Tăng cường và quyết liệt ngăn chặn phá rừng

09:03, 01/03/2017

Trong tháng 2/2017, trên địa bàn toàn tỉnh, tuy số vụ vi phạm giảm 27 vụ (28,4%), nhưng diện tích rừng bị phá lại tăng lên 10.720 m2, bằng 16,2% so với cùng kì năm 2016. Diễn biến phá rừng cho thấy, cần tăng cường mạnh mẽ hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) và quyết liệt trong công tác kiểm tra, truy quét, nhất là những vùng rừng trọng điểm "nóng". 

Trong tháng 2/2017, trên địa bàn toàn tỉnh, tuy số vụ vi phạm giảm 27 vụ (28,4%), nhưng diện tích rừng bị phá lại tăng lên 10.720 m2, bằng 16,2% so với cùng kì năm 2016. Diễn biến phá rừng cho thấy, cần tăng cường mạnh mẽ hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) và quyết liệt trong công tác kiểm tra, truy quét, nhất là những vùng rừng trọng điểm “nóng”. 
 
Hệ quả của việc buông lỏng quản lý dẫn đến rừng ở Bảo Lâm bị tàn phá nặng nề là bài học đắt giá. Ảnh: M.Đạo
Hệ quả của việc buông lỏng quản lý dẫn đến rừng ở Bảo Lâm bị tàn phá nặng nề là bài học đắt giá.
Ảnh: M.Đạo
Diện tích rừng bị phá tăng hơn 16%
 
Tính trong 2 tháng đầu năm 2017, các đơn vị chức năng trên toàn tỉnh đã lập biên bản 173 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR). Trong đó, so với cùng kỳ, tháng 1 đã phát hiện lập biên bản 105 vụ vi phạm, diện tích bị phá giảm được 110.110 m 2 (bằng 85,26%), nhưng tháng 2, tuy số vụ giảm, diện tích rừng bị phá lại tăng lên 16,2%. Chúng tôi tiếp tục so sánh để thấy rõ mức độ thiệt hại về tài nguyên rừng do các đối tượng vi phạm vẫn đang tiềm ẩn nhiều phức tạp: hành vi khai thác rừng trái phép từ 17 vụ với hơn 78 m 3 (tháng 1) lên 27 vụ (39,7%) với 106,620 m 2; hành vi phá rừng trái pháp luật 24 vụ (hơn 19.000 m 2) trong tháng 1 và 20 vụ (29,4%) với hơn 66.000 m 2 trong tháng 2. Gỗ các loại đã được tịch thu qua xử lý trong tháng 1 là 95,669 m 3 và trong tháng 2 là 94,449 m 3
 
Thực tế cho thấy, công tác phối kết hợp kiểm tra ngăn chặn tuy đã được duy trì thường xuyên, nhưng các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng vẫn còn xảy ra. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật vẫn chưa thực sự thấm sâu trong nhận thức của cộng đồng nên hiệu quả chưa cao. Mặt khác, nhận thức của người dân cũng như việc tích cực tham gia công tác BVR và PCCCR còn hạn chế. Ở một số nơi, UBND cấp xã, đơn vị chủ rừng và các cơ quan liên quan chưa quan tâm đúng mức và cũng thẳng thắn nói rằng, tính quyết liệt trong thực hiện công tác quản lý, BVR theo chức năng, nhiệm vụ chưa cao. Quá trình thực thi nhiệm vụ trong công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý các đối tượng vi phạm vẫn còn thiếu những giải pháp và biện pháp hợp lý…
 
Đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp
 
Để ngăn chặn tình trạng xâm hại đến tài nguyên rừng hiệu quả hơn như nhiệm vụ chính trị của Trung ương cũng như của tỉnh đặt ra, cần sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu ở trên. Ví dụ, công tác tuyên truyền, vận động cần có phương pháp cụ thể, linh hoạt, tránh dàn trải. Việc phục bắt, triệt phá các nhóm đối tượng vi phạm, nhất là tại các vùng giáp ranh cần tăng cường về cường độ và đặc biệt nhiệt huyết, sáng tạo, bí mật, bất ngờ, quyết liệt và thực hiện nghiêm túc “5 không” trong tác nghiệp. 
 
