Nghiên cứu công dụng làm thuốc của cây Anh đào

09:02, 13/02/2017

Cây Anh đào (còn có tên Mai anh đào) là một trong những cây hoa đặc trưng của thành phố Đà Lạt. Bên cạnh vẻ đẹp của hoa là công dụng làm thuốc chữa bệnh đã được dược sĩ Nguyễn Thọ Biên nghiên cứu. 
 

Cây Anh đào (còn có tên Mai anh đào) là một trong những cây hoa đặc trưng của thành phố Đà Lạt. Bên cạnh vẻ đẹp của hoa là công dụng làm thuốc chữa bệnh đã được dược sĩ Nguyễn Thọ Biên nghiên cứu. 
 
Hoa Anh đào Đà Lạt. Ảnh: A.Nhiên
Hoa Anh đào Đà Lạt. Ảnh: A.Nhiên

Năm 2014, lần đầu tiên tỉnh Lâm Đồng có một thầy thuốc được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân - đó là dược sĩ chuyên khoa cấp II Nguyễn Thọ Biên. Ông có nhiều đóng góp cho ngành Y tế Lâm Đồng ngay từ ngày đầu thành lập. Đặc biệt, ông đã thực hiện 7 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh chuyên đề về dược liệu, đồng thời chủ biên 3 tập sách: “Cây thuốc Lâm Đồng” xuất bản năm 1996, “Những bài thuốc nam, châm cứu chữa các bệnh thông thường” xuất bản năm 1997 và “Cây hoa Đà Lạt làm thuốc” xuất bản năm 2013. Cuối năm 2016, Hội Dược liệu Lâm Đồng tổ chức hội thảo về 3 cây thuốc Anh đào, Lan gấm, Đảng sâm. Trong đó, dược sĩ Nguyễn Thọ Biên - Chủ tịch Hội Dược liệu tỉnh đã trình bày kết quả nghiên cứu về cây thuốc Anh đào.
 
Theo nghiên cứu này, cây Anh đào có nguồn gốc ở vùng Đông Nam châu Á, phạm vi kéo dài từ dãy núi ở Himachal Pradesh phía Bắc miền Trung Ấn Độ tới Tây Tạng, vùng Tây Nam Trung Quốc, qua Pakistan, Nepan và Butan. Trên thế giới, cây Anh đào còn có ở các nước Mianma, Lào, Thái Lan. Cây Anh đào mọc hoang và được trồng trong các rừng thưa, nơi nhiệt độ mát mẻ, độ cao trên 1.000 - 2.400 m. Ở nước ta, cây Anh đào phân bố ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Hòa Bình, Ninh Bình, Lâm Đồng. Tại Lâm Đồng, cây Anh đào mọc rải rác ở vùng núi Lanbiang. 
 
Ở TP Đà Lạt, cây Anh đào được trồng khoảng những năm 1930 - 1940 do ông Nguyễn Thái Hiến từng làm Giám thị lục lộ được giao nhiệm vụ trồng cây cảnh trong khuôn viên dinh thự đã phát hiện và đem cây Anh đào tại khu rừng gần ấp Tân Lạc về trồng. Những năm gần đây, thành phố Đà Lạt đã được trồng nhiều cây Anh đào tại các đường phố, các vườn hoa, xung quanh hồ, khu dân cư, khu du lịch. 
 
Thân cành cây này giống cây Đào, hoa giống cây Mai nên người Đà Lạt gọi tên là Mai anh đào. Cây Anh đào là loại cây gỗ nhỏ, rụng lá, nhánh không lông, cao đến 10 m; lá hình trái xoan mũi nhọn, phiến lá mỏng, mép lá có răng cưa; hoa lưỡng tính, có 5 cánh màu hồng, thường mọc thành cụm 3 hoa; quả hạch, hình trứng, khi chín màu tím đỏ, vị ngọt, chua, hơi chát. Cây Anh đào ra hoa từ tháng 10 cho đến tháng 1 năm sau, mùa quả từ tháng 3 - 5. 
 
Nghiên cứu công dụng làm thuốc chữa bệnh của cây Anh đào, DS Nguyễn Thọ Biên cho biết: Thành phần hóa học trong quả Anh đào chứa glycoside, acid hữu cơ, vitamin; nhân hạt chứa amgdalin, prumasetin (isoflavon), sakurametin, pudumetin (flavon); vỏ cây chứa flavonon glycoside, sakuranin, neosakuranin (chalcon glycosid); thân, lá chứa các chất flavanone glycoside là Puddumin A, B. Công dụng: quả chín có thể ăn được hoặc chế biến rượu để uống bồi dưỡng cơ thể. Thân, lá có các chất chống co thắt và chất chống ô xy hóa làm thuốc giảm đau, hạ sốt, chữa ho, hen suyễn. Vỏ thân sắc lấy nước uống chữa sốt, ho, tiêu chảy. Nhân hạt, thân còn dùng làm thuốc chữa đau khớp, sỏi thận, sỏi bàng quang. Trong lá, hạt, vỏ cây có chứa chất đắng hydrogen cyanide - chất có tác dụng kích thích hô hấp và cải thiện tiêu hóa, có lợi trong việc điều trị ung thư, nhưng dư thừa nó có thể gây suy hô hấp và tử vong. Tại Ấn Độ, vỏ cây Anh đào dùng để chữa gãy xương, đau khớp; cành nhỏ dùng làm nguyên liệu sản xuất acid hydrocyanic, nhân hạt dùng làm thuốc chữa sỏi thận. Tại Thái Lan, vỏ cây Anh đào dùng chữa ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi, tiêu chảy, bong gân. Gỗ cây Anh đào là loại gỗ tốt, cứng không bị mối mọt nên có thể dùng làm đồ dùng trong nhà, sản xuất dây chuyền, vòng tràng hạt; cành cây làm gậy chống. 
 
Tại Đà Lạt còn có cây Anh đào Nhật Bản, thuộc họ Hoa hồng mới được trồng tại Vườn hoa thành phố. Cây này cho quả to hơn cây Anh đào Đà Lạt và có vị ngọt, thường dùng để bồi bổ cơ thể. Quả chín lúc còn tươi ăn ngon hoặc dùng để làm thực phẩm đóng hộp, chế rượu, làm bánh mứt. Vỏ thân chữa ho, lá và rễ sát trùng; cuống quả Anh đào dùng để chữa suy thận nhẹ, khử độc, lợi tiểu. 
 
Tại Huế có trồng cây Anh đào đôi thuộc họ Hoa hồng, cây cao khoảng 4 - 5 m, vỏ cây nhánh láng màu nâu đen, chồi có vảy bao; lá bẹ hình gươm, có răng cưa; hoa màu hồng, thơm, mọc ở các nhánh già; trong quả chứa acid glutaric; lá có thể chữa kinh phong ở trẻ em, hạt sắc uống bổ thần kinh.
 
AN NHIÊN