Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Đà Lạt thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, xuyên suốt quá trình sử dụng ngân sách nhà nước, từ khâu giao dự toán, lập dự án… nên mang lại hiệu quả rõ nét trong quản lý, sử dụng ngân sách và mua sắm tài sản công.
Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Đà Lạt thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, xuyên suốt quá trình sử dụng ngân sách nhà nước, từ khâu giao dự toán, lập dự án… nên mang lại hiệu quả rõ nét trong quản lý, sử dụng ngân sách và mua sắm tài sản công.
Nhằm góp phần thực hiện tốt Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, an sinh xã hội của thành phố được đảm bảo, những giải pháp quan trọng được Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Đà Lạt tập trung triển khai trong giai đoạn tới là: Tăng cường rà soát, phân loại nguồn thu, đối tượng thu để có biện pháp quản lý kịp thời; khai thác hết các khoản thu, chống thất thu về thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng công tác lập và phân bổ dự toán ngân sách của các đơn vị thụ hưởng ngân sách, cơ quan tài chính; cơ cấu lại các khoản chi thường xuyên của ngân sách địa phương một cách hợp lý nhất có thể; hạn chế tối đa cho việc đề xuất bổ sung kinh phí ngoài dự toán, thực hiện đầy đủ các khoản chi cho an sinh xã hội, bố trí cân đối vốn cho các công trình xây dựng cơ bản đã hoàn thành, các công trình chuyển tiếp thi công, đặc biệt là các công trình trọng tâm, trọng điểm... |
Trước tình hình kinh tế đất nước nói chung, tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt nói riêng còn gặp không ít khó khăn, công tác quản lý ngân sách là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ, tỉnh, các cấp lãnh đạo quan tâm chỉ đạo sát sao. Và, Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020 đã được ban hành tại Quyết định 2544/QĐ-TTg. Mục tiêu trong thời gian tới là đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; tập trung xây dựng các giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Tại Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Đà Lạt, nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được cấp ủy, chi bộ quan tâm chỉ đạo kịp thời và đã đạt hiệu quả rõ nét. Công tác quản lý chi ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố trong giai đoạn qua đã có chuyển biến đáng kể; tuy quy mô chi ngân sách không ngừng tăng lên, nhưng việc quản lý sử dụng ngân sách đã được thực hiện một cách chặt chẽ, hợp lý, hiệu quả hơn. Chi ngân sách bảo đảm nhu cầu chi phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - trật tự tại địa phương, bám sát kế hoạch thành phố giao.
“Công tác chi đầu tư phát triển đã tuân thủ các quy định của nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng, về cấp phát thanh toán vốn đầu tư, về quyết toán vốn đầu tư; từ đó góp phần hạn chế tối đa việc lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản ngay từ khâu quyết định đầu tư, bố trí vốn đầu tư, thực hiện đầu tư và thanh quyết toán vốn đầu tư”, ông Nguyễn Văn Sơn - Bí thư Chi bộ, Trường Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Đà Lạt cho biết.
Ngoài ra, việc triển khai kịp thời chính sách bảo trợ xã hội; hỗ trợ công tác phòng chống, khắc phục khi có phát sinh dịch bệnh và thiên tai, lũ lụt từ nguồn dự phòng ngân sách và quỹ phòng chống lụt bão của thành phố cũng được Phòng Tài chính - Kế hoạch thực hiện sớm. Và, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và tài chính theo Nghị định số 130/2005 và Nghị định số 43/2006 của Chính phủ đã giúp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương của thành phố hoạt động hiệu quả, chủ động hơn, thu nhập của người lao động ngày càng cao hơn.
Trong lĩnh vực mua sắm, quản lý sử dụng tài sản công, Phòng Tài chính - Kế hoạch đã thực hành tiết kiệm được 17 triệu đồng. Lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách tiết kiệm qua phân bổ dự toán là trên 32 tỷ đồng. Hàng năm, ngoài tiết kiệm 10% chi thường xuyên để chi lương còn tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên đối với các đơn vị sử dụng ngân sách để thực hiện điều hành chi. Bên cạnh đó, qua sử dụng, thanh quyết toán ngân sách nhà nước là trên 22 tỷ đồng; qua thanh kiểm tra là trên 800 triệu đồng. Riêng lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, thời gian qua, phòng đã thực hành tiết kiệm qua thẩm định dự án đầu tư khoảng trên 4,5 tỷ đồng; qua đấu thầu là trên 32 tỷ đồng; qua quyết toán dự án hoàn thành khoảng trên 5,6 tỷ đồng...
Những kết quả đạt được trong năm 2016 rất khả quan và có những chuyển biến đáng kể. Cụ thể trong năm 2016, ngân sách thành phố tiết kiệm qua giao dự toán là 8.371 triệu đồng, qua công tác đấu thầu là trên 5.500 triệu đồng, qua quyết toán dự án hoàn thành trên 538 triệu đồng. Đối với việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm, các đơn vị tiết kiệm được khoảng 10.000 triệu đồng để tăng thu nhập cho cán bộ công chức, viên chức.
Có thể nói, kết quả trên rất đáng được ghi nhận và thể hiện sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ phía Thành ủy - UBND thành phố Đà Lạt, sự hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản trên, cơ sở thực hiện quyết liệt nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng còn nhiều hạn chế. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, đôi lúc, đôi nơi nhận thức về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đầy đủ; một số đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hành tiết kiệm còn chung chung, thiếu cụ thể... nên kết quả từ việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
“Để tiếp tục động viên mọi nguồn thu cho ngân sách, trong những năm tới, TP Đà Lạt cần tiếp tục đổi mới chính sách động viên nhằm giải phóng và khơi thông các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư phát triển kinh doanh, đặc biệt là đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Muốn vậy, trước hết phải thực hiện có hiệu quả Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách…; đồng thời, các ngành chức năng trong hệ thống quản lý thu, chi ngân sách nhà nước cần tích cực hơn nữa trong việc thực hiện chương trình cải cách, sắp xếp lại bộ máy, thực hiện theo cơ chế “một cửa” với mục tiêu giảm bớt thủ tục giấy tờ, công khai minh bạch thủ tục, quy trình thu, áp dụng nhiều biện pháp nhằm khai thác nguồn thu hợp lý, chống thất thu trong mọi lĩnh vực…”, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm.
NGUYỆT THU