Mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc quản lý dạy thêm - học thêm, nhưng thời gian qua, tình trạng này vẫn còn diễn ra tràn lan, sai quy định. Vì vậy, Sở GDĐT Lâm Đồng đã tăng cường hơn nữa công tác quản lý để dạy thêm - học thêm đi vào nề nếp.
Mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc quản lý dạy thêm - học thêm, nhưng thời gian qua, tình trạng này vẫn còn diễn ra tràn lan, sai quy định. Vì vậy, Sở GDĐT Lâm Đồng đã tăng cường hơn nữa công tác quản lý để dạy thêm - học thêm đi vào nề nếp.
|
Ở bậc tiểu học không được phép dạy thêm - học thêm. Ảnh: T.Hương |
Không có khái niệm “dạy thêm - học thêm” ở tiểu học
Đó là khẳng định của nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GDĐT) Nguyễn Kim Long về vấn đề dạy thêm - học thêm ở bậc học này. Ông Long cho biết, từ trước đến nay, Sở GDĐT không cấp phép cho bất cứ trường hợp nào dạy thêm ở bậc tiểu học, cả trong và ngoài nhà trường.
Theo số liệu của Phòng Giáo dục Trung học, hiện trên địa bàn tỉnh có 128 cơ sở dạy thêm - học thêm ngoài nhà trường được Sở GDĐT cấp phép và quản lý, trong đó, Đà Lạt chiếm số lượng nhiều nhất với 73 cơ sở. Riêng các cơ sở thuộc Phòng GDĐT các huyện, thành phố cấp phép và quản lý vẫn chưa thống kê được. Đó là chưa kể đến vẫn có nhiều cơ sở và nhiều giáo viên tổ chức dạy thêm tại nhà chưa đăng ký cấp phép, dẫn đến việc quản lý dạy thêm - học thêm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. |
Trong Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT ban hành quy định về dạy thêm - học thêm nêu rõ: Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày… Trong công văn về việc tăng cường quản lý dạy thêm - học thêm được Sở GDĐT ban hành vào dịp đầu năm học 2016 - 2017 cũng có nội dung: Nghiêm cấm việc dạy thêm - học thêm đối với học sinh học 2 buổi/ngày và học sinh tiểu học.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tình trạng dạy thêm - học thêm vẫn còn diễn ra ở bậc tiểu học (kể cả đối với những học sinh vừa bước chân vào lớp 1) và cả ở những trường đã dạy học 2 buổi/ngày. Trước hết, phải kể đến nhu cầu của các bậc phụ huynh. Chị N.H - Phường 4 (Đà Lạt) có con đang học lớp 1. Mặc dù nhà trường đã tổ chức học 2 buổi/ngày nhưng cứ sau giờ học, chị lại chở con đến “gửi” nhà cô giáo chủ nhiệm để cô kèm thêm. “Con tôi tiếp thu chậm hơn các bạn, vì vậy, một tuần 3 buổi sau giờ học ở trường, tôi cho con đến nhà cô giáo học từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối. Biết là con cũng sẽ mệt nhưng vì muốn con theo kịp các bạn nên cả mẹ và con cùng phải cố gắng thôi”, chị N.H chia sẻ.
Bên cạnh đó, một số giáo viên đã chủ động “gợi ý” phụ huynh và học sinh về việc cho con đi học thêm ngoài nhà trường. Một phụ huynh có con học lớp 3 tại Đà Lạt cho biết, mặc dù không muốn cho con đi học thêm ở nhà cô giáo nhưng sau khi bắt đầu năm học mới vài tháng, nghe con kể khi học trên lớp không được cô mời phát biểu dù rất nhiều lần giơ tay thì phụ huynh này rất hoang mang, sợ con bị phân biệt đối xử nên cũng cho con đi học tại nhà cô.
Phân cấp quản lý dạy thêm - học thêm bậc trung học
Đối với cấp THCS và THPT, việc dạy thêm - học thêm phải được thực hiện theo đúng quy định của Bộ GDĐT. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng ban hành các Quyết định Quy định về dạy thêm - học thêm. Cùng với đó, Sở GDĐT cũng đã có các văn bản hướng dẫn về vấn đề này.
Việc quản lý dạy thêm - học thêm bậc trung học được phân cấp. Cụ thể: Sở GDĐT quản lý và cấp giấy phép dạy thêm - học thêm cho những trường hợp có nhu cầu và phải đảm bảo đúng quy định đối với cấp THPT; Phòng GDĐT các huyện, thành phố quản lý và cấp giấy phép dạy thêm - học thêm đối với cấp học THCS.
Sở GDĐT cũng đã ban hành công văn về việc tăng cường quản lý dạy thêm - học thêm, trong đó, giao trách nhiệm cho hiệu trưởng về việc tổ chức dạy thêm - học thêm trong nhà trường và phải chịu trách nhiệm về quản lý, giám sát giáo viên của đơn vị mình tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Đồng thời, chỉ đạo phòng GDĐT các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý dạy thêm - học thêm đối với các cấp học được phân cấp.
“Dạy thêm - học thêm là vấn đề ngành Giáo dục rất quan tâm. Thời gian tới, Sở sẽ tổ chức các cuộc kiểm tra đột xuất các cơ sở dạy thêm - học thêm và kiên quyết xử lý những trường hợp trái quy định, nhất là đối với bậc tiểu học. Tuy nhiên, phụ huynh và học sinh cũng cần cân nhắc kỹ và tránh tạo áp lực việc học thêm để đạt được hiệu quả”, ông Trần Đức Lợi - Phó Giám đốc Sở GDĐT nhấn mạnh.
Thiết nghĩ, dạy thêm - học thêm ở bậc trung học là nhu cầu có thật. Nhưng làm sao để dạy thêm - học thêm không trở thành vấn đề tiêu cực là điều đáng bàn. Trước hết, chính phụ huynh và học sinh phải xác định được nhu cầu học thêm chứ không nên chạy đua theo bạn mà không biết con em mình cần gì? Cùng với đó, các chế độ chính sách cho giáo viên phải đảm bảo để họ yên tâm với nghề và truyền đạt hết kiến thức cho học sinh ngay trên lớp chứ không làm “của để dành” cho những lớp học thêm. Đồng thời, trong kiểm tra, thi cử nên thực hiện “học gì thi nấy” để học sinh bám sát chương trình, không phải “chạy sô” đến các “lò luyện”.
TUẤN HƯƠNG