Cũng như một số dân tộc thiểu số khác ở các tỉnh Tây Nguyên, sau khi sinh ra từ 3 - 7 ngày tuổi, người K'Ho có phong tục tổ chức lễ đặt tên "kràs măt" cho đứa trẻ mới chào đời. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng còn được duy trì, đánh dấu sự ra đời của đứa trẻ và đón mừng một thành viên mới của gia đình, dòng tộc.
Cũng như một số dân tộc thiểu số khác ở các tỉnh Tây Nguyên, sau khi sinh ra từ 3 - 7 ngày tuổi, người K’Ho có phong tục tổ chức lễ đặt tên “kràs măt” cho đứa trẻ mới chào đời. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng còn được duy trì, đánh dấu sự ra đời của đứa trẻ và đón mừng một thành viên mới của gia đình, dòng tộc.
Với người K’Ho Sre ở Di Linh, lễ đặt tên thường được tổ chức từ 18 giờ vào buổi tối, trước sự chứng kiến của tất cả thành viên trong gia đình và dòng tộc. Các lễ vật dâng cúng lên Yàng gồm: chén cơm, ly nước, ly rượu cần, quả chuối và quả trứng gà…
Nghệ nhân K’Bọt cho biết: “Sau khi dâng cúng, chóe rượu cần cũng được bày ra, ông cậu, những người có vai vế và bà đỡ đều có mặt cùng gia chủ thực hiện nghi thức cắt cổ gà (thường là con gà trống) cúng tế thần linh, khấn cầu và tạ ơn Yàng, ông bà, tổ tiên đã ban ơn lành cho gia đình, cho đứa trẻ mới sinh ra được khỏe mạnh, trí tuệ được tinh khôn… để sau này đảm đương mọi công việc của gia đình, gia tộc và cộng đồng. Huyết gà được đựng trong chrer (hiện vật được đúc bằng đồng, lớn bằng cái tô) hòa chung với nước lã để dùng cho bà đỡ rửa tay với mong muốn mang lại nhiều điều may mắn; chúc bà đỡ luôn được Yàng phù hộ, có đôi tay khéo léo... Người K’Ho quan niệm rằng: Nếu không thực hiện nghi thức này, bà đỡ sẽ bị cấm kỵ, không được phép vào kho thóc, vì sẽ làm ô uế đến thần lúa”.
Nghi lễ đặt tên được thực hiện xong, gia chủ là người uống rượu cần nước đầu tiên, tiếp theo đến ông cậu là người vai vế trong gia đình rồi đến bà đỡ, dòng tộc và các thành viên trong gia đình. Rồi cứ thế mọi người thay phiên nhau uống tuần tự theo vòng. Cùng với đó, con gà nhanh chóng được nhổ sạch lông dâng cúng lên Yàng, rồi cắt một phần biếu cho bà đỡ mang về nhằm thể hiện lòng biết ơn của gia đình đối với những công lao của bà đỡ đẻ đã giúp mẹ tròn con vuông. Còn ông cậu người vai vế của gia đình cũng được biếu phần cánh gà, tỏ lòng kính trọng vì có trách nhiệm với gia đình. Riêng phần còn lại của con gà được gia chủ chế biến thành các món ăn đãi khách.
Khi nghi lễ đã tiến hành xong, từng người một lần lượt mời nhau uống rượu cần, họ ăn uống trong niềm hân hoan, chúc mừng, cầu cho đứa trẻ mới sinh ra lớn lên luôn được mạnh khỏe; những người đến dự cũng chúc phúc, tặng cho đứa trẻ những hiện vật, như: sợi dây chuyền, chiếc vòng tay được làm bằng đồng… cùng với những tấm ồi thổ cẩm được dệt bởi những đôi tay khéo léo được thêu dệt với đường nét tinh tế, hoa văn sắc màu rực rỡ.
Để thể hiện lòng biết ơn những người trong dòng tộc đến mừng, chung vui cùng gia đình tại lễ đặt tên, người cha của đứa trẻ mới chào đời mời mọi người uống rượu cần; đồng thời công bố tên của đứa trẻ để mọi người cùng nhau trao đổi, góp ý.
Theo quan niệm của người K’Ho, họ thường đặt tên con theo tên bố mẹ, ông bà, cậu, chú bác. Nếu tên bố bắt đầu bằng phụ âm “Br..”, “B”, “S”, “J”… thì tên con trai cũng bắt đầu bằng phụ âm đó hoặc đặt theo tên của ông, cậu… Tương tự, con gái cũng phải đặt theo tên của mẹ, bà, cô,… nhưng không được đặt tên con trùng với tên của những người trong dòng tộc.
Ngày nay, nhiều người K’Ho đặt tên con không còn theo phong tục xưa nữa. Những năm gần đây, tại khắp bản làng của người K’Ho cũng đã xuất hiện khá nhiều trẻ em mang họ tên na ná giống họ tên người Kinh hay người ngoại quốc.
Lễ đặt tên của người K’Ho cho trẻ mới sinh ra là một nghi lễ truyền thống được tổ chức trong phạm vi gia đình, dòng tộc thuộc hệ nghi lễ vòng đời. Sau nghi lễ này, đến khi trưởng thành, người đàn ông còn thực hiện nghi lễ trưởng thành “sơn đăn dam” (tạm dịch là chàng trai). Đây là một trong những nghi lễ khá độc đáo thể hiện nét đẹp trong đời sống văn hóa của người K’Ho.
Qua tìm hiểu về việc đặt họ tên của người K’Ho, chúng tôi nhận thấy rằng: Điểm cơ bản và phổ biến nhất là “K” (đối với nam giới), “Ka” (đối với nữ giới) và chỉ cần nhìn vào đó là chúng ta dễ dàng phân biệt được người đó là nam giới hay nữ giới. Bên cạnh đó, cũng có nơi người ta lại đặt họ tên theo dòng họ, vùng miền, địa danh, nơi mà dòng tộc của họ sinh sống, như Tam Bô, Dà Kròng, Njàn...
LAM PHƯƠNG