Những ngày trước và sau Tết Đinh Dậu, bạn bè chung niềm hoan hỉ phát tâm thiện nguyện ở thành phố Đà Lạt và huyện Đức Trọng lại đến san sớt hương vị Tết đối với những người yếu thế. Đó là những bệnh nhân phong và người thân của họ tại huyện Di Linh, là các cụ già neo đơn, là trẻ thơ mồ côi hay hoàn cảnh khó khăn, và là những bệnh nhân nằm điều trị ở nhà hay đang ở bệnh viện…
Những ngày trước và sau Tết Đinh Dậu, bạn bè chung niềm hoan hỉ phát tâm thiện nguyện ở thành phố Đà Lạt và huyện Đức Trọng lại đến san sớt hương vị Tết đối với những người yếu thế. Đó là những bệnh nhân phong và người thân của họ tại huyện Di Linh, là các cụ già neo đơn, là trẻ thơ mồ côi hay hoàn cảnh khó khăn, và là những bệnh nhân nằm điều trị ở nhà hay đang ở bệnh viện…
|
Trao quà cho các hộ tại cơ sở bệnh phong Di Linh. Ảnh: Đ.Phan |
Họ là những người thường xuyên chung tay phát tâm đi làm việc từ thiện từ nhiều năm nay. Ngay cả khi tôi đang viết bài báo này, ngày mùng 5 Tết, họ đang tiếp tục đến với trẻ em Cơ sở nuôi trẻ mồ côi Chùa Nguyên Không, huyện Đức Trọng. Có thể lướt qua những khuôn mặt họ: các chị Hoàng Thy, Huỳnh Ngân, chị Liên, chị Thoại Tiên, anh Quân, anh Nam, chị Thu Hoài… những doanh nhân, những mạnh thường quân ở Đà Lạt. Là 2 chị em: chị Hồng hiệu trưởng trường mầm non nghỉ hưu, chị Nga thợ may… ở huyện Đức Trọng; là các cô giáo Trường Tiểu học Phan Như Thạch Đà Lạt: Trần Thị Công Nga, Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Nga, Trần Thị Kim Tính, Bùi Thị Tuân,…; là anh Trần Thanh Hùng cơ quan bảo hiểm, chị Thùy Trâm cán bộ y tế, anh Phan Tài tài xế… Rất, rất nhiều tấm lòng thơm thảo mà tôi không thể kể ra hết. Đặc biệt, như anh Trần Thanh Hùng cảm nhận: “Chuyến thiện nguyện lần này công lớn nhất là chị Thy đã vận động anh Sinh - chị Thái nên chúng ta mới có chuyến đi này”. Vâng, họ - những người trong cuộc, biết trân trọng cảm ơn nhau…
Chuyến đi mà anh Hùng nhắc là đến với hai cơ sở chăm sóc và sinh sống của các bệnh nhân phong cùng gia đình ở huyện Di Linh. Cùng những tấm lòng cao cả là khoảng 40 triệu đồng hàng hóa. Tôi gặp lại soeur Mậu, người phụ nữ nổi tiếng, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - đang điều hành cơ sở 2. Gần 20 năm trước, từ đặt hàng viết sách về các gương phụ nữ điển hình của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, tôi đã viết về soeur Mậu. Tuổi đã cao, nhưng soeur Mậu vẫn rắn rỏi như hồi nào. Soeur cho biết: “Ở đây có nhà tình thương và cấp cho họ (các hộ bệnh nhân phong) một vài sào đất cho họ trồng bắp, trồng cà phê để tự nuôi sống. Hộ nhà nào muốn nuôi heo thì cơ sở cung cấp giống, cám trại cho tạm ứng, heo lớn bán trả tiền; lỗ thì thôi”. Tại cơ sở 2 có 56 hộ, trong đó 2 hộ người Kinh, 02 hộ có chồng là người Kinh và vợ là dân tộc thiểu số, còn lại là đồng bào dân tộc K’Ho, Châu Mạ; tổng số 175 nhân khẩu.
