Cuộc họp mặt truyền thống Hội LHPN giải phóng Khu VI trong kháng chiến chống Mỹ, lần thứ 5 tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng vào ngày 20 - 21/4 nhằm chào mừng kỷ niệm 42 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Bác Hồ và chào mừng thành công Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, diễn ra thật nồng ấm và chân tình với những câu thơ, hô bài chòi, ca vọng cổ vang lên, những tràng pháo tay động viên và tiếng cười khích lệ, ấm áp tình đồng đội.
Cuộc họp mặt truyền thống Hội LHPN giải phóng Khu VI trong kháng chiến chống Mỹ, lần thứ 5 tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng vào ngày 20 - 21/4 nhằm chào mừng kỷ niệm 42 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Bác Hồ và chào mừng thành công Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, diễn ra thật nồng ấm và chân tình với những câu thơ, hô bài chòi, ca vọng cổ vang lên, những tràng pháo tay động viên và tiếng cười khích lệ, ấm áp tình đồng đội.
|
Bà Hoàng Thị Dung - Trưởng Ban liên lạc Hội Phụ nữ kháng chiến Khu VI tặng hoa cho mẹ VNAH Nguyễn Thị Nhất. Ảnh: A.N |
Bà Hoàng Thị Dung - Trưởng Ban liên lạc Hội Phụ nữ kháng chiến Khu VI cho biết: “Hôm nay có 100 đại biểu tham dự họp mặt lần thứ 5 do tỉnh Lâm Đồng đăng cai, nếu đúng theo định kỳ 3 năm tổ chức họp mặt 1 lần thì đến năm 2018 mới có cuộc gặp mặt này. Nhưng theo nguyện vọng của các chị cán bộ phụ nữ Khu VI gồm 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận thống nhất 2 năm tổ chức gặp mặt 1 lần, vì để 3 năm họp mặt thời gian quá dài, phần lớn các chị tuổi đã cao sức yếu không dự họp mặt được”.
Vì cái hữu hạn của đời người, nên nhiều dì được mời lên phát biểu đều chia sẻ rằng, hôm nay, mình gặp nhau đây chứ không biết lần sau có còn sống để mà thấy nhau lần nữa. Cứ như lần cuối cùng hội ngộ vậy, nên các dì, các mẹ trao cho nhau những tâm tình nồng ấm như một thời máu lửa chiến trường không tiếc tuổi thanh xuân, chia ngọt sẻ bùi cùng đồng đội.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Hồng cũng đã sắp xếp công việc đến dự buổi gặp mặt các đồng chí, đồng đội năm xưa của mình, đã chia sẻ: Năm nay tới kỳ Lâm Đồng đăng cai gặp mặt phụ nữ kháng chiến Khu VI, theo sự phân công của Ban liên lạc phụ nữ Khu VI. Trong thời điểm này, tất cả các dì, các chị, các cô đều cũng lớn tuổi rồi, già yếu, tuổi cao sức yếu nhưng có được cuộc họp mặt tại tỉnh mình cũng đã là một điều rất là vui, phấn khởi đối với các cô, các dì. Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, đối với đội ngũ cán bộ phụ nữ của Lâm Đồng nói riêng và Khu VI nói chung cũng đã góp phần rất lớn trong các phong trào đấu tranh cách mạng của Khu VI cũng như của tỉnh nhà. Theo tôi thấy, chị em trong Hội cũng rất quan tâm đến chúng tôi, riêng đối với Hội LHPN Lâm Đồng, năm nào cũng có thăm hỏi, động viên đối với các cô, các chị trong thời kháng chiến. Điều đó, không phải riêng tôi mà các chị em đã nghỉ hưu rồi hoặc trong quá trình tham gia kháng chiến cũng có những thiệt thòi thì bây giờ còn sống được sự quan tâm của đoàn thể, của tổ chức Hội, nói chung là của Đảng và Nhà nước quan tâm. Hội có sự quan tâm để ý đến các cô, các chị trong hoàn cảnh tuổi già sức yếu là nguồn động viên các cô, các chị rất vui.
