự phòng (TTYTDP) Lâm Đồng quản lý, triển khai 14 chương trình, dự án. Năm đầu tiên của giai đoạn 2016-2020, việc phê duyệt và phân bổ kinh phí hoạt động của chương trình còn chậm, nên việc triển khai các hoạt động của chương trình còn nhiều khó khăn, đặc biệt khi tình hình ca bệnh tăng cao, nguy cơ bùng phát dịch nhưng không có kinh phí tập huấn, hội thảo hướng dẫn chuyên môn cho tuyến dưới.
Năm 2016 cũng là năm ngành Y tế Lâm Đồng dồn lực phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH). Toàn tỉnh có 1.982 ca mắc SXH, số ca mắc tăng 1.694 ca so cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở 6 huyện/TP: Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh và Cát Tiên. Nguy cơ tử vong cao khi số ca SXH ≤ 15 tuổi là 506 ca tăng 716,12% so với cùng kỳ 2015. Có 10 ca SXH Dengue nặng và có 1 ca tử vong. Tình hình dịch bệnh SXH của tỉnh Lâm Đồng diễn biến phức tạp, xuất hiện thêm typ virus mới (Dengue 2), như vậy trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng lưu hành 3 typ virus bao gồm: Dengue 1, Dengue 2 và Dengue 4.
Nhờ có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh, Sở Y tế, hỗ trợ chuyên môn của tuyến trên và các địa phương nên việc tổ chức khống chế dịch bệnh SXH trên địa bàn kịp thời và có hiệu quả. Hệ dự phòng có sự phối hợp chặt chẽ từ các tuyến tỉnh, huyện, xã trong việc xử lý ổ dịch kịp thời; hoạt động truyền thông được duy trì thường xuyên; đảm bảo tối thiểu hóa chất, dụng cụ, vật tư cho tuyến dưới; có sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ dự phòng với hệ điều trị trong việc thu thập số liệu ca bệnh, phản hồi ca bệnh.
Bên cạnh đó, tình hình sốt rét (SR) trên địa bàn diễn biến phức tạp, số ca mắc SR chủ yếu là đối tượng di dân luôn biến động, khó quản lý, theo dõi, giám sát. Trong năm 2016 có 9 xã thuộc 3 huyện có tình hình SR biến động. Nhờ mạng lưới điểm kính hoạt động thường xuyên, đảm bảo phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh nhân mắc SR và kinh phí của dự án Quỹ toàn cầu phòng chống SR cho chương trình được duy trì nên việc kiểm soát SR tốt, số mắc SR giảm 49,4%, không có ca mắc SR ác tính và tử vong.
Dự án tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã triển khai và thực hiện hoàn thành các hoạt động chuyên môn, giám sát thường xuyên các hoạt động trong TCMR và tiêm chủng chiến dịch, giám sát xử lý các ca bệnh truyền nhiễm đầy đủ kịp thời, duy trì hoạt động giám sát và xử trí phản ứng sau tiêm chủng. Có 97% tỉ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, trong điều kiện khó khăn về địa bàn rộng, dân cư gồm nhiều thành phần, tỷ lệ di biến động dân số lớn, ảnh hưởng đến việc quản lý và theo dõi đối tượng tiêm chủng; cán bộ chuyên trách tiêm chủng tại tuyến huyện, xã thường xuyên thay đổi, ảnh hưởng đến hoạt động của chương trình; kinh phí Trung ương hỗ trợ mũi tiêm cho tuyến xã, phường chỉ đủ cấp cho quý I/2016; kinh phí địa phương hỗ trợ cho chương trình bằng 50% theo kế hoạch của năm 2016.
Thạc sĩ-bác sĩ Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc TTYTDP tỉnh cho biết: Chương trình phòng chống dịch thường xuyên theo dõi báo cáo 28 bệnh truyền nhiễm. Trong đó, các bệnh truyền nhiễm mới nổi như: cúm A/H7N9, Mers-CoV, Ebola, Zika được giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng, ghi nhận đến nay không có ca bệnh. Thách thức hiện nay là một số bệnh truyền nhiễm lưu hành tại tỉnh mặc dù giảm so với năm 2015 song vẫn ở mức cao, có sự gia tăng tại một số huyện, có nguy cơ bùng phát nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến sự gia tăng bất thường hoặc thay đổi quy luật của một số bệnh như: SXH, tiêu chảy, lỵ... Việc kiểm soát bệnh tay chân miệng gặp nhiều khó khăn vì không có biện pháp dự phòng đặc hiệu, các thói quen hành vi không hợp vệ sinh và ý thức về phòng chống dịch bệnh (PCDB) của người dân chưa cao. Bệnh cúm gia cầm lây sang người luôn tiềm ẩn bùng phát do vẫn ghi nhận cúm trên gia cầm tại nhiều địa phương, do tập quán chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế, vệ sinh thấp kém ở một số bộ phận dân cư.
TTYTDP tỉnh có hệ thống quản lý chất lượng phòng xét nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) theo chuẩn ISO/IEC 17025:2005 đã được tỉnh cấp kinh phí duy trì hoạt động với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu công tác xét nghiệm. Trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 120 người mắc, để tìm ra nguyên nhân, TTYTDP đã xét nghiệm 11 mẫu thực phẩm lưu, trong đó có 6/11 mẫu chỉ tiêu Coliforms vượt giới hạn cho phép; số mẫu xét nghiệm trên người được xét nghiệm 29 mẫu có 22 người dương tính với Salmonella, chiếm tỷ lệ 75,9%.
Năm 2017, TTYTDP tỉnh chủ động trong công tác PCDB, kiên quyết không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn, kịp thời xử lý các trường hợp phát sinh, không để dịch bệnh lây lan ngoài tầm kiểm soát; PCDB kịp thời, hiệu quả do thiên tai thảm họa, bão lũ. Đẩy mạnh một số hoạt động như: giảm ca bệnh SR, tiến tới thanh toán SR vào năm 2020; xây dựng cộng đồng an toàn, phòng chống bệnh nghề nghiệp; duy trì tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh cho đối tượng bà mẹ, trẻ em và các đối tượng khác. Tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, giám sát, kiểm tra, giúp đỡ tuyến dưới, hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động về chuyên môn, quản lý các chương trình tại tuyến huyện, tuyến xã, phường, thị trấn. Duy trì và mở rộng hoạt động của hệ thống ISO/IEC 17025:2005 và phòng xét nghiệm đã được Cục ATTP ban hành quyết định “Chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước về ATTP”. Tiếp tục thực hiện tốt hoạt động dịch vụ, đẩy mạnh xã hội hóa y tế các lĩnh vực YTDP; đẩy mạnh hoạt động khám, tư vấn các bệnh không lây nhiễm cho người dân (đái tháo đường, bướu cổ, ung thư, huyết áp…), từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ YTDP.
AN NHIÊN