Chị sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, học ở TP Hồ Chí Minh, ra trường về công tác tại Đà Lạt nhưng gia đình thì ở TP Hồ Chí Minh. Với trình độ Dược sĩ chuyên khoa cấp I có nhiều cơ hội để làm việc gần nhà nhưng chị đã lựa chọn gắn bó với Đà Lạt và đồng hành với sự thành công của Công ty.
Chị sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, học ở TP Hồ Chí Minh, ra trường về công tác tại Đà Lạt nhưng gia đình thì ở TP Hồ Chí Minh. Với trình độ Dược sĩ chuyên khoa cấp I có nhiều cơ hội để làm việc gần nhà nhưng chị đã lựa chọn gắn bó với Đà Lạt và đồng hành với sự thành công của Công ty. Đó là DSCKI - Thầy thuốc Ưu tú - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar) Phạm Thị Xuân Hương.
|
DSCKI Phạm Thị Xuân Hương nhận giải thưởng Quest for Excellence Award cho loại hình Sản xuất nhỏ tại Lễ trao Giải thưởng GPEA năm 2016 được tổ chức nhân dịp Hội nghị Chất lượng Quốc tế lần thứ 22 của APQO. |
Nhiều nghiên cứu hữu ích cho Ladophar
Sinh năm 1965, học Đại học Y Dược (khóa học 1985-1990), ra trường DS Hương vào làm ở Công ty Dược - Vật tư y tế Lâm Đồng (Ladophar ngày nay) và chị không ngừng học tập nâng cao trình độ Dược sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Công nghiệp Dược - Bào chế - Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh (khóa học 2004 - 2006).
Vừa nhận danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú dịp 27/2 năm nay, nhìn lại quá trình công tác, DS Hương cho biết: “Năm 1991, sau khi ra trường, tôi về công tác tại Công ty Dược - Vật tư y tế Lâm Đồng, trải qua các vị trí công tác từ nhân viên bộ phận bảo quản, giao nhận thuốc đến các vị trí nhân viên nghiệp vụ, rồi quản lý cấp cao của Ladophar, tôi luôn luôn tìm tòi, ứng dụng các kiến thức chuyên môn vào thực tế công việc với hiệu quả cao”.
20 tỷ đồng đầu tư đổi mới trang thiết bị
Năm 2016, Ladophar đầu tư hơn 20 tỷ đồng cải tiến dây chuyền chiết xuất cao nâng chất lượng sản phẩm lên 1,5 lần về hàm lượng, sản lượng lá tươi đưa vào sản xuất tăng từ 17 tấn lên 30 tấn/ngày; Dây chuyền sản xuất cao khô được cải tiến cho chất lượng sản phẩm ổn định, năng suất tăng gấp 6 đến 7 lần; Cải tiến dây chuyền sản xuất thuốc nước, năng suất tăng gấp 3,5 lần so với dây chuyền cũ, từ dây chuyền này công ty tiếp tục cho ra đời những sản phẩm thuốc nước từ dược liệu khác như Eros For Men, Herbaga, các dược liệu từ Linh chi, Đẳng sâm, Đương quy, Vân mộc hương... Dây chuyền viên nang mềm đang chuẩn bị đưa vào vận hành, hứa hẹn sẽ cho ra đời những sản phẩm đa dạng từ dược liệu quý ở địa phương.
Sản phẩm được cải tiến quy trình như: Ống uống Actisô, từ dây chuyền sản xuất ống thủy tinh sang sản xuất ống PE khép kín, tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất; Cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm cao đặc Actisô, với công nghệ chiết xuất hiện đại từ Nhật Bản giúp gia tăng hàm lượng Cynarin lên 50%.
Ladophar vừa tung ra thị trường các sản phẩm mới: Herbaga được chiết xuất và pha chế từ các loại dược liệu quý, là sản phẩm thanh lọc cơ thể đầu tiên có dạng nước sẵn sàng hấp thu, cho tác dụng nhanh và hiệu quả. Eros For Men là sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho phái mạnh, giúp bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lý lẫn trí óc, giảm mệt mỏi, sản phẩm được chiết xuất từ 100% thảo mộc thiên nhiên. Kẹo Actisô là sản phẩm kẹo dược liệu tốt cho sức khỏe đầu tiên và duy nhất trên thị trường.
DH
|
Trong quá trình công tác tại bộ phận nghiệp vụ với nhiệm vụ: Phụ trách công tác quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc, nguyên liệu, hóa chất, y cụ cung ứng cho sản xuất và phân phối đảm bảo đủ thuốc cung ứng cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân trong tỉnh, DS Hương đã tiên phong trong việc xây dựng hệ thống bán lẻ đạt chuẩn. Từ nền tảng này, Ladophar là doanh nghiệp dược địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng và được Bộ Y tế thẩm định, cấp giấy chứng nhận “Chuỗi nhà thuốc DPP”, góp phần cho việc quản lý chất lượng cũng như giá cả thuốc lưu hành trên thị trường tỉnh Lâm Đồng được kiểm soát và ít có biến động.
