Phụ nữ Tân Liên hỗ trợ nhau phát triển kinh tế

09:03, 01/03/2017

Những năm qua, Chi hội phụ nữ thôn Tân Liên (xã Tân Thành, huyện Đức Trọng) đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua bằng nhiều cách làm thiết thực và hiệu quả. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ và hội viên ngày càng nâng cao, góp phần vào sự nghiệp phát triển KT - XH của địa phương.

Những năm qua, Chi hội phụ nữ thôn Tân Liên (xã Tân Thành, huyện Đức Trọng) đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua bằng nhiều cách làm thiết thực và hiệu quả. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ và hội viên ngày càng nâng cao, góp phần vào sự nghiệp phát triển KT - XH của địa phương.
 
Chi hội phụ nữ thôn Tân Liên có 178 hội viên, trong đó có 52% dân tộc thiểu số phía Bắc vào sinh sống, lập nghiệp.
 
Với đặc thù là xã thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, các hội viên còn gặp nhiều khó khăn về vốn, kiến thức. Để hoạt động hội thu hút được chị em tham gia, chi hội phụ nữ thôn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đưa ra nhiều giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế. Cụ thể, tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền là 1.220 triệu đồng, giúp cho 60 chị em hội viên vay. Và từ số tiền được vay, chị em đã dùng để nuôi bò, trồng dâu nuôi tằm, cải tạo, chăm sóc cà phê…
 
Cùng với đó, chi hội còn phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt công tác vận động hội viên tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT tới hội viên để áp dụng vào sản xuất, từ đó nhiều hội viên được tiếp cận với các nguồn vốn cũng như kiến thức để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
 
Song song với đó, Chi hội phụ nữ thôn Tân Liên còn phát động phong trào xây dựng các loại quỹ để giúp chị em hội viên có hoàn cảnh khó khăn về vốn phát triển kinh tế như: Xây dựng tổ “10 giúp 1”, xây dựng tổ tiết kiệm, xây dựng tổ vần, đổi công...
 
“Trong thời gian qua, mỗi một mô hình đều mang lại hiệu quả nhất định. Đặc biệt, mô hình tổ vần công đã được thành lập từ nhiều năm trở lại đây, thu hút hơn 50 chị em hội viên trong thôn tham gia. Bình thường, chị nào cũng có công việc để làm, nhưng khi có thành viên nào trong tổ cần giúp đỡ thì chỉ cần gọi điện thoại, các chị sẽ thu xếp để tới giúp. Cứ thế, chúng tôi cứ giúp qua giúp lại mà chẳng nề hà gì, cũng chẳng lấy một đồng tiền công” - cô Hoàng Thị Quyết - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Tân Liên cho biết.
 
Nói về mô hình này, chị Triệu Thị Duyên - thành viên của tổ vần công cũng chia sẻ: “Nhà tôi cũng có vài sào cà phê, vào vụ thu hoạch mà hái không kịp thì lại gọi các chị trong tổ vần công đến giúp, rồi khi các chị cần người làm phụ thì tôi cũng sẵn sàng.
 
Bên cạnh những hoạt động trên, chi hội phụ nữ thôn cũng thường xuyên tuyên truyền lồng ghép kịp thời những nội dung mà các cấp hội triển khai, từ đó giúp hội viên nâng cao nhận thức, tích cực tham gia phong trào hội cũng như các hoạt động của địa phương. Trong 5 năm qua, có 95% gia đình hội viên đạt gia đình văn hóa.
 
Cùng đó, chi hội cũng thường xuyên đẩy mạnh phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc vận động xây dựng “5 không, 3 sạch”, xây dựng gia đình văn hóa, gia đình không bạo lực, phòng chống HIV/AIDS…”.
 
Có thể khẳng định, từ những hoạt động cụ thể, thiết thực và sự chủ động của chi hội phụ nữ thôn Tân Liên trong các phong trào thi đua, đã không chỉ thay đổi cách nghĩ, cách làm mà còn tạo điều kiện giúp chị em phát huy hết nội lực, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn.
 
THY VŨ