Một vùng lâm phần hết sức khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), nhưng suốt mùa khô 2015-2016 đã không xảy ra vụ cháy nào ảnh hưởng đến rừng. Đó là công lao của tập thể và đặc biệt là Trưởng trạm Nguyễn Thị Thủy...
Một vùng lâm phần hết sức khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), nhưng suốt mùa khô 2015-2016 đã không xảy ra vụ cháy nào ảnh hưởng đến rừng. Đó là công lao của tập thể và đặc biệt là Trưởng trạm Nguyễn Thị Thủy. Chi cục trưởng Kiểm lâm Nguyễn Khang Thiên cũng xác nhận: “Anh biết không, cả một vùng đất trống thế mà cô ấy và tập thể bền bỉ phủ được hết màu xanh”.
|
Chị Thủy và cộng sự tuần tra hiện trường rừng vào ngày 7/2/2017. Ảnh: M.Đạo |
Rừng là nhà
Trước và sau Tết Nguyên đán, tôi liên lạc nhiều lần với Nguyễn Thị Thủy nhưng đều được trả lời: “Em đang ở trong rừng anh ạ, bận quá!”. Thời điểm nhạy cảm, là Trưởng trạm Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ (QLBVRPH) Mê Linh, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà phải “ăn ở với rừng”. Thủy sinh năm 1984, ở xã Hoằng Đại, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp và gắn bó với rừng xanh Nam Tây nguyên như là cái “duyên tạo ngộ”.
Cái “duyên” càng bén khi Nguyễn Thị Thủy phải đối diện với nhiều khó khăn. Trạm QLBVRPH của cô quản lý diện tích rừng và đất rừng 1.849 ha, trải rộng trên 12 thôn và 5 tiểu khu (262b, 263a, 264, 263b và 270). Địa hình hết sức phức tạp, chia cắt bởi nhiều khe, suối; điều kiện đi lại xa xôi và hết sức khó khăn. Hầu hết diện tích rừng trên địa bàn là rừng trồng, lại manh mún và phân bố rất phức tạp; đa số rừng giáp nương rẫy của các hộ gia đình và đan xen với khu dân cư. Dân cư chủ yếu là những người dân kinh tế mới và đồng bào dân tộc thiểu số, nhu cầu về đất ở, đất sản xuất và tập tục đốt rừng làm rẫy luôn biến động… Nhiều năm nay, khu vực này luôn được cảnh báo là một trong những khu vực rừng trồng trọng điểm dễ xảy ra cháy gây thiệt hại lớn đến rừng.
Trong lúc đó, do biến đổi khí hậu gay gắt, thời tiết luôn diễn biến hết sức phức tạp bất thường, đặc biệt những cánh rừng phải chịu thời tiết kéo dài trong tình trạng hanh khô và gió mạnh. Vì vậy, hiểm họa cháy rừng luôn tiềm ẩn đối với tài nguyên rừng. Lãnh đạo Trạm cùng tập thể đơn vị xác định nhiệm vụ PCCCR luôn luôn hàng đầu trong mỗi ngày và ý thức sâu sắc sẵn sàng phải đối diện những nguy cơ thách thức. Ngày nào cũng để mắt đến rừng, và không thể không có những bước chân lội rừng để canh cháy. Phản xạ ấy, công việc ấy là mệnh lệnh từ trái tim và trở thành bản năng của tập thể đơn vị Trạm, trong đó Nguyễn Thị Thủy là đầu tầu gương mẫu.