Khi nhận nhiệm vụ: Lập kế hoạch sản xuất và cung ứng nguyên liệu cho sản xuất, DS Hương đã cùng với bộ phận nghiên cứu phát triển, bộ phận sản xuất nghiên cứu, tìm tòi thay thế các nguyên liệu, tá dược sản xuất thuốc mới trên thị trường phù hợp với quy trình sản xuất cũng như thiết bị của Công ty, để từ đó nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Chính trong quá trình làm việc này nhiều sáng kiến do DS Hương và các đồng nghiệp đưa ra được ứng dụng vào sản xuất như: Thay nguyên liệu sản xuất Vitamin B1 từ ThyaminClohydrat bằng ThyaminNitrat và từ đó xây dựng lại Phương pháp kiểm nghiệm mới phù hợp. Phát hiện quy trình kiểm tra chất lượng một số nguyên liệu chưa phù hợp trong quá trình cung ứng nguyên liệu sản xuất thuốc DEP, từ đó xây dựng lại quy trình kiểm tra phù hợp. Cùng với bộ phận sản xuất tham gia kết hợp với Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cải tiến quy trình bao màu của viên Cynaphytol và hoàn Actisô để giải quyết tình trạng bay màu và không đều màu...
Qua quá trình công tác, hàng loạt đề tài sáng kiến cải tiến do DS Hương và các cộng sự thực hiện đã được ứng dụng vào sản xuất và đưa ra thị trường như: Cải tiến các máy xay nguyên liệu để làm giảm tiếng ồn và tỷ lệ bụi, cải tiến quy trình sản xuất cao Actisô để nâng cao hàm lượng hoạt chất sau khi chiết và giảm thời gian cô, tiết kiệm nhiên liệu và công từ đó giảm được giá thành của sản phẩm. Nghiên cứu và đưa ra thị trường sản phẩm mới là Trà tươi Actisô, kết hợp giữa công nghệ chiết xuất dược phẩm và công nghệ sản xuất Trà Oloong từ dược liệu đặc sản của Đà Lạt là Atisô (sản phẩm đăng ký lưu hành trên thị trường: Trà tươi Actisô (Số ĐK: 28398 do Bộ Y tế cấp năm 2015). Nghiên cứu cải tiến Quy trình sản xuất cao mềm Actisô giúp giảm thời gian chiết, thời gian cô dẫn đến tăng năng suất và quan trọng hơn cả là hàm lượng hoạt chất Cynarin trong Cao Actisô tăng từ trung bình 5% lên 7 đến 8% và có thể hơn. Nghiên cứu quy trình sản xuất Cao Bột Dược liệu từ việc ứng dụng Công nghệ Sấy Vi sóng chân không thay cho công nghệ Sấy phun trước đó. Kết quả đề tài này tăng năng suất lên gấp hơn 1,5 lần, giảm tỷ lệ hư hao và quan trọng là hàm lượng hoạt chất rất cao so với công nghệ sấy cũ. Sản phẩm đăng ký lưu hành là Cao khô Actisô, Cao khô Diệp hạ châu. Cải tiến quy trình một số sản phẩm để tăng sản lượng, giảm chi phí nhân công như: Ống uống Actisô, Ống ladoCalci... Đề tài Nghiên cứu điều chế và tiêu chuẩn hóa hỗn dịch uống chứa Al(OH)3, Mg(OH)2 và Simethicon (Sản phẩm đăng ký lưu hành trên thị trường: Esogit, Esogas (Số ĐK: VD-14201-11, VD-14200-11 do Bộ Y tế cấp năm 2011).
Đường đến giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (GPEA)
Tháng 5/2003, với cương vị là Phó Giám đốc Công ty và là thành viên Hội đồng quản trị tư vấn công tác chuyên môn dược, DS Hương đã tham mưu cho nhà đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất dược phẩm đạt chuẩn GMP-WHO (Thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới) được Bộ Y tế thẩm định cấp phép sản xuất năm 2007 và Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên của khu vực Tây Nguyên có nhà máy sản xuất dược phẩm.
Nắm bắt được xu thế phát triển và chiến lược của ngành Dược Việt Nam, năm 2014 với cương vị là Tổng Giám đốc Ladophar, DS Hương đã mạnh dạn chuyển nhà máy sản xuất thuốc từ hóa dược sang sản xuất thuốc từ dược liệu, chủ yếu khai thác dược liệu thế mạnh của địa phương khi Lâm Đồng đã được Chính phủ phê duyệt là 1 trong 8 vùng phát triển dược liệu của cả nước. Cùng với việc đầu tư mới Nhà máy chiết xuất dược liệu và Nhà máy sản xuất trà thảo dược đạt chuẩn GMP-WHO tại Khu công nghiệp Phú Hội (Đức Trọng), hiện nay, Công ty Ladophar đang là một trong những đơn vị tiên phong của ngành Dược đầu tư phát triển dược liệu và cũng là một trong những đơn vị tiên phong đầu tư sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ dược liệu để cung cấp cho các nhà máy dược phẩm trong và ngoài nước.
