Trường Sa - bữa ấy mưa xuân có bay

09:02, 03/02/2017

Trường Sa, tết thường đến sớm và tết thường cũng lạ. Ở ngoài ấy, tết cũng có nghĩa là hội ngộ và chia ly, là mùa xuân xa cách của những người ra đảo, là ngày về sum họp gia đình sau đằng đẵng cách xa. 

Trường Sa, tết thường đến sớm và tết thường cũng lạ. Ở ngoài ấy, tết cũng có nghĩa là hội ngộ và chia ly, là mùa xuân xa cách của những người ra đảo, là ngày về sum họp gia đình sau đằng đẵng cách xa. 
 
Mang cây tết ra đảo. Ảnh: T.Linh
Mang cây tết ra đảo. Ảnh: T.Linh

Từng viên sỏi, từng mảnh san hô nơi đảo chìm Đá Đông chắc chắn sẽ là những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt trong tâm thức của Nguyễn Mậu Hùng. Tết này, cùng với nhiều cán bộ, chiến sĩ khác, Hùng sẽ được về quê sau tròn một năm đóng quân ngoài khơi xa. 
 
Trúng cử đại học, nhưng chàng trai quê ở Đắc Lắc lại đăng kí nhập ngũ để thỏa mãn ước mơ của mình (được làm lính Hải quân). Những tháng ngày ở Đá Đông, một hòn đảo chìm nhỏ đã cho em nhiều trải nghiệm, sự trưởng thành hơn trong cuộc sống để có thể viết tiếp ước mơ của mình. 
 
Ngày chia tay, sau những cái ôm thật chặt, nụ cười tạm biệt và cả những giọt nước mắt là những hẹn thề không nói thành lời. Họ chúc nhau tiếp tục vững bước trên con đường sắp tới, những người ở lại sẽ tiếp tục cống hiến, chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ.
 
Hành trang của những lính biển như Hùng không có gì, ngoài những kỷ niệm được cất giữ trong trái tim. Ở đó, có những ngày biển lúc bão giông, lúc êm đềm và có những ngày tuổi hai mươi căng tràn nhựa sống, hiến dâng cho Tổ quốc.
 
Trong hơi gió của biển, trong nghẹn ngào của nhớ nhung, trong cơn mưa vội ùa về quấn quýt, tận ngoài khơi xa ấy, hình như mùa xuân đã về rất sớm.
 
Mùa xuân đầu tiên
 
Mùa xuân thứ 20 nhưng lại là mùa xuân đầu tiên của hai chàng binh nhất Phạm Văn Canh (Bố Trạch - Quảng Bình) và Đinh Tiến Dũng (Nghĩa Hưng - Nam Định), hai em đều đóng quân ở một hòn đảo nhỏ mang tên Đá Lát.
 
Đặt chân lên đảo, vẫn còn chưa hết dật dờ sau hơn hai ngày trên biển, Canh nhoẻn miệng cười: Chắc rồi cũng quen thôi anh nhỉ (?!).
 
“Không xa đâu Trường Sa ơi…”, đừng nói vậy mà tội những người lính đảo, Trường Sa xa lắm. Ở đó cũng có bánh chưng, cũng có mâm cỗ ngày tết, cũng có những cành hoa hiếm hoi tô điểm, nhưng nỗi nhớ đất liền của những chàng tân binh như Dũng chắc sẽ không thể đong đếm. 
 
Nỗi nhớ xa nhà của Dũng và Canh, những chàng trai mới lớn trong sự bảo bọc của gia đình rồi cũng sẽ qua đi. Rất nhanh thôi, ngày trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ sẽ không hổ thẹn khi tự hào nói rằng, tôi đã từng sống những ngày tháng đẹp nhất của tuổi thanh xuân ngoài Trường Sa và đã góp một phần rất nhỏ công sức của mình cho biển đảo quê hương. 
 
Với họ, mùa xuân đầu tiên cũng là một mùa bắt đầu, bắt đầu cho cuộc đời, cho những tháng ngày sau này chưa bao giờ phải tự vấn, “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta…?”.
 
Đi chùa đầu năm ở đảo Trường Sa. Ảnh: T.Linh
Đi chùa đầu năm ở đảo Trường Sa. Ảnh: T.Linh

Nhớ mang một nhành hoa ra đảo
 
Phần lớn, người đến và rời Trường Sa đều mang theo một nhành hoa. Trong xa cách, có lẽ để thỏa nỗi nhớ nhung họ đều dồn yêu thương vào những mầm hoa do mình vun xới. 
 
