Phát huy di sản văn hóa dân tộc

08:02, 23/02/2017

5 năm qua, thực hiện "Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020" trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai có hiệu quả chương trình hành động quốc gia về bảo tồn các di sản văn hóa tiêu biểu bằng việc sưu tầm, bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
 

5 năm qua, thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai có hiệu quả chương trình hành động quốc gia về bảo tồn các di sản văn hóa tiêu biểu bằng việc sưu tầm, bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
 
Múa dân gian của đồng bào Kơ Ho. Ảnh: P.Nhân
Múa dân gian của đồng bào Kơ Ho. Ảnh: P.Nhân

Trước hết, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị văn hóa của nhân dân các dân tộc, nâng cao lòng tự hào về các giá trị văn hóa; khuyến khích sử dụng các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc; các loại hình văn hóa dân gian trong các hội thi, hội diễn… Qua đó, các giá trị văn hóa từng bước khôi phục, bảo tồn và phát huy như: lễ Pơthi, lễ Bok Chu-bur (của người Churu và nhóm Kơ Ho ở thôn K’Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng), lễ Nhô Wèr (của người Kơ Ho Srê ở xã Bảo Thuận, huyện Di Linh), các nghi thức cúng lúa rẫy (của người Mạ ở xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm)…
 
Cùng với chú trọng công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc, ngành quan tâm phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với việc triển khai các dự án: Làng nghề truyền thống dân tộc Kơ Ho Cil ở xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương; phục dựng lễ hội truyền thống dân tộc Mạ; điều tra, nghiên cứu bảo tồn một số làng, bản tiêu biểu và lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh; chống xuống cấp và tôn tạo di tích lịch sử quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt; phục dựng Khu di tích lịch sử quốc gia căn cứ kháng chiến Khu IV Cát Tiên và dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích khảo cổ Cát Tiên (di tích quốc gia đặc biệt)… Nhằm phát huy di sản văn hóa phi vật thể Cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án giai đoạn 2009 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2015, tổ chức thực hiện hiệu quả thông qua triển khai 2 đề tài: Nghiên cứu sưu tầm văn hóa Cồng chiêng và văn hóa các dân tộc Tây Nguyên tại Lâm Đồng; Trang bị Cồng chiêng, các nhạc cụ đi kèm và các điều kiện vật chất khác để duy trì nét văn hóa Cồng chiêng Nam Tây Nguyên, tổ chức 45 lớp truyền dạy Cồng chiêng cho 1.080 thanh thiếu niên người đồng bào dân tộc thiểu số. Định kỳ hàng năm, tổ chức Lễ hội văn hóa Cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng để nhân dân các dân tộc bản địa giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại Lâm Đồng. Đây là những hoạt động thiết thực góp phần bảo tồn, phát huy và tôn vinh giá trị văn hóa Cồng chiêng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, khẳng định giá trị văn hóa Cồng chiêng trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu bản địa Tây Nguyên. 
 
Truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ. Ảnh: P.Nhân
Truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ. Ảnh: P.Nhân

UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành liên quan đẩy mạnh giữ gìn, tôn tạo những công trình kiến trúc cổ đặc trưng của thành phố Đà Lạt, quy hoạch kiến trúc thành phố phù hợp với sự phát triển hiện đại nhưng vẫn giữ nét riêng, mang bản sắc và dấu ấn văn hóa địa phương. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Bảo tàng tỉnh thông qua việc hoàn thiện dự án xây dựng không gian và nội thất nhằm nâng cấp thành Bảo tàng hạng 2, từng bước phát triển thành Bảo tàng khoa học, hiện đại, có phong cách phục vụ riêng biệt, ấn tượng. Toàn tỉnh hiện có 33 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 13 di tích cấp tỉnh, 18 di tích thắng cảnh cấp quốc gia và 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Một số công trình văn hóa tiêu biểu như: di tích Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt, căn cứ kháng chiến Khu IV Cát Tiên, Bộ Mộc bản triều Nguyễn (Di sản tư liệu Thế giới)…, các loại hình âm nhạc, lễ hội, cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt đời sống thường ngày (nhà cửa, trang phục, ẩm thực), ngành nghề thủ công truyền thống (đan lát, rèn, dệt, đồ gốm…) của các dân tộc tiếp tục phát huy hiệu quả. Nhiều lễ hội truyền thống như “Lễ hội Cồng chiêng, mừng lúa mới, lễ hội Lồng tồng,… được khôi phục. Công tác giữ gìn, phát huy và khai thác danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh được cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi về chính sách, đảm bảo an ninh, trật tự để tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các giá trị, di tích, danh lam thắng cảnh phục vụ phát triển du lịch.  
 
Tuy đã đạt một số kết quả đáng khích lệ nhưng nhìn chung công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện, phương tiện; một số giá trị văn hóa, nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một dần. Năng lực, trình độ chuyên môn của một số cán bộ làm công tác văn hóa, đặc biệt là ở cơ sở còn hạn chế; việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về phát triển văn hóa thiếu kịp thời, sâu sát. Để khắc phục tình trạng này, trong thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020”, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa, hoàn thiện việc điều tra, khảo sát, sưu tầm toàn diện vốn văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số; tiếp tục nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa. Xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận một số di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Ngành cũng sẽ đẩy mạnh xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cơ sở, củng cố, xây dựng các đội văn nghệ quần chúng cấp huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tham gia và hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 
 
ÐAN THANH