Thành tựu của ngành Y tế Lâm Đồng

06:02, 24/02/2017

Năm 2016, ngành Y tế Lâm Đồng đã đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về y tế: Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 11,13%o (Nghị quyết HĐND tỉnh giao 12,6%o); số bác sỹ/vạn dân đạt 6,9 (tỉnh giao 6 - 7); tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi là 9,8%o (toàn quốc 14,52 %o)...

Năm 2016, ngành Y tế Lâm Đồng đã đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về y tế: Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 11,13%o (Nghị quyết HĐND tỉnh giao 12,6%o); số bác sỹ/vạn dân đạt 6,9 (tỉnh giao 6 - 7); tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi là 9,8%o (toàn quốc 14,52 %o); tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi 17,6%o (toàn quốc 21,8%o); tuổi thọ trung bình của người dân trong tỉnh đạt 74,8 tuổi (năm 2010 là 73,6 tuổi). 
 
Bác sỹ khám siêu âm kiểm tra sức khỏe bà mẹ trẻ em. Ảnh: D.Hiền
Bác sỹ khám siêu âm kiểm tra sức khỏe bà mẹ trẻ em. Ảnh: D.Hiền

Nhiều giải pháp tăng cường chỉ đạo các hoạt động phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết, tay chân miệng, Zika đã được triển khai thực hiện. Trong năm không có dịch bệnh lạ xảy ra trên địa bàn. Các dự án thuộc chương trình mục tiêu Y tế - Dân số hầu hết đạt các chỉ tiêu cơ bản: Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đạt 13,1%; tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng 0,09% (toàn quốc 0,3%); số mắc sốt rét/1.000 dân là 0,089 (toàn quốc 0,3); tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 97%; có 12/12 huyện, thành phố đạt tiêu chí loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện. Tuy nhiên, trước sự biến đổi khí hậu, bệnh dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và gia tăng tại Lâm Đồng; trên địa bàn xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm > 30 người mắc. 
 
Tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ y tế và chất lượng khám, chữa bệnh có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, thành phố ngày càng được nâng cao. Đề án 1816 (cử cán bộ tuyến trên về hỗ trợ kỹ thuật tuyến dưới) với nhiều kỹ thuật mới được triển khai như: Đơn vị can thiệp tim mạch; Đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên khoa Ung bướu; Lọc máu bằng kỹ thuật thẩm tách siêu lọc dịch bù trực tiếp từ dịch lọc (HDF online) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhiều kỹ thuật mới về niệu khoa, sản khoa, tai mũi họng được triển khai thực hiện tại Bệnh viện II Lâm Đồng. Triển khai phẫu thuật nội soi túi mật tại Trung tâm Y tế Đơn Dương và Đức Trọng; phẫu thuật ngoại khoa, sản khoa tại Trung tâm Y tế Đam Rông. 
 
Hàng tuần, các trung tâm y tế tuyến huyện đã cử bác sĩ về các trạm y tế chưa có bác sĩ để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Thông qua việc thực hiện Đề án 1816 đã nâng cao tay nghề cho cán bộ tuyến dưới, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm tỉ lệ chuyển viện, giảm tốn kém cho người bệnh khi phải chuyển viện, giảm bớt tình trạng quá tải tại tuyến trên. Các cơ sở khám, chữa bệnh trong ngành còn tổ chức hội chẩn, bình bệnh án những bệnh nhân nặng, những ca bệnh khó; cải tiến quy trình khám bệnh, bố trí thêm các bàn khám khi cần thiết, ứng dụng công nghệ thông tin, công khai đường dây nóng để người dân biết phản ánh kịp thời, công khai giá viện phí, công khai quyền lợi và nghĩa vụ của bệnh nhân; phối hợp với Cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện giám định thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT trên cổng thông tin điện tử nhằm giảm phiền hà cho bệnh nhân.
 
Công tác khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi tiếp tục triển khai, năm 2016 đã hỗ trợ 6,8 tỷ đồng cho 2.467 lượt bệnh nhân nghèo, người gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo; tổ chức khám, điều trị miễn phí cho 800 đồng bào chính sách vùng trọng điểm kinh tế quốc phòng và 3.850 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Các dự án Phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng (JICA - Nhật Bản), Phát triển mô hình chăm sóc mắt toàn diện (FHF), Marie Stopes International đã hoàn thành; tiếp tục triển khai các dự án: Chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Lâm Đồng giai đoạn II (ADB II), Quỹ toàn cầu phòng chống sốt rét...
 
Mạng lưới y tế cơ sở, phục hồi chức năng, y học cổ truyền tiếp tục được củng cố và kiện toàn. Đến nay, toàn ngành có 78,2% (115/147) xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020 (Nghị quyết giao 74%). Có 45/117 xã xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí y tế (tiêu chí 15) của Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới (đạt 41,9% số xã toàn tỉnh).
 
Công tác dược đã đảm bảo đủ thuốc thiết yếu đến tận vùng sâu, vùng xa và trong các tình huống thiên tai bão lũ. Toàn tỉnh có 729 cơ sở bán lẻ thuốc và 12 công ty, chi nhánh sản xuất, kinh doanh bán buôn thuốc; trong đó có 655 cơ sở đạt tiêu chuẩn phân phối thuốc (GPP), 2 công ty đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất thuốc tốt (GMP), 1 công ty có phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn (GLP), 1 công ty có hệ thống kho bảo quản thuốc đạt tiêu chuẩn (GSP). 
 
Bên cạnh những thành quả đạt được, Ngành Y tế Lâm Đồng sẽ tiếp tục vượt qua những khó khăn thách thức như: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh diễn biến bất thường, hoạt động kiểm soát bệnh ngày càng khó khăn, có nguy cơ lây lan các bệnh dịch nguy hiểm, bệnh dịch lạ; mô hình bệnh tật thay đổi; sức ép gia tăng dân số, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; trình độ và chất lượng cán bộ trong tỉnh không đồng đều, thiếu các chuyên gia đầu ngành của tỉnh; nhà nước chưa có chính sách thu hút cán bộ giỏi về các tỉnh Tây Nguyên, miền núi…
 
Để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu kế hoạch về y tế, dân số mà tỉnh và Bộ Y tế đã giao năm 2017, ngành Y tế Lâm Đồng đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền, sự phối hợp, tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội chủ động triển khai thực hiện công tác y tế kịp thời, phù hợp với từng địa phương; đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về y tế gắn với trách nhiệm người đứng đầu và phát huy truyền thống đoàn kết, ra sức lao động sáng tạo. Tranh thủ mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện tốt kế hoạch phát triển mạng lưới y tế, dân số từ tuyến tỉnh đến cơ sở phù hợp với thực tiễn địa phương, gắn với quy hoạch và đề án kết cấu hạ tầng trong giai đoạn 2015 - 2020, đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nâng cao chất lượng các hệ dự phòng, điều trị, dược, y tế cơ sở, dân số - KHHGĐ; lấy phòng bệnh là chính, kết hợp phòng bệnh và chữa bệnh; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 1816 trong việc tiếp nhận kỹ thuật mới của tuyến trên và chuyển giao kỹ thuật mới cho tuyến dưới; kết hợp Đông - Tây y; chú trọng đầu tư cho y tế phổ cập và y tế chuyên sâu. Triển khai thực hiện đề án xã hội hóa y tế tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020; tiếp tục triển khai thực hiện tốt chính sách Dân số - KHHGĐ. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế nhằm đảm bảo trình độ, năng lực, y đức, phát huy nội lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
 
TS PHẠM THỊ BẠCH YẾN (Giám đốc Sở Y tế)