Một vấn đề tồn tại tiếp tục cần khắc phục thực chất, có chuyển biến rõ rệt, đó là sự phối hợp giữa kiểm lâm-chủ rừng-chính quyền địa phương cấp xã và giữa kiểm lâm và công an. Thực tế ở một số nơi công tác này vẫn chưa tốt, thiếu thường xuyên và chưa có sự gắn kết nên không phát huy được tổng lực về sức mạnh. Việc phối hợp điều tra, xác minh, truy tìm để xử lý các “đầu nậu”, chủ đường dây mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép của các lực lượng chức năng chưa triệt để nên các hành vi vi phạm Luật còn diễn biến phức tạp. Nếu cả hệ thống chính trị ở địa phương cùng vào cuộc một cách trách nhiệm cao nhất thì tồn tại này sẽ được khắc phục nhiều.
 
Vẫn tiếp tục nêu lại tình trạng một số chủ rừng, nhất là các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng thực hiện dự án còn buông lỏng công tác BVR và PCCCR. Những đơn vị này còn thiếu lực lượng để tuần tra, ngăn chặn và dẫn tới xóa bỏ triệt để hành vi xâm hại tài nguyên rừng trên lâm phần được thuê. 
 
Tính đến nay, toàn tỉnh có 400 dự án, 334 doanh nghiệp đang triển khai đầu tư, với tổng diện tích 57.291 ha. Cũng đến thời điểm này, tổng số dự án đã thu hồi là 175 dự án với 25.650 ha, trong đó, 140 dự án thu hồi toàn bộ (bằng 22.889 ha) và 35 dự án thu hồi một phần với 2.761 ha. Những dự án buộc phải thu hồi là do các chủ đầu tư không triển khai thực hiện dự án hoặc triển khai chậm tiến độ; không tổ chức, bố trí lực lượng quản lý BVR, bị lấn chiếm trái phép lâm phần được giao mà không có biện pháp ngăn chặn… Tình trạng lơ là, buông lỏng, thậm chí có cả bàng quan của các chủ thuê rừng kéo dài nhiều năm nay, một phần do còn thiếu tính kiên quyết của các cấp thẩm quyền trong phê duyệt và rà soát kiểm tra sau giao. 
 
Câu hỏi đặt ra là: nghĩa vụ thực thi của chủ rừng và trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cấp thẩm quyền liên quan khi đặt trước những quy định của luật pháp đã thực hiện đến mức độ nào? Vì vậy, chẳng ngẫu nhiên mà một lãnh đạo ngành kiểm lâm đã không giấu niềm vui báo với chúng tôi rằng, tỉnh vừa thu hồi giấy phép của ba doanh nghiệp thuê rừng vì những tồn tại kéo dài nhiều năm nhưng không khắc phục . Những doanh nghiệp này đã không dưới một lần chúng tôi phản ánh trên mặt báo về việc tài nguyên rừng bị xâm hại nghiêm trọng. 
 
Rất cần sơ kết đánh giá việc thực hiện sự chỉ đạo 
 
Cùng với các Chỉ thị 12, 08, 1685 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị 30/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng ngày 26/3/2015; Chỉ thị 09/CT-UBND ngày 28/12/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng, đầu năm nay, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017… Nhiệm vụ quản lý, BVR, phát triển rừng ngày càng trở nên vô cùng quan trọng và đang là thách thức không nhỏ của cả hệ thống chính trị cũng như toàn dân. 
 
Chi cục trưởng Kiểm lâm Lâm Đồng Nguyễn Khang Thiên cho biết, Chi cục đang tích cực soạn thảo nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản 583/UBND-LN ngày 6/2/2017 về việc tham mưu xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư. Đồng thời, ngành kiểm lâm cũng đang triển khai nhiều nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới nhằm quyết tâm góp phần đẩy lùi tình trạng phá rừng một cách mạnh mẽ hơn nữa trên địa bàn toàn tỉnh. 
 
Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, chỉ một mình ngành kiểm lâm thì không thể và không bao giờ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Một trong những việc cần làm sớm, đó là tỉnh tổ chức sơ kết đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đã được chỉ đạo từ các văn bản của trung ương và địa phương đối với mọi ngành, mọi cấp liên quan và các địa phương. Qua công tác này, nhằm động viên, khen thưởng kịp thời những cá nhân, đơn vị, địa phương làm tốt, vừa có hình thức phê bình nghiêm túc những cá nhân và tập thể làm chưa tốt; đồng thời có những giải pháp hữu hiệu và thích ứng mới. 
 
MINH ĐẠO