Từ những sản phẩm thế mạnh của Công ty, DS Hương lên phương án cơ cấu lại mạng lưới bán hàng của Công ty trong và ngoài tỉnh, chuẩn hóa phân phối theo quy định của Bộ Y tế như: Tiêu chuẩn thực hành phân phối Thuốc tốt (GDP), thực hành tốt nhà thuốc (GPP) và đào tạo nhân viên chuyên nghiệp. Trong năm 2015, chị đã lãnh đạo, điều hành đầu tư xây dựng phần mềm quản lý sản xuất, kinh doanh. Phần mềm mới triển khai đã được kết nối toàn công ty với nhau; số liệu hàng hóa tồn kho; nhập, xuất đều được theo dõi, truy xuất bất cứ lúc nào giúp cho việc lập kế hoạch mua vào, dự trữ, điều chuyển trong toàn hệ thống linh hoạt và kịp thời; việc hạch toán kế toán kịp thời và chính xác, giảm thao tác thủ công, kết quả không còn phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người thao tác.
Với mục tiêu sản xuất, phân phối sản phẩm chất lượng, an toàn, trong mọi quy trình sản xuất, Ladophar đều chú trọng tới vấn đề tiêu chuẩn hóa. Theo đó, nhà máy sản xuất dược phẩm, phòng kiểm nghiệm, hệ thống kho bảo quản và hệ thống phân phối của Công ty sau quá trình xem xét, thẩm định đều đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt: WHO-GMP/GLP/GSP/GDP. Cùng với đó là hệ thống bán lẻ thực hành tốt, bảo quản tốt, phân phối tốt, đạt tiêu chuẩn “Chuỗi nhà thuốc GPP”. Đầu tư vào việc đổi mới, sáng tạo, tham gia các hoạt động năng suất chất lượng, áp dụng các hệ thống chất lượng như GMP WHO, ISO 22000, HACCP, GACP, VIETGAP, MFCA... và các công cụ cải tiến: 5S, KPIs...
Nữ Tổng Giám đốc Ladophar chia sẻ tâm huyết: Với định hướng xây dựng Ladophar trở thành công ty hàng đầu trong việc sản xuất các sản phẩm từ dược liệu, đặc biệt khai thác các loại dược liệu thế mạnh của Lâm Đồng, Đà Lạt (Actisô, diệp hạ châu...), Ladophar đã đầu tư triển khai vườn dược liệu Actisô theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ năm 2012, Ladophar đã có 1 - 2 ha Actisô đạt chuẩn GACP (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc). Hiện Ladophar đang có rất nhiều các sản phẩm từ cây dược liệu Actisô như: Trà Lado Actisô, trà tươi Actisô, cao lá tươi, cao đặc, cao khô, thuốc uống Actisô...
Các sản phẩm của Công ty sản xuất được sự tín nhiệm của người tiêu dùng, liên tục đạt danh hiệu Hàng Việt Nam Chất lượng cao từ năm 2005 - 2015, liên tục đoạt giải Bạc Chất lượng Quốc gia từ năm 2012 - 2014. Đặc biệt, 2 năm liên tiếp 2015 -2016, Ladophar nhận giải Vàng Chất lượng Quốc gia do Bộ Khoa học - Công nghệ trao tặng. Trên cơ sở này, Ladophar đã được Bộ Khoa học - Công nghệ đề cử tham gia và đoạt giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (GPEA) do Tổ chức Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương (APQO) xét duyệt và trao tặng vào cuối năm 2016.
Theo đó, Việt Nam có 3 doanh nghiệp đoạt giải thưởng GPEA năm 2016 trong số 30 doanh nghiệp được đề cử từ 10 nước châu Á - Thái Bình Dương. Ladophar là một trong ba doanh nghiệp trong cả nước vinh dự đoạt giải GPEA năm 2016, cụ thể là đoạt Quest for Excellence Award cho loại hình Sản xuất nhỏ. Cho đến nay, Việt Nam mới chỉ có 40 doanh nghiệp đoạt giải GPEA. Giải thưởng GPEA là giải thưởng danh giá mà các công ty lớn ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đều hướng tới và mong muốn đạt được bởi lẽ các tiêu chí đề cử tham gia rất khắt khe. Bên cạnh đó, các tiêu chí xét duyệt giải thưởng đều áp dụng theo các tiêu chí của Mô hình Giải thưởng Chất lượng Quốc gia Hoa Kỳ (Malcolm Baldrige).
Đã 26 năm gắn bó với Ladophar, gắn bó với Đà Lạt nơi chôn nhau cắt rốn của mình, DS Hương đã dũng cảm lựa chọn một hành trình ngược về cao nguyên, trong xu thế chất xám dược sĩ đều chảy về các vùng trũng - đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh. Một hành trình đầy bản lĩnh đã giúp chị cùng Công ty Ladophar không ngừng vươn tới thành công.
DIỆU HIỀN