Phải thuyết phục đến "thụt cả lưỡi" nữ nông dân Ma Con (1980) mới đồng ý nói về "cống hiến thầm lặng" của bản thân mình mà cả thôn K'Lót (Tu Tra, Đơn Dương) phải nể phục chị. Nhưng chị cứ nhắc đi nhắc lại: "Tôi không dạy dỗ ai hết, chỉ là hướng dẫn bà con mình thôi, mình biết thì bảo người không biết, đơn giản như vậy thôi".
Phải thuyết phục đến “thụt cả lưỡi” nữ nông dân Ma Con (1980) mới đồng ý nói về “cống hiến thầm lặng” của bản thân mình mà cả thôn K’Lót (Tu Tra, Đơn Dương) phải nể phục chị. Nhưng chị cứ nhắc đi nhắc lại: “Tôi không dạy dỗ ai hết, chỉ là hướng dẫn bà con mình thôi, mình biết thì bảo người không biết, đơn giản như vậy thôi”.
|
Ma Con (trái) được người dân K’Lót ví von là nữ “kỹ sư” của xóm làng. Ảnh: Đ.Tú |
Hôn nhân đổ vỡ, ba người con nheo nhóc là cám cảnh mà không phải người phụ nữ dân tộc thiểu số nào cũng có thể vực lên được. Ma Con thì khác: “Cám cảnh lắm, cuộc đời tưởng chừng bế tắc trong cái vòng nghèo đói, con nhỏ, mẹ già… biết nhờ cậy ai bây giờ. Kệ. Tốt nhất là nhờ cậy ngay chính cái bản thân mình, nông dân không làm nông thì biết làm cái gì nữa”. Nói đến đây, Ma Con nhìn về những mầm non đang trổ lộc xuân trên mảnh đất tưởng chừng như khô hạn, nắng rát.
Ở cái thôn này, nhắc đến Ma Con ai cũng tự hào, tự hào về một người phụ nữ dám vượt qua số phận, dám ước mơ và dám hi vọng. Từ bao đời nay, người dân thôn K’Lót chỉ biết đến cây lúa, ngô trên đồng ruộng nắng cháy, còn phần đất khô ráp thì để cho cỏ dại rồi trâu bò quần thảo. Nhưng, kể từ khi Ma Con đi dự những đợt tập huấn sản xuất nông nghiệp từ xã, huyện về thì một màu xanh mới, màu của trù phú nở hoa trên đất cằn sỏi đá. Ngày đất nở hoa, chính là ngày Ma Con thành công trên 4 sào đất hoang hóa của xóm làng. Cà tím, đậu, bí ngô, ớt ngọt đua nhau kết trái mang lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người phụ nữ tảo tần mưa gió.
Ja Biên, Ja Then là hai người đàn ông sức dài vai rộng ở cái thôn còn lắm gian nan này. Trước đây, họ trồng lúa, gieo hạt ngô rồi chờ trời đổ mưa, chờ nắng nuôi mầm vì theo họ đã là cây trồng thì chỉ việc trồng xuống đất, làm cỏ dại vài đợt là được. Ja Biên tâm sự: “Học kỹ thuật thì cũng có học nhưng khó tiếp cận lắm, thú thật dân làng mình trình độ cũng không đến nơi đến chốn nên nhìn vào giấy tờ là hoa mắt, nhìn vào tấm bảng là lóa chữ. Nên việc học làm nông tưởng chừng dễ dàng lại biến thành một điều khó khăn với chúng tôi”.
Kể từ ngày Ma Con mạnh dạn thuê đất, học kinh nghiệm trồng trọt, dân làng đã ví von người phụ nữ đen nhẻm vì nắng gió này là “kỹ sư” chân đất. Ma Con kể: “Mình đi từng nhà để giúp người dân thay đổi thói quen canh tác, ban đầu không dễ dàng đâu vì phụ nữ chân yếu tay mềm lại lao vào công việc làm nông nặng nhọc là điều xưa nay hiếm ở đây, mà lại làm nông có đầu tư khoa học kỹ thuật nữa chứ. Nhất là lớp thanh niên, lâu nay ngoài việc đồng áng họ thường tìm đến các địa điểm khác để làm thuê, cuối cùng mới nhận ra một điều rằng tại sao bản thân mình không làm thuê ngay trên chính mảnh đất của mình, tại sao lại nghèo trên mảnh đất vàng”.
Nữ “kỹ sư” chân đất lên lớp rất đơn giản, đơn giản như chính những con người ở đây. Lớp học chính là khoảnh đất gieo trồng của mình, giáo trình chính là những kinh nghiệm mà mình đã học được từ các khóa huấn luyện, giáo cụ trực quan chính là cuốc, thuổng, máy bơm nước, phân tro, thuốc bảo vệ thực vật. Và, một điều mà những “học viên” của chị không phải đau đầu chính là không cần giấy bút mà theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Làm đến đâu, chỉ đến đó, xử lý đất như thế nào, chỉ cách bón vôi. Cây trồng bị bệnh gì chỉ ngay thuốc mà mình phun, thu hoạch như thế nào thì thuê ngay những người cần học kinh nghiệm để họ thu hái.
Học trường, học lớp để tích lũy kinh nghiệm hướng dẫn cho người cùng thôn nhưng với Ma Con vẫn chưa bao giờ là điểm chấm hết. Chấp nhận đi đến những nông trang, nông trại làm thuê chính là cách mà Ma Con “học lỏm” kiến thức nông nghiệp. Ma Con cười: “Sách vở thì có cái lợi thế của nó nhưng thực tế dạy mình nhiều điều lắm, làm nông phải áp sát điều kiện khí hậu, nắng, gió của địa phương. Nhiều lúc mình hướng dẫn bà con nhưng đến khi gieo trồng thì thất bại vì điều kiện mỗi nơi một khác và cách duy nhất khắc phục tình trạng này chính là đến những nơi thành công để học hỏi”.
Không chỉ hướng dẫn nông dân ở đây cách canh tác, Ma Con còn mạnh dạn đứng mũi chịu sào nhận trách nhiệm tổ trưởng tổ tín dụng, đây là một cơ hội lớn để chị giúp bà con của mình thoát nghèo. Nhiều người dân ở đây tâm sự rằng Ma Con “chắc lắm”, muốn vay vốn làm ăn thì Ma Con hỏi cặn kẽ về cách thức trồng cây gì, nuôi con gì. Nếu trồng cây thì đến ngay mảnh đất của Ma Con để học hỏi, còn chăn nuôi thì chị tìm giúp các tài liệu hay giới thiệu mô hình để tìm hiểu.
Đã nhiều năm trôi qua, người dân K’Lót chịu ơn Ma Con nhưng người phụ nữ “tử tế” này chỉ có một ước nguyện duy nhất là làm sao nông dân không còn nghèo trên chính mảnh đất của cha ông mình.
ĐỨC TÚ