Phân loại rác thải để xử lý ở nhà, định kỳ hàng tháng ra quân thu gom rác công cộng, trồng thêm cây xanh… Quảng Trị đang là xã đi đầu tại huyện Đạ Tẻh trong việc vận động dân cư trong cộng đồng cùng chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn.
Phân loại rác thải để xử lý ở nhà, định kỳ hàng tháng ra quân thu gom rác công cộng, trồng thêm cây xanh… Quảng Trị đang là xã đi đầu tại huyện Đạ Tẻh trong việc vận động dân cư trong cộng đồng cùng chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn.
|
Những con đường cỏ lạc sạch sẽ tại Quảng Trị. Ảnh: V.T |
Để các tuyến đường thôn thêm xanh
Theo chân chị Hoàng Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quảng Trị, Đạ Tẻh, chúng tôi đi thăm các con đường cỏ lạc trong xã. Đó là những con đường trải dài trong thôn, xóm với hai bên đường cỏ lạc lên xanh, trổ hoa vàng làm dịu bớt cái nóng mùa khô: “Tổng cộng có chừng 9 cây số đường đã trồng cỏ lạc hai bên như thế” - chị Tuyết cho biết.
Với 7 thôn, gần 680 hộ dân sinh sống, Quảng Trị là một xã thuần nông, từng là một xã đặc biệt khó khăn của Đạ Tẻh nhưng đã vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới trong cuối năm 2016 vừa qua.
Để có con đường cỏ lạc này, theo chị Tuyết, đã mất rất nhiều thời gian trồng và chăm sóc. Và không chỉ một mình Hội Phụ nữ xã mà còn nhiều đoàn thể khác trong xã cùng chung tay để xây dựng cảnh quan môi trường nơi đây luôn sạch đẹp bên cạnh nỗ lực phát triển sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng trong quá trình xây dựng nông thôn mới của xã.
Cụ thể, Mặt trận Tổ quốc xã chịu trách nhiệm vận động người dân trong xã trồng lại hàng rào, chỉnh trang khuôn viên sân nhà; Đoàn Thanh niên xã ra quân chăm sóc cây xanh và phát quang bụi rậm ven đường; Hội Người cao tuổi xã vận động toàn thể người dân không đốt vàng mã trên đường đưa tang.
Theo chị Tuyết, ban đầu Hội Phụ nữ xã phối hợp với Mặt trận chọn và phát động điểm mô hình trồng cỏ lạc kết hợp chỉnh trang hàng rào và khuôn viên dọc theo các tuyến đường tại Thôn 3 của xã. Tại đây, chính quyền thôn đã tổ chức gặp mặt các vị cao niên để trao đổi về cách trồng lại hàng rào, chỉnh trang cây xanh sân nhà sao cho đẹp, phù hợp với đặc điểm địa phương, phù hợp với quy ước khu dân cư. Sau đó, chính quyền Thôn 3 tổ chức họp thôn lấy ý kiến thống nhất của mọi người rồi đồng loạt ra quân. Khi mọi việc tiến triển tốt đẹp ở Thôn 3, xã mới bắt đầu triển khai rộng ra đến 6 thôn còn lại.
Cùng đó, việc phát quang cây xanh và bụi rậm trên các tuyến đường dọc thôn cũng được thanh niên và người dân các thôn định kỳ ra quân hàng tháng, không để ảnh hưởng tầm nhìn người tham gia giao thông. Các thôn cũng vận động các hộ dân trồng và chăm sóc số cây phân tán được cấp phát hằng năm trên các tuyến đường trong thôn, nhờ thế tỷ lệ cây sống rất cao.
Xử lý rác thải tại nhà
Một điều mà những người khách khi đến Quảng Trị rất dễ nhận thấy là những con đường nơi đây rất sạch, không có hoặc rất ít rác thải hay túi ni lông vương vất ven đường. Để duy trì được những con đường sạch như thế này, Hội Phụ nữ xã đã phải thử nhiều cách mới tìm ra được giải pháp phù hợp cho xã trong thu gom và xử lý rác thải như hiện nay.
Trước đây, theo chị Tuyết, người dân nơi đây cũng như nhiều vùng nông thôn khác thường ít quan tâm đến chuyện giữ vệ sinh môi trường chung cho nhau, nhiều nhà cứ đẩy rác thải sinh hoạt ra đường, vứt rác chỗ công cộng, dẫn nước thải thẳng ra đường, không khí nhiều nơi bị ô nhiễm bởi chăn nuôi, gây bức xúc cho các gia đình sống liền kề.
Xác định việc thay đổi ý thức người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường chung là một việc quan trọng và lâu dài nên Quảng Trị đặt công tác vận động dân lên hàng đầu, chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương cùng vào cuộc trong đó Hội Phụ nữ xã chịu trách nhiệm chính trong việc vận động thu gom rác thải.
Theo chị Tuyết, xã ban đầu đã đầu tư các cống bi đặt ở các tuyến đường chính làm điểm thu gom rác thải tập trung của từng cụm dân cư; yêu cầu người dân tập trung rác thải về đây, mỗi hộ đóng góp 10 nghìn đồng/ tháng để trả phí cho người vận chuyển rác đến bãi rác tập trung của huyện. Nhưng cách làm này không duy trì được lâu vì người dân nơi đây sinh sống khá phân tán, khó thu gom rác theo cách này.
Một giải pháp khác được thay thế và đến nay đã tỏ ra khá hiệu quả, đó là vận động các hộ dân phân loại và xử lý rác ngay tại nhà.
Hội Phụ nữ đến từng hộ dân vận động phân loại rác thải: rác hữu cơ dễ phân hủy được đào hố chôn lấp trong vườn nhà; rác thải vô cơ có thể tập trung lại một hố xa khu dân cư để đốt hoặc thu gom đưa đến các thùng rác công cộng để xã đưa về xử lý ở bãi rác tập trung của huyện.
Để thu gom rác thải công cộng trên các tuyến đường và chỗ công cộng, Hội Phụ nữ xã định kỳ vào ngày 25 hàng tháng tổ chức hội viên phụ nữ ra quân đồng loạt tại tất cả các chi hội trong xã. Rác thu gom được xử lý ở các hố rác công cộng. Các chi hội phụ nữ thôn cũng chịu trách nhiệm đến tận nhà để vận động những gia đình để nước thải sinh hoạt chảy ra đường phải đào hố xử lý nước; vận động các hộ chăn nuôi làm hầm biogas hạn chế mùi hôi.
Từ khi Quảng Trị phát động phong trào bảo vệ môi trường đến nay, theo UBND xã cho biết, đã có trên 90% số hộ dân trong xã đã thực hiện việc cải tạo sân vườn, chỉnh trang hàng rào, không để cổng ngõ lầy lội; trên 95% người dân nơi đây đã được sử dụng nước hợp vệ sinh; xã không có cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, mô hình nói không với việc rải vàng mã được người dân triệt để tuân thủ: từ năm 2012 đến nay, xã khi có người quá cố khi đưa tang không có trường hợp nào rải vàng mã trên đường giao thông.
“Tất cả cũng chỉ mong cho một môi trường sống sạch sẽ, thanh bình” - chị Hoàng Thị Tuyết chia sẻ suy nghĩ.
VIẾT TRỌNG