Tại cơ sở 01, soeur Tịnh cho biết có 50 bệnh nhân, tổng số 96 hộ, hơn 200 nhân khẩu, trong đó khoảng 60 trẻ em các lứa tuổi. Các bệnh nhân phong được vào ở và điều trị từ nhiều năm trước, vì vậy đến nay có rất nhiều hộ gia đình đã có đến thế hệ thứ ba ở trong cơ sở. Đặc biệt, có đến gần 20 người con của họ quay lại cơ sở sinh sống cùng với ba mẹ và trở thành nhân viên phục vụ cơ sở hoặc làm ở bên ngoài. Ngay cơ sở 02 có 23 nhân viên, chỉ có 6 soeur còn 17 người là con em của các bệnh nhân, đảm đương các công việc như bác sĩ, y sĩ, văn phòng,…
Hiện tại, 2 cơ sở còn có gần 10 cháu là con cái của các bệnh nhân phong đang theo học đại học, cao đẳng các ngành nghề cơ khí, xây dựng, y, sư phạm… tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi hỏi ước nguyện của soeur Mậu - người đầu tầu, gắn bó trọn đời hơn 70 năm với cơ sở chữa trị bệnh phong Di Linh này, vẫn thái độ tự tại và tấm lòng nhân ái ấy, soeur nói: “Bây giờ tôi mong họ được tiếp tục nâng cao đời sống gia đình, con cái học hành rồi nuôi cha mẹ chúng nó. Cuộc sống cứ ổn định dần dần là mừng rồi”.
Tại hai cơ sở, tôi cũng tranh thủ gặp một số bệnh nhân phong. Chị Nguyễn Thị Hay 45 tuổi, quê ở Bắc Ninh; ông Ha Bơi 75 tuổi, quê Đức Trọng, Lâm Đồng; hai vợ chồng ông K’Beo 76 tuổi, quê Đăk Nông; hai chị em gái Phượng - Quý 45 và 41 tuổi quê ở Bình Thuận… Họ được vào chữa bệnh từ rất lâu, người nhiều nhất đã hơn 50 năm, và hầu hết đã lành.
Trong buổi nhận quà, khuôn mặt ai cũng rạng ngời niềm hạnh phúc, tan đi những u uất của bệnh tình trong sâu thẳm, quên đi những dị tật tay chân đeo đẳng trên thân mình…Tất cả đều muốn ở lại cơ sở bởi nơi đây là những người đồng cảnh, đồng cảm, và chan hòa tình nhân ái bao la… Phượng đã lành bệnh, nhưng tay bị còng queo, bày tỏ niềm hạnh phúc thành lời với tôi: “Lâu quá rồi, thèm miếng bánh chưng năm nay có rồi. Thích quá !”…
Kết thúc mấy chuyến thăm viếng, anh Trần Thanh Hùng chia sẻ trên mạng xã hội của Nhóm thiện nguyện: “Sau chuyến đi thật nhiều ý nghĩa ngày hôm qua 21/1/2017, anh thấy tất cả chúng ta thật tuyệt vời. Sự có mặt của chúng ta trong các buổi trao quà để rồi chúng ta nhận lại một phần thưởng cao qúy. Phần thưởng đó là ánh mắt rạng ngời vui sướng của những bệnh nhân phong mà chân tay không còn nguyên vẹn; đó là tiếng cười hân hoan của những đứa trẻ nhận tấm áo, hộp sữa; đó lời cảm ơn chân thành mộc mạc mà cảm động của các bệnh nhân cũng như những người nhận quà...”.
Cùng với điểm đến là bệnh nhân phong, những ngày áp Tết và sau Tết Nguyên đán, Nhóm thiện nguyện còn đến nhiều địa chỉ khác. Họ khẩn trương, dừng các công việc của gia đình, và tích cực đồng hành đến với những thân phận yếu thế: cụ già neo đơn, bệnh nhân, người tàn tật, trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn… Những địa chỉ tình thương mà họ thường lui tới là Làng SOS, các trường tiểu học ở Đà Lạt; Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng; các hộ dân phường 7, phường 9 Đà Lạt; Cơ sở nuôi trẻ mồ côi Chùa Nguyên Không… Những phần quà đến với các mảnh đời cũng hết sức phong phú và phù hợp từng hoàn cảnh người nhận, bao gồm: gạo, dầu ăn, mì tôm, nước mắm, bột canh, tương, đường, sữa, bánh kẹo, áo quần…; và nấu suất ăn hay chương trình văn nghệ…
Cô Nguyễn Thị Ngọc - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Trường Tiểu học Phan Như Thạch bày tỏ cảm xúc sau chuyến đi cùng bạn bè đến với mấy chục bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện sáng ngày 2 Tết như thế này: “Ngày Tết ai cũng có thú vui riêng của mình nhưng có mấy ai nhớ đến những bệnh nhân…”. Sáng đó, mỗi bệnh nhân được nhận 500 ngàn đồng trong nguôi ngoai đau đớn về thể xác… Tôi hiểu, sự chia sẻ của Ngọc không chỉ với mọi người mà với chính cô ấy. Bởi, “tâm mình thêm một lần được an lạc” như cô Trần Công Nga từng cảm nhận… Vâng, Tết cổ truyền của dân tộc Việt trên vùng đất Nam Tây Nguyên đã, đang và mãi ấm lên bởi những tấm lòng đùm bọc cao cả của cộng đồng nhân ái…
ÐẠO PHAN