Hướng tới mục tiêu không còn bệnh lao vào năm 2030

08:03, 27/03/2017

(LĐ online) - Ngày 24/3 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới phòng chống lao để đánh dấu sự kiện ngày này vào năm 1882 khi Tiến sĩ Robert Koch phát hiện nguyên nhân gây ra bệnh lao - trực khuẩn lao. Đây là bước đầu tiên hướng tới chẩn đoán và chữa bệnh lao. 

(LĐ online) - Ngày 24/3 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới phòng chống lao để đánh dấu sự kiện ngày này vào năm 1882 khi Tiến sĩ Robert Koch phát hiện nguyên nhân gây ra bệnh lao - trực khuẩn lao. Đây là bước đầu tiên hướng tới chẩn đoán và chữa bệnh lao. 
 
Việt Nam đang hướng đến mục tiêu không còn bệnh lao vào năm 2030. Hàng năm cả nước đã phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc lao với tỷ lệ chữa khỏi cao trên 90% trường hợp mắc mới. Tình hình dịch tễ bệnh lao cao với 16.000 người chết vì lao hàng năm. 
 
Việt Nam hiện là nước đứng thứ 14/30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất trên thế giới và đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Mỗi năm có khoảng 130.000 người mắc lao mới, trong đó có 7.000 người mắc lao đồng nhiễm HIV; hơn 5.000 bệnh nhân lao kháng đa thuốc, có gần 6% là lao siêu kháng thuốc; số người mắc lao phổi chiếm hơn 1/2.
 
Tại Lâm Đồng, năm 2016 đã phát hiện, quản lý và điều trị cho 625 bệnh nhân lao mới các thể, trong đó có 321 bệnh nhân lao phổi mới chiếm tỉ lệ 25/100.000 dân, tỉ lệ bệnh nhân lao phổi được điều trị khỏi đạt 90%. 
 
Chương trình phòng chống lao tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát hiện thường quy, phát hiện chủ động; chú trọng chất lượng quản lý điều trị, giảm bỏ trị; duy trì và mở rộng điều trị bệnh phối hợp (như: lao/HIV, lao và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, lao kháng đa thuốc, lao trẻ em, lao trong các trại giam…). Triển khai Thông tư 04/2016/TT-BYT quy định về khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán BHYT liên quan đến chi phí khám chữa bệnh lao; đảm bảo người nghi lao, bệnh nhân lao dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ phòng chống lao và được hưởng chế độ BHYT.
 
AN NHIÊN