Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp đã quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt nhiều kết quả tích cực, từng bước đưa Chỉ thị, Nghị quyết vào cuộc sống.
Qua 3 năm thực hiện Chương trình hành động số 66-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, gắn với 1 năm thực thiện Chỉ thị số 49-CT/TW về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh Lâm Đồng về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới có nhiều chuyển biến. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp đã quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt nhiều kết quả tích cực, từng bước đưa Chỉ thị, Nghị quyết vào cuộc sống.
|
Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương tặng quà đồng bào DTTS huyện Di Linh. Ảnh: Nguyệt Thu |
Giải quyết kịp thời, hiệu quả những nguyện vọng, bức xúc chính đáng của nhân dân
Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 113-KH/TU ngày 20/10/2014 để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại và tố cáo, triển khai. Theo đó, cấp ủy và chính quyền các cấp tổ chức thực hiện quy chế gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với nhân dân. UBND tỉnh thành lập Ban tiếp công dân trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, xác định công tác dân vận giữ vai trò quan trọng trong việc tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri và buổi tiếp công dân định kỳ, các đại biểu HĐND và thành viên UBND tỉnh tham gia giải quyết, lồng ghép với tuyên truyền, giải thích cho công dân hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong 4 năm, Ban tiếp công dân UBND tỉnh tiếp 2.193 lượt công dân; 6.891 đơn thư; tham mưu 1.714 văn bản giải quyết đơn thư; tổ chức 30 cuộc họp Hội đồng tư vấn pháp luật để xem xét, giải quyết 95 vụ việc khiếu nại phức tạp. Nội dung khiếu nại, tố cáo hầu hết liên quan đến tranh chấp đất đai giữa hộ dân với doanh nghiệp, giải quyết đền bù đất bị ngập nước do làm thủy điện, chế độ cho học sinh dân tộc thiểu số… UBND tỉnh chỉ đạo Thanh tra tỉnh thành lập đoàn thẩm tra, xác minh, tham mưu, đề xuất hướng giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Việc thanh tra, xác minh đơn thư đảm bảo chính xác, khách quan, đúng tiến độ, đề xuất hướng giải quyết đúng quy định của pháp luật. Đến nay, có 100% các huyện, thành phố và cấp xã bố trí phòng tiếp dân, xây dựng quy chế tiếp công dân và phân công lãnh đạo tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của tổ chức, cá nhân. Trong gần 3 năm qua, huyện Đạ Tẻh tiếp nhận 253 đơn các loại; thành phố Bảo Lộc tiếp 825/1.243 công dân, nhận gần 990 đơn; Hội Cựu chiến binh tiếp nhận 11 đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến hội viên và đã xử lý theo phân cấp, đúng thẩm quyền; huyện Di Linh gần 2 năm tiếp trên 2.000 lượt người với 465 vụ việc, tiếp nhận 719 đơn... Các huyện, thành phố và các ngành chức năng duy trì tốt lịch tiếp công dân theo định kỳ 2 ngày/tháng trở lên theo quy định. Một số địa phương có cách làm sáng tạo trong việc nắm tình hình, giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Chú trọng xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, đào tạo cán bộ
Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng trong tỉnh quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ dân vận; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng công tác dân vận cho cán bộ Mặt trận, đoàn thể; phát triển số lượng, nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên gắn với xây dựng lực lượng chính trị ở cơ sở. Mặt trận, đoàn thể làm tốt công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ; sửa đổi, bổ sung kịp thời quy chế làm việc, quy định vị trí, chức danh cán bộ.
Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời rà soát và bổ sung phù hợp, sát với thực tế; tổ chức bộ máy được kiện toàn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng được chú trọng. Cán bộ, công chức phát huy năng lực, chất lượng tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được nâng lên; có tác phong sâu sát cơ sở, năng động. Cán bộ Ban Dân vận cấp huyện được đào tạo, bồi dưỡng, có năng lực công tác từ thực tiễn hoạt động phong trào quần chúng, đa số hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tích cực trong phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, làm tốt công tác vận động quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Hiện toàn tỉnh có 1.572/1.572 tổ dân vận hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu. Nhiều vụ, việc nổi cộm kéo dài thông qua hoạt động tổ dân vận đã giải quyết thấu đáo, có lý, có tình. Về công tác cán bộ, các địa phương, cơ quan, đơn vị phối hợp mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng như: đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp các ngành phù hợp với nhiệm vụ và vị trí công tác; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng thuyết trình, giao tiếp cho cán bộ lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên; đào tạo chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, mở 22 lớp đào tạo tiếng Kơ Ho, Châu Mạ, Churu cho 748 cán bộ, công chức. Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Nội vụ và Trường Chính trị tỉnh phối hợp mở 4 lớp bồi dưỡng công tác dân vận cho khoảng 600 cán bộ, đảng viên, công chức từ tỉnh đến cơ sở. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, UBND tỉnh phê duyệt 3 Đề án tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng 43 trí thức trẻ là người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên để tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND các xã; phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Đến nay, toàn tỉnh có 740 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, trong đó công chức cấp xã 285 người; số lượng viên chức dân tộc thiểu số có 1.878 người.
Kinh nghiệm bước đầu trong tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, đáng chú ý là: Phải có sự lãnh đạo kịp thời, thường xuyên của cấp ủy Đảng, chỉ đạo và cụ thể hóa của chính quyền về công tác dân vận thành những quy định, quy chế cụ thể trên từng lĩnh vực, sát thực tiễn; đồng thời nâng cao trách nhiệm trong công tác tham mưu. Chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết phải gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, nắm bắt kịp thời và có biện pháp giải quyết dứt điểm, hiệu quả những bức xúc của nhân dân. Một kinh nghiệm quan trọng nữa là phải xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có tinh thần, trách nhiệm, gương mẫu “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, biết “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân.
LAN HỒ