Người rời đảo, chẳng ai không mang theo về một nhành hoa san hô, những nhành hoa thô ráp, thua xa yếu tố thẩm mĩ so với các mặt hàng mỹ nghệ được bày bán nhan nhản trong các cửa hàng lưu niệm ở phía ngoài quân cảng Cam Ranh. Nhưng có chứng kiến sự nâng niu của những người trở về từ đảo mới thấy, những bông hoa san hô ấy có hồn như thế nào. Những bông hoa ấy là kết tinh của muối mặn, của những giọt mồ hôi, của những ngày đương đầu với sóng gió, với những hiểm nguy thường trực, những nhành hoa vô tri ấy như chứa cả những nhớ nhung, giận hờn, xa cách, hạnh phúc, tự hào.
 
Quà ra đảo mùa xuân, chẳng có đào, mai, những loài hoa mỏng manh, dù có chở che cũng chẳng chịu được vài cơn gió nặng đầy hơi muối. Bông giấy, quất, mẫu đơn, xương rồng… những loài hoa “chịu thương, chịu khó” được người dân và cán bộ, chiến sĩ trên đảo ưa chuộng hơn. Cùng với bàng vuông, sắc tím của muống biển, những loài hoa ấy như con người ngoài đảo, luôn can trường với bão giông, mạnh mẽ vươn lên, để sống, chịu đựng và nở hoa.
 
Hạ sĩ Nguyễn Thái Hải (Đá Tây A) - chàng trai ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) trong lần đầu tiên ra đảo cũng mang theo một chậu xương rồng nhỏ gọn bằng lòng bàn tay nói với tôi rằng: “Chậu cây này sẽ sống cùng em trong suốt những ngày tháng ra đảo, em tin cây cũng sẽ lớn, sẽ cứng cáp, trưởng thành trong sóng gió giống như mình”.  
 
Xuân đến sớm nhưng không đi vội
 
Tết ở Trường Sa thường đến sớm, khi những chuyến tàu đầu tiên chở nặng nghĩa tình đất liền ra đảo, lúc ấy mùa xuân cũng về.
 
Hòa thượng Thích Tâm Tánh trụ trì chùa Trường Sa, Trung tá Đỗ Thế Tuyến - Đảo trưởng đảo Trường Sa và bé Hải Thùy trong ngày đầu năm mới. Ảnh: T.Linh
Hòa thượng Thích Tâm Tánh trụ trì chùa Trường Sa, Trung tá Đỗ Thế Tuyến - Đảo trưởng
đảo Trường Sa và bé Hải Thùy trong ngày đầu năm mới. Ảnh: T.Linh

Xuân Đinh Dậu đã là cái tết thứ ba, kỹ sư Nguyễn Phong Vũ - cán bộ của Trung tâm dịch vụ kỹ thuật hậu cần nghề cá ăn tết tại đảo. Như anh vẫn thường nói đùa, mình từ lâu đã xem là cư dân thực thụ của đảo rồi, vào bờ ăn tết có khi lại không quen.
 
Có ai lại không muốn một cái tết đoàn viên cơ chứ, một cái tết dẫu không no đầy nơi vùng quê nghèo vẫn cảm nhận được đầy đủ nhất sự ấm áp của bà con họ hàng, của tình làng nghĩa xóm. Không cần hỏi và thế nào đi nữa tôi vẫn biết những người như Vũ là những người đang phải hy sinh, anh ở ngoài ấy đón tết nhưng cũng chẳng có ngày nào rảnh rang. Tết với nhiều người, nhưng với những cư dân nghèo bám biển, triền miên tháng ngày vật lộn với sóng dữ, mệt nhoài mưu sinh đang rất cần những người như Vũ và trung tâm của anh.
 
Tết này cũng đã là mùa xuân thứ ba của Thái Nhật Trường, chàng ngư dân cùng gia đình đang sinh sống ở thị trấn Trường Sa. Còn chưa tiễn Ông Táo về trời, khi tàu cập bến, mang theo phong vị tết ở đất liền ra, anh đã sửa soạn bàn thờ, trưng cây mai với những bông hoa vàng rực làm bằng chất liệu lụa ra để trước sân. “Sửa soạn đón tết sớm để vơi đi nỗi nhớ quê”, anh nói với tôi vậy! 
 
Thái Bình Hải Thùy - bé gái vừa tròn 18 tháng tuổi, con gái anh Trường đã có mùa xuân thứ hai ở đảo. Bé là công dân thứ hai đúng nghĩa của thị trấn Trường Sa, nơi em được sinh ra, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nơi tuổi thơ em thuộc về.
 
Mùa xuân ở Trường Sa thường đến sớm, đúng thôi, xuân về để những người nơi đây khỏa đi phần nào nỗi nhớ. Nhưng với những công dân đặc biệt như Hải Thùy, ngoài đảo xa ấy sẽ vẫn có những mùa xuân ở lại, có những con người nối tiếp để vẽ lên những cung bậc của mùa xuân.
 
Làm gì có mưa xuân phơi phới bay, chỉ có những cơn mưa biển ầm ào, đến và đi thường rất vội, người dân ở đảo bảo rằng, đấy là mưa xuân, tết đã về từ lâu lắm rồi.
 
TUẤN LINH