Bà Hoàng Thị Dung, sinh năm 1940 (năm nay 77 tuổi), hiện nay ở Bình Thuận, là Trưởng Ban liên lạc phụ nữ Khu VI, nhớ lại: Thời kỳ kháng chiến hào hùng của đất nước thì tôi cũng là một thanh niên từ cơ sở bên trong, vì căm thù giặc nên đi thoát ly để đánh giặc. Bây giờ, tôi nghĩ không biết sao hồi đó mình mạnh bạo, gan dạ như vậy, không sợ những gian khổ hy sinh và quyết chiến đấu đến cùng. Tôi làm công tác chính trị, hoạt động từ dưới xã rồi lên Khu VI, là Ủy viên Thường vụ, Thường trực Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Khu VI. Hồi đó vận động chị em, quần chúng rất khó khăn, lúc đó, địch nếu phát hiện được người cách mạng là chặt đầu, chém giết cho nên mình phải đi sâu nắm những gia đình cách mạng kiên cường xây dựng làm hạt nhân, từ một người lên đông người và lên hàng trăm, hàng ngàn người. Tôi vẫn còn nhớ vụ đấu tranh chống Mỹ ở La Gi - Bình Thuận khi lính Mỹ hiếp chết 2 mẹ con bà bạn tôi khi đang cấy lúa dưới ruộng, thì mình vận động cơ sở bên trong kể cả nam giới, kể cả người tu hành từ 200 người lên 300 người đến hàng ngàn người khiêng xác đi và tố cáo tội ác dã man của địch, đòi Mỹ cút khỏi Hàm Tân, Bình Tuy và bồi thường nhân mạng. Cuối cùng tên quận trưởng chấp nhận giải quyết và sau đó Mỹ phải cút khỏi Hàm Tân, Bình Tuy, đó là một trong những cuộc đấu tranh lớn. Giờ đây, đất nước đã thống nhất, hòa bình, tôi rất mong muốn thế hệ hôm nay kế tiếp, giữ vững truyền thống cha anh đã giành lại Tổ quốc, bây giờ phải gắng để mà học tập và có trình độ, đổi mới để xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Cũng như hôm nay, các cô đi họp mặt phụ nữ Khu VI, các cô già yếu rồi, không thể nào làm như hồi chống Mỹ được mà bây giờ phải chuyển lửa, giao cho thế hệ bây giờ như Ban Thường vụ Hội Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận - là 3 tỉnh của Khu VI trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mong các cháu, các em gánh vác, noi theo gót cha anh và phụ nữ khu VI để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác Hội trong thời kỳ mới.
Vui mừng trong ngày họp mặt, bà K’B’Rin ở Phường 1, Bảo Lộc, 68 tuổi cho biết: Tôi tham gia kháng chiến lúc 15 tuổi ở K1, K2 thuộc vùng Tân Rai - Bảo Lâm. Cuộc sống trước đây khổ lắm, người Châu Mạ ở trong rừng ăn muối, ăn mắm cũng không có mà ăn đâu, đến khi giải phóng rồi, Đảng ta đã vận động anh em bà con định canh định cư làm ăn, không đi phát rẫy phá rừng như trước, giờ tập trung ở tại chỗ. Ngày xưa, tôi ở Lộc Bắc bà con khổ lắm, bây giờ Thôn 4, Lộc Bắc làm cà phê, cao su, điều, trà có thu nhập. Nhờ giải phóng rồi nên chị em dân tộc rất yên tâm, hồi đó khổ cực rồi, không có gì ăn, giờ Đảng, Nhà nước đã quan tâm, nhà nhà đã có xe máy hết rồi, trước xe đạp không có mà đi, giờ đầy đủ một chút cũng cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm. Như bản thân tôi hồi đó đi hoạt động lúc 15 tuổi, đi suốt, theo đơn vị đi chống giặc giờ ở Bảo Lộc chứ gốc của mình là ở Lộc Bắc. Hồi đó rất khổ cực, bây giờ bản thân tôi được quan tâm đáp ứng rất nhiều, dân làng cũng được quan tâm rất nhiều, thay đổi từng ngày tôi thấy rất là mừng, phấn khởi. Kỷ niệm thời kháng chiến khó quên nhất là ăn củ chột nè, ăn đọt sapu nè, qua đèo qua sông suối, nhớ chị em lúc đi tải đạn chị này mang không nổi là chị khác phải gánh nhau giúp nhau mà đi, có chị không mang nổi phải khóc đấy, rồi là con vắt nó cắn cũng sợ, chị em cùng dắt mà đi, khó khăn như thế nhưng mình vẫn đi chớ vì chống Mỹ cứu nước mà, để buôn làng mình sung sướng mà!
Nếu có hỏi hết 100 đại biểu thì mỗi người là một câu chuyện đầy tự hào của thời kháng chiến gian khổ, anh dũng ở chiến trường Khu VI, và có một mẫu số chung đó là các mẹ, các dì cùng chiến đấu, hy sinh cho hòa bình thống nhất đất nước, để giờ đây, những lần gặp mặt họ lại sống hết mình với đồng đội thân yêu.
AN NHIÊN