Nhiều kinh nghiệm quý
Nguyên nhân dẫn đến cháy rừng phần lớn là do hoạt động của con người, hoặc hành động trực tiếp hay gián tiếp. Hậu quả của cháy rừng thường gây ảnh hưởng nhiều mặt và sâu sắc đến quần thể đa dạng thực vật rừng. Mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào đặc tính của đám cháy như tốc độ lan tràn, cường độ cháy, thời gian cháy… và khả năng thích ứng, kết cấu của quần thể thực vật. Chị Nguyễn Thị Thủy nói: “Bản thân tôi là Trưởng trạm, qua làm việc nắm bắt thực tế tại địa bàn cùng với tinh thần trách nhiệm, tôi nhận thấy để công tác PCCCR đạt hiệu quả cao nhất thì biện pháp hữu ích nhất là gắn công tác PCCCR với nhân dân địa phương và phòng chống cháy rừng là chính”. Trong mùa khô 2015-2016, nhận thức rõ công tác PCCCR là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nên ngay từ đầu mùa, Nguyễn Thị Thủy xác định những khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao để tập trung chỉ đạo. Chị chuẩn bị nội dung và tham mưu cho UBND xã, thị trấn tổ chức Hội nghị tổng kết công tác BVR và PCCCR năm 2015, đánh giá những mặt đạt được, tồn tại hạn chế trong công tác PCCCR mùa khô 2014-2015, đưa ra phương hướng, nhiệm vụ của năm tiếp theo. Tại những hội nghị này, chính quyền địa phương đã kịp thời khen thưởng, động viên những cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc nhằm ghi nhận kịp thời và tạo phong trào lan tỏa trong cộng đồng.
Mặt khác, Trạm triển khai tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BVR, PCCCR; trong đó, đối tượng quan trọng nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa và những người dân sống gần rừng, hoạt động gắn bó với rừng... Biện pháp tuyên truyền là ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, nhiều hình thức cụ thể và đa dạng, phong phú như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đóng biển báo, lồng ghép vào các buổi họp của thôn, bản… và duy trì thường xuyên. Nhờ vậy, ý thức của người dân trong vùng về công tác BVR, PCCCR ngày càng được nâng cao. Qua nhiều cán bộ và nhân dân, tôi được biết, suốt mùa khô, nữ Trạm trưởng Nguyễn Thị Thủy thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ hợp đồng thực hiện các hạng mục phòng cháy theo phương án đã được phê duyệt, thực hiện tốt công tác phòng cháy nhằm hạn chế thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy rừng gây ra. Cùng đó, các cán bộ của Trạm tăng cường công tác tuyên truyền PCCCR tới các hộ nhận khoán BVR, các cộng đồng được giao rừng. Trạm cũng đề nghị những hộ sinh sống và có vườn rẫy gần rừng làm bản cam kết thực hiện các quy định về công tác BVR, PCCCR mùa khô. Hướng dẫn kỹ thuật và cùng với các hộ nhận khoán đốt trước vật liệu cháy đối với các khu vực rừng không có đầu tư kinh phí. Với đơn vị, Nguyễn Thị Thủy thường xuyên lên lịch phân công trực và thực hiện trực cháy, canh gác lửa rừng 24/24 giờ hàng ngày đúng quy định, hàng ngày báo cáo kịp thời các diễn biến về cháy rừng về Ban. Chị nắm tình hình cụ thể mỗi địa hình để bố trí điểm trực hợp lý, có tầm nhìn rộng; những khu vực trọng điểm thường xuyên cắt cử người trực, phát hiện lửa kịp thời khi mới xuất hiện. Biển báo “Cấm lửa” gắn ở những nơi thường xuyên có người qua lại nhằm nhắc nhở cộng đồng có ý thức hơn khi dùng lửa để tránh gây cháy rừng. Tập thể Trạm cũng luôn chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra…
Nhờ những hoạt động thiết thực trên mà mùa khô 2015-2016 địa bàn của Trạm quản lý không xảy ra vụ cháy nào ảnh hưởng đến rừng. Ghi nhận thành tích này, chị được Hội đồng Thi đua khen thưởng Sở NN&PTNT Lâm Đồng đề xuất UBND tỉnh trao tặng Bằng khen về công tác PCCCR năm 2016.
MINH ĐẠO