Từ lúc bước chân lên tàu 561 để bắt đầu hải trình, tôi nghe cái tên An Bang được các phóng viên và các thủy thủ trên tàu nhắc đến nhiều nhất. Các phóng viên có kinh nghiệm thì mong một lần được đặt chân đến "tiên nữ An Bang" nổi tiếng sóng gió nhất trong quần đảo, còn các thủy thủ thì tỏ ra lo lắng vì nhiều đoàn đi không thể vào được hòn đảo đặc biệt ở cực Nam này.
Đội “đặc nhiệm ghìm sóng” ở An Bang
[links()]
Từ lúc bước chân lên tàu 561 để bắt đầu hải trình, tôi nghe cái tên An Bang được các phóng viên và các thủy thủ trên tàu nhắc đến nhiều nhất. Các phóng viên có kinh nghiệm thì mong một lần được đặt chân đến “tiên nữ An Bang” nổi tiếng sóng gió nhất trong quần đảo, còn các thủy thủ thì tỏ ra lo lắng vì nhiều đoàn đi không thể vào được hòn đảo đặc biệt ở cực Nam này.
Bởi thế mà những ngày cuối của hải trình, chờ đợi đoàn công tác quyết định có cho phóng viên được cùng lên đảo An Bang hay không là những ngày hồi hộp, Trưởng đoàn công tác - Đại tá Phan Ngọc Quang, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân nói với cánh báo chí: “Biển cả luôn đầy bí ẩn mà, hôm nay xanh trong yên ả thế, có khi ngay ngày mai sóng gió đã nổi bão giông ầm ầm rồi, tùy thuộc vào thời tiết rất nhiều”. Nhưng rồi đổi lại sự mong chờ của chúng tôi là những điều thật đặc biệt ở An Bang, dấu ấn không thể quên trong suốt hải trình. Nhất là “đội đặc nhiệm” chỉ có ở An Bang.
|
“Đẹp dịu dàng tiên nữ An Bang”. Ảnh: D.T |
Hòn đảo “bão tố”
An Bang là hòn đảo nổi ở cực Nam quần đảo Trường Sa cách đảo Trường Sa 75 hải lý về phía Đông Nam, cách đảo Thuyền Chài hơn 20 hải lý về phía Tây Nam. Đảo nằm dài theo hướng Bắc - Nam, với diện tích nổi và thềm san hô khoảng 2,1 km2. Nơi này nổi tiếng về mức độ khắc nghiệt của khí hậu, dữ dội của sóng biển mà mỗi người lính Trường Sa khi nhắc đến “sóng gió An Bang” đều phải “giật mình”, có rất nhiều câu chuyện được kể khi nhắc đến hòn đảo này.
Tàu 561 thả neo cách đảo An Bang chừng 2 hải lý, thuyền trưởng tàu - Đại úy Hoàng Đình Duyến chỉ cho tôi vị trí chấm tọa độ rồi lo lắng: “Thường thì sóng gió lớn là không thể vào đảo này, hòn đảo “bão tố” vì các thềm san hô đứng ở đây nên tàu không thể nào vào gần được. Nếu thời tiết thuận lợi thì hàng hóa và người sẽ đi xuồng chuyển tải vào, nhưng mùa cuối năm thường sóng gió lớn nên nguy hiểm tăng thêm nhiều phần”. Cũng cùng lo âu với người thuyền trưởng, trưởng đoàn công tác đưa ra thông báo: “Sáng sớm mai sẽ thông báo danh sách những người được cùng lên đảo, nếu sóng lớn thì chỉ một vài người đi để đảm bảo an toàn”.
Nhìn từ xa, đảo An Bang nổi lên như một tòa lâu đài giữa biển với những dãy nhà màu vàng, hàng trụ quạt gió xoay tít và ngọn hải đăng cao vút phía xa. Xung quanh đảo là những triền cát trắng mịn, đảo có diện tích hẹp, rìa đảo là vực sâu hun hút tạo ra những con sóng như một gọng kìm bao vây đập liên tục vào đảo. Điều đặc biệt là đảo An Bang tàu không thể vào neo đậu vì điều kiện đặc thù của thềm san hô ở đây, thềm san hô đứng, đá “mồ côi” nhấp nhô, tạo nên những con sóng cao 2-3 mét có thể quật bất cứ vật gì va vào đá. Mọi người chỉ cho tôi doi cát chìa ra bên cạnh đảo, đó sẽ là điểm tàu chuyển tải “bay” lên đảo. Càng lúc tôi lại càng tò mò, không hiểu sẽ “bay” lên đảo ra sao, chỉ biết ai cũng căn dặn phải mặc áo mưa và bọc các thiết bị trong túi ni lông để không bị ướt.
