(LĐ online) - An toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần cải thiện sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi; đồng thời còn liên quan đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế và an sinh xã hội...
(LĐ online) - An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần cải thiện sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi; đồng thời còn liên quan đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế và an sinh xã hội... Bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm gây ra không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và cuộc sống của mỗi người, mà còn gây thiệt hại về kinh tế - xã hội, là gánh nặng chi phí trong chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.
Với tầm quan trọng của ATTP, ngày 21 tháng 10 năm 2011 Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 08 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới. Sau 5 năm thực hiện, nhận thức của xã hội về ATTP đã chuyển biến mạnh; công tác quản lý nhà nước và bảo đảm ATTP có nhiều tiến bộ; đã hình thành các mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; một số doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; nhiều hàng hóa thực phẩm sản xuất trong nước đạt chuẩn quốc tế về ATTP…
Tuy nhiên, công tác ATTP vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, gây bức xúc, lo lắng toàn xã hội; là nguy cơ nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, an toàn sinh mạng của người dân và sự phát triển bền vững đất nước. Nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún nên việc kiểm soát an toàn vệ sinh rất khó khăn; công tác quản lý còn nhiều yếu kém, bất cập (thể chế và thực thi pháp luật, nguồn lực và đầu tư kinh phí…) và chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; công tác tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức, thông tin không chính xác, thiếu căn cứ khoa học đã tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của nhân dân vẫn còn xẩy ra.
Trên cơ sở đánh giá sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 08, ngày 19/1/2017 Ban Bí thư khóa XII đã ban hành Kết luận số 11- KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới.
Kết luận của Ban bí thư nêu rõ: ATTP có tầm quan trọng sống còn đối với sức khỏe, hạnh phúc của từng người dân, giống nòi dân tộc và sự phát triển đất nước ta; trở thành thách thức an ninh phi truyền thống. Bảo đảm ATTP là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa lâu dài; là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm ở các cấp. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm ATTP trên địa bàn; đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các phương tiện truyền thông để bảo đảm ATTP ở tất cả các khâu từ sản xuất, kinh doanh, chế biến đến tiêu dùng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở phải kiên trì, kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; toàn hệ thống chính trị và toàn dân cần chủ động, sáng tạo, tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ này.
Thực hiện Kết luận số 11- KL/TW, ngày 07/3/2017 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 20-KH/TU để triển khai thực hiện. Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định rõ mục đích, yêu cầu là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức và xã hội về vị trí, vai trò của ATTP đối với sức khỏe nhân dân và sự phát triển kinh tế, xã hội; từ đó tăng cường công tác chỉ đạo triển khai thực hiện, đưa các tiêu chí về ATTP vào kế hoạch phát triển KT –XH của địa phương, đồng thời tiếp tục quán triệt sâu rộng Chỉ thị 08-CT/TW, Kết luận 11-KL/TW và triển khai thực hiện có hiệu quả về đảm bảo ATTP.
Vệ sinh ATTP chủ yếu liên quan đến hàng hoá là lương thực, thực phẩm và hoạt động sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm. Do đó, để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 11 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cần chú trọng một số giải pháp chủ yếu là:
Trước hết, phải đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về ATTP cho người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng, nhằm làm thay đổi hành vi, nâng cao ý thức về ATVSTP và ý thức lựa chọn thực phẩm an toàn. Kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến để khuyến khích những hành vi tích cực; đồng thời phê phán những hành vi sai trái để ngăn chặn, hạn chế tiêu cực. Tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật về ATTP, kỹ năng lựa chọn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng phương pháp sản xuất theo quy trình an toàn…
Thứ hai, tình trạng vi phạm ATTP hiện nay chủ yếu là do cơ chế phối hợp thiếu đồng bộ giữa các ngành có liên quan. Từ đó, đòi hỏi ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Công thương cần quản lý chặt chẽ việc sử dụng các thuốc, hoá chất, phân bón dùng trong sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng; quản lý, kiểm tra, giám sát ô nhiễm sinh học và hoá chất tồn dư trong nông sản, động vật; định hướng xây dựng vùng trồng rau an toàn và vùng chăn nuôi an toàn; mô hình trang trại, liên kết sản xuất, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo các tiêu chuẩn quy định và gắn liền với thương hiệu sản phẩm... Ngành Y tế cần có biện pháp quản lý chặt chẽ ATVSTP; tăng cường năng lực kiểm nghiệm chất lượng ATVSTP; xây dựng hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm...UBND các cấp chịu trách nhiệm quản lý ATTP trên địa bàn, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, tại các chợ và các đối tượng theo phân cấp quản lý.
Thứ ba, tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, nhất là đối tượng tái phạm về vệ sinh ATTP; kết hợp giữa kiểm tra, xử lý với thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm loại bỏ dần những cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm, những sản phẩm không an toàn. Nâng cao hơn nữa cộng đồng trách nhiệm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội trong công tác quản lý nhà nước về ATVSTP.
Thứ tư, xây dựng và triển khai các đề án đảm bảo VSATTP tại các làng nghề, tạo điều kiện cho các hộ gia đình có đủ điều kiện chấp hành các quy định về giấy phép VSATTP. Củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP; cần thành lập một lực lượng quản lý chuyên ngành ATTP các cấp đủ mạnh để giải quyết hiệu quả những vi phạm và những vấn đề đặt ra, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSTP.
Thứ năm, một mặt đảm bảo ngân sách cho hoạt động quản lý nhà nước về ATTP; mặt khác cần đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa công tác ATTP, phát huy vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp, các đoàn thể, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân đầu tư cho công tác quản lý chất lượng VSATTP; đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu về VSATTP các tuyến đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đủ khả năng quản lý và điều hành các hoạt động về ATTP.
ATTP có tầm quan trọng đặc biệt, là một nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của toàn xã hội. Có như vậy mới được ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất ATTP; tiến tới tất cả thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng trên đất nước Việt Nam đều là thực phẩm an toàn như mục tiêu Kết luận số 11 của Ban Bí thư đã đề ra.
KHÁNH LINH