Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa

08:04, 13/04/2017

Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa để quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, góp phần vào sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc là một nhiệm vụ vừa cấp bách vừa có tính chiến lược lâu dài.

Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa để quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, góp phần vào sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc là một nhiệm vụ vừa cấp bách vừa có tính chiến lược lâu dài.
 
Mở rộng tầm ảnh hưởng Festival Hoa Đà Lạt thành thương hiệu đặc trưng của Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: P.N
Mở rộng tầm ảnh hưởng Festival Hoa Đà Lạt thành thương hiệu đặc trưng của Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: P.N
Nền văn hóa Việt Nam trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã thể hiện bản lĩnh, sức sống mãnh liệt của một dân tộc, làm thất bại âm mưu đồng hóa văn hóa Việt Nam của các kẻ thù xâm lược. Đó là yếu tố hết sức quan trọng và có tính quyết định, giúp chúng ta thành công trên con đường hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, văn hóa truyền thống giàu bản sắc Việt Nam cũng có những mặt hạn chế cần phải khắc phục, đó là: Nền văn hóa nông nghiệp lạc hậu, tự cung tự cấp, khép kín… đã tạo nên tâm lý của người Việt là coi trọng đời sống tâm linh - tinh thần hơn đời sống kinh tế - vật chất; coi nhẹ, thậm chí có mặc cảm với hoạt động thương nghiệp (con buôn), từ đó kéo theo sự lạc hậu trong tư duy về kinh tế. Cũng chính vì thế mà trong lịch sử dân tộc, văn hóa pháp luật và văn hóa kinh doanh không có điều kiện phát triển mạnh, thậm chí bị thiếu hụt. Đây là một trong những điểm hạn chế của sự phát triển kinh tế đất nước thời kỳ hội nhập.
 
Hơn 30 năm đổi mới, bên cạnh việc tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đất nước ta cũng đã chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa và đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Tuy nhiên, so với hội nhập về kinh tế, việc đánh giá về hội nhập văn hóa còn có nhiều ý kiến khác nhau, chưa được đồng thuận cao. Điều đó chứng tỏ quá trình hội nhập văn hóa vẫn còn có những vấn đề hạn chế. 
 
Từ thực tế đó, chiến lược văn hóa đối ngoại đã đặt ra yêu cầu: vừa tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, vừa chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa; phải xem đẩy mạnh phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, làm nền tảng, cơ sở vững chắc không chỉ cho hội nhập văn hóa mà cả cho hội nhập kinh tế; không được hoàn toàn đóng cửa nền văn hóa, mà chủ động chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú, giàu có thêm, hiện đại hơn nền văn hóa của dân tộc. Đây là chủ trương, là tư tưởng đúng đắn, bởi giữ được bản sắc của nền văn hóa dân tộc, chính là giữ được bản lĩnh dân tộc để hòa nhập mà không bị hòa tan. 
 
Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng cũng nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong giai đoạn chủ động và tích cực hội nhập quốc tế: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa. Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện…”. 
 
Để thực hiện thắng lợi Chiến lược văn hóa đối ngoại và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập văn hóa nói riêng phải chủ động, tích cực, trong đó cần chú trọng một số vấn đề sau đây:
 
Trước hết, trong tư duy lãnh đạo, quản lý, tư duy của doanh nghiệp, cũng như của từng con người không thể không coi trọng tư duy về văn hóa hội nhập, nghĩa là khi tham gia vào một thế giới phẳng, trở thành “công dân toàn cầu” thì buộc phải hòa mình vào hệ thống quốc tế, tuân theo những “thông lệ quốc tế” và yêu cầu về văn hóa pháp luật cần được đưa lên vị trí ưu tiên. Theo đó, cần xây dựng một văn hóa pháp luật phù hợp với yêu cầu của hội nhập, làm cho “pháp luật nước ta tương thích với luật pháp quốc tế”; đồng thời tiếp thu những thành tựu của văn hóa pháp luật nước ngoài để làm sâu sắc hơn văn hóa pháp luật truyền thống Việt Nam. 
 
Thứ hai, trong tiến trình hội nhập khu vực và thế giới, một mặt chú trọng rèn luyện cho các chủ thể kinh doanh về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, truyền thống trọng đạo lý làm người; biết coi trọng lợi ích quốc gia, dân tộc khi hoạt động trên thương trường quốc tế. Mặt khác, cần học tập, tiếp nhận cái hay, cái mới của nền văn hóa khác, như tác phong công nghiệp, thói quen quý thời gian, trọng luật lệ và sự cam kết, khắc phục được kiểu làm ăn thiển cận; xử lý hài hòa, thỏa đáng mối quan hệ giữa đạo đức và kinh doanh… Tiến tới hình thành văn hóa kinh doanh Việt Nam vừa mang bản sắc tinh hoa văn hóa kinh doanh truyền thống Việt Nam là yêu nước và tinh thần đoàn kết cộng đồng, vừa phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
 
Thứ tư, văn hóa Việt Nam cần có những đóng góp vào đời sống văn hóa thế giới được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam phát triển, định vị văn hóa và sáng tạo như những thành tố then chốt của các thành phố lớn, để có thể trở thành các trung tâm về kinh tế - văn hóa sáng tạo ở khu vực cũng như thế giới.
 
Thứ năm, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa nhằm hướng tới mục tiêu vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngoại giao vừa thúc đẩy phát triển văn hóa đất nước. Ngoại giao văn hóa sẽ là yếu tố thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế; góp phần giới thiệu đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới; là công cụ vận động, hỗ trợ và đồng hành để đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa, tư tưởng nhân văn, giá trị đạo đức, tri thức, khoa học tiên tiến trên thế giới để làm cho nền văn hóa dân tộc ngày càng đa dạng, phong phú, hiện đại và giàu đẹp hơn… Như vậy, ngoại giao văn hóa “là nền tảng tinh thần của hoạt động đối ngoại”; phải thực hiện chức năng “soi đường cho quốc dân đi” trong hội nhập quốc tế. 
 
Riêng tỉnh Lâm Đồng với tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp công nghệ cao, du lịch - dịch vụ và sự phong phú, đa dạng về văn hóa, bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chính trị, kinh tế, chúng ta cần coi trọng hơn nữa về trao đổi, giao lưu văn hóa, khai thác và phát huy tính đa dạng, phong phú của văn hóa bản địa để thu hút khách du lịch quốc tế; mở rộng tầm ảnh hưởng của Festival Hoa Đà Lạt, trở thành thương hiệu văn hóa đặc trưng mà thế giới biết đến; xây dựng các thương hiệu sản phẩm thế mạnh của tỉnh thực sự mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng… Văn hóa phải trở thành một kênh hội nhập thế mạnh của tỉnh, góp phần thúc đẩy hội nhập chính trị, kinh tế… 
 
Là đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời lại phải hứng chịu nhiều đau thương, mất mát do các cuộc chiến tranh ngoại xâm gây ra, nên hơn ai hết dân tộc ta hiểu rõ giá trị của hòa bình và hữu nghị - nhân tố để giữ gìn, phát huy và phát triển văn hóa dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.
 
KHÁNH LINH