Đêm hôm đó là một đêm hồi hộp với nhiều phóng viên trên tàu, tôi nghe các thủy thủ trên tàu nói rằng: “Nếu đến được An Bang, nếm mùi sóng gió An Bang là xem như đã đi hết quần đảo Trường Sa rồi, đây là đảo khó vào nhất quần đảo”. Và buổi sáng hôm sau, cả tàu vỡ òa reo vui sau khi giọng thuyền trưởng cất lên trong loa thông báo: “Tất cả các phóng viên và đoàn công tác nhanh chóng chuẩn bị để xuống xuồng vào đảo”.
|
Đội đặc nhiệm kéo dây, đẩy xuồng đưa xuồng vào đảo. Ảnh: D.T |
Đội “đặc nhiệm ghìm sóng”
Sở dĩ vào “hòn đảo bão tố” mọi người đều phải đi xuồng chuyển tải (xuồng kéo) chứ không phải xuồng CQ (xuồng máy) là để đảm bảo an toàn, cũng là một cách “sáng tạo” của lính hải quân để đưa xuồng lên đảo. Chiếc xuồng máy rẽ sóng chạy phía trước kéo theo xuồng chuyển tải chở khoảng 15 người chúng tôi phía sau, vượt qua những thềm san hô, sóng lớn đánh lắc lư cả 2 chiếc xuồng, người lính lái xuồng máy phải thật kinh nghiệm, lựa ngay lúc sóng lớn đến, chạy thật nhanh qua khúc cua rồi ném dây vào cho những người lính đảo đang đứng chờ sẵn dưới nước. Con xuồng chuyển tải theo đà sóng, “bay” thẳng lên bãi cát, các lính đảo của đội “đặc nhiệm” cùng chạy ra, cứ thế kéo dây, đẩy xuồng để vào sát bên trong cho các phóng viên xuống. Thế là chúng tôi “bay” vào an toàn, mặc cho quần áo ai cũng ướt nhem vì sóng lớn, người leo xuống xuồng, người trên đảo mừng chảy nước mắt khi gặp nhau, dù chỉ là lần đầu gặp mặt.
Theo Đại úy, Chính trị viên đảo An Bang - Vũ Quang Minh: Vì đảo nằm trên thềm san hô dựng đứng, ra vào rất khó khăn nên quân nhân mới, cũ đều được giáo dục, huấn luyện mọi mặt, nhất là kỹ năng trên biển. Với đội “đặc nhiệm” đón xuồng đều là các chiến sĩ được huấn luyện thuần thục và tinh nhuệ kỹ năng đi xuồng, bắt dây, kéo xuồng lên đảo... Chỉ huy đảo thường xuyên huấn luyện thực tế trên biển và đặt ra yêu cầu cao cho đội công tác đặc biệt này. Chung nhất ở họ là ngoài kỹ năng bơi lội, kinh nghiệm đón sóng, nhìn con nước… còn là lòng dũng cảm, sẵn sàng đối đầu với hiểm nguy. Gọi là đội “đặc nhiệm” vì các đoàn công tác được đưa lên đảo trong điều kiện khó khăn như vậy quý mến mà đặt vậy thôi, chứ ở đây ai cũng có nhiệm vụ riêng cả.
Đội “đặc nhiệm” gồm 20 người, ai cũng sẵn sàng đối đầu nguy hiểm. Các anh chia sẻ, hôm nay đoàn vào thuận lợi chứ những lúc sóng lớn, lính đảo phải bơi ra xa bắt dây, cùng nhau đẩy thuyền vào hoặc đẩy thuyền ra lại trở về, sóng “táp” tới tấp vào mặt nhưng ai cũng gồng mình, phối hợp ăn ý để đẩy xuồng. Để đối mặt với sóng dữ, kỹ năng đón xuồng được người trước truyền kinh nghiệm cho người sau và câu chuyện về đội đặc nhiệm “ghìm sóng” cứ lưu truyền mãi bao thế hệ chiến sĩ của đảo như một huyền thoại về những người lính Hải quân kiên cường, dũng cảm nơi tiền tiêu Tổ quốc.
Những câu chuyện về đảo An Bang, những chiến sỹ Hải quân An Bang có lẽ sẽ còn được kể nhiều lắm, bởi những ai đã gặp họ không thể nào quên được “cú vượt sóng vào đảo” ngoạn mục chỉ có ở An Bang ấy. Và những ai đã đặt chân lên hòn đảo nhỏ này chắc cũng sẽ giống như tôi, cảm giác như sau một chuyến đi vất vả đã được trở về nguyên vẹn với biển, với quê hương, đồng bào - đồng chí thương quý bảo bọc nhau như ruột thịt.
Ghi chép: DIỄM THƯƠNG