Chiến sĩ thi đua ngành Y tế

10:04, 11/04/2017

Chuyên môn là kế toán, vậy mà, khi chuyển sang làm công tác tổ chức hành chính, không những sắm tròn vai, mà nhiều năm liền đều đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và của ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng; đó là chị Nguyễn Thị Tầm, nguyên Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lâm Đồng.

Chuyên môn là kế toán, vậy mà, khi chuyển sang làm công tác tổ chức hành chính, không những sắm tròn vai, mà nhiều năm liền đều đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và của ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng; đó là chị Nguyễn Thị Tầm, nguyên Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lâm Đồng.
 
Chị Nguyễn Thị Tầm đang trao đổi với tác giả
Chị Nguyễn Thị Tầm đang trao đổi với tác giả
Tôi đến nhà chị ở đường Phan Chu Trinh, TP Đà Lạt. Chị Tầm cũng đã về hưu được mấy tháng nay, nhưng nom vẫn trẻ trung đầy sức sống của một cán bộ mẫn cán, chẳng có dấu hiệu gì là nghỉ ngơi cả. 
 
“Chị là chiến sĩ thi đua thật à?”, tôi hỏi. “Chiến sĩ thi đua nhiều năm liền ấy chứ!”, chị Tầm cười tự nhiên. Tôi đưa mắt lướt qua tường nhà, toàn những tranh nghệ thuật. “Sao không thấy cái bằng khen nào?”, không phải tôi không tin, mà vì nó không giống nhiều gia đình khác. Chị lên gác ôm xuống một lô bằng khen. “Thế này thì anh bảo treo vào đâu cho hết!”. Tôi xem lướt qua rồi cuộn lại trao trả chủ nhân, rồi bảo chị cất đi làm kỷ niệm về một thời đã công tác hết mình cho ngành y tế.
 
Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lâm Đồng, nơi chị Tầm công tác, hình thành trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ em dị tật (Làng Hòa Bình Đà Lạt) và Viện Điều dưỡng tỉnh Lâm Đồng. “Quyết định sáp nhập hai cơ quan làm một bắt đầu từ năm 2001. Song, đấy mới chỉ đứng về mặt danh nghĩa, còn phải trải qua một quá trình thu xếp, xây dựng, củng cố thì bệnh viện mới được như hôm nay”, chị cho biết.
 
Theo chị Tầm, chẳng nói đâu xa, chỉ riêng về cơ sở vật chất, cả hai cơ sở trước đều không phù hợp với chức năng của một bệnh viện. Do đó, chị phải lên kế hoạch tham mưu cho lãnh đạo xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất cho phù hợp với công năng của một bệnh viện. Ngoài ra, chị Tầm còn phải lo xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, nhân viên bệnh viện để trình lãnh đạo xem xét đưa y sĩ đi học lên bác sĩ, bác sĩ học tiếp trên đại học; điều dưỡng viên trung cấp thành cử nhân điều dưỡng; kỹ thuật viên vật lý trị liệu trung cấp thành cử nhân vật lý trị liệu..., nhằm đáp ứng yêu cầu ngày một cao của công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Bên cạnh đó, công tác chuẩn hóa cán bộ cũng được chị xúc tiến đưa lên lãnh đạo bệnh viện: cử cán bộ đi học trung cấp chính trị, cao cấp chính trị, tin học, ngoại ngữ... để cập nhật kiến thức chuyên môn và tăng cường lực lượng quản lý. 
 
Với những cách làm trên, uy tín trong điều trị bệnh của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lâm Đồng ngày càng được nâng cao. Từ chỗ bệnh nhân thưa thớt thì nay càng đông. Nguồn thu của bệnh viện cũng từng bước được cải thiện.
 
“Nói gì thì nói, nâng cao thu nhập cho công nhân, viên chức là đảm bảo nhất để giữ chân họ, khiến họ yên tâm đem hết sức mình ra cống hiến”, chị Tầm chia sẻ.     
 
Kinh nghiệm những năm làm kế toán trưởng đã giúp chị quản lý tốt ngân sách và nguồn thu, hợp lý việc chi tiêu. Từ đó, các phong trào văn nghệ - thể thao được đẩy mạnh, hoạt động công đoàn tạo khí thế mới, chế độ ăn uống, nghỉ dưỡng, thuốc men của bệnh nhân được đảm bảo. “Nhiều cán bộ của bệnh viện trước kia chuyển đi nơi khác nay lại xin quay về”, chị hồ hởi.
 
Trong thời gian công tác, chị Tầm tham gia Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn ngành Y tế, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lâm Đồng và nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng...
 
B.NAM - T.CHU