Xã Liên Hà, vùng đất ví như trái na vừa mở mắt có diện tích tự nhiên gần 5.200 ha, với 2.397 hộ, trên 10.000 nhân khẩu khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến một sự thay da đổi thịt từng ngày.
Xã Liên Hà, vùng đất ví như trái na vừa mở mắt có diện tích tự nhiên gần 5.200 ha, với 2.397 hộ, trên 10.000 nhân khẩu khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến một sự thay da đổi thịt từng ngày. Hiện xã có 9 dân tộc anh em sinh sống thuận hòa, đời sống sản xuất nông nghiệp thuần túy và dựa vào cây chủ lực là cà phê, bên cạnh đó, hồ tiêu, dâu tằm, mắc ca cũng đang được “điền” vào những khoảng trống của đất.
|
Anh Cường (trái) bên đàn bò đang phát triển tốt của gia đình. Ảnh: Đ.T |
Đồng chí Nguyễn Văn Tám - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Trước đây nghèo khó lắm, đường sá khó khăn, bây giờ đã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới, con em ai cũng được học hành, người dân không phải chạy vạy lo từng bữa nữa”.
Chúng tôi ghé vào gia đình anh Đào Tuấn Cường (1976, trú thôn Đạ Sa) người dân tộc Tày được anh cho biết: “Tôi theo cha mẹ vào đây lập nghiệp đến nay ngót nghét đã 16 năm, đất đai ở đây phì nhiêu, chỉ cần cần cù lao động thì khấm khá. Ngoài ra, được sự quan tâm và giúp đỡ của chính quyền địa phương, tôi có thể tiếp cận với các nguồn vốn vay để mua thêm đàn bò, đầu tư trồng cỏ voi để chăn nuôi sinh sản và vỗ béo. Con cái được ăn học, biết cái chữ, có trình độ chính là điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc hơn cả”.
Đến thôn Đạ Dâng, Trưởng thôn K’Tuấn cho biết: Toàn thôn có 168 hộ dân với 826 nhân khẩu, có 7 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống, điều đáng mừng là các hộ dân rất tích cực giúp nhau phát triển kinh tế. Nhiều hộ dân từ mạn phía Bắc vào như anh Hoàng Văn Ngò, Lai Văn Phả, Lai Quang Phủ có thu nhập cao từ cây cà phê, mỗi độ thu hoạch đều đạt từ 30 đến 40 tấn cà phê quả tươi.
Nhưng một điều căn cơ ở đây chính là sự hòa hợp giữa các dân tộc, không có sự phân biệt đối xử. Đã nhiều lần anh Ha Krang cùng đồng bào người Chill hướng dẫn kỹ năng canh tác cho những người từ mạn phía bắc vào. Vì theo họ đã cùng nhau chung sống trên một mảnh đất thì yếu tố tiên quyết quyết định đó chính là đoàn kết, đoàn kết là sức mạnh. Tất cả phải đặt mục tiêu chung là không còn cảnh đói nghèo, không còn cảnh những đứa trẻ phải theo cha mẹ lên rẫy để rồi thất học.
Một nguyên tắc được vận dụng bởi những con người tay bút thì ít mà tay cuốc thì nhiều trên mảnh đất Liên Hà này: Cho dù thế nào đi nữa thì lòng sắt son, vẹn nguyên với đất nước mãi mãi không thể di dời. Ông Đào Xuân Cuống, bố của Cường kể cho tôi nghe về những trận đánh ác liệt ở chiến trường Tây Nam Bộ mà ông đã từng tham gia, từng đợt vây ráp của kẻ thù, tưởng chừng không thể vượt qua nổi nhưng một sức mạnh vô hình đã lấn át tất cả. Đấy chính là sức mạnh của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết của người dân Việt trước mọi kẻ thù.
Ông Cuống bảo: “Xưa thì mưa bom bão đạn, tan nhà nát cửa. Nay bình yên xóm làng, phát triển kinh tế là cái chính để làm cho đất nước giàu mạnh. Tôi luôn dạy con cháu rằng, mỗi người một nhiệm vụ, người cầm súng, kẻ cầm cuốc, làm giàu trên chính mảnh đất này đã là yêu nước rồi đó”.
Đến với mảnh đất này, các dân tộc anh em ở Liên Hà chung sống với nhau một cách hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau, không bao giờ có chuyện phân biệt, vì họ biết rằng cái nguồn cội của họ là con Rồng cháu Tiên và chung một mái nhà. Một số liệu đáng mừng được Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà Nguyễn Văn Tám thông báo: Trong năm 2016, các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng đều thực hiện tốt. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế là 15%, mức thu nhập bình quân đầu người ước đạt 42 triệu đồng/người/năm (đạt 100% kế hoạch đề ra), đồng bào vùng dân tộc thiểu số được quan tâm sát sao về đời sống, hỗ trợ cây giống, phân bón, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ đó đời sống của đồng bào không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đến cuối năm 2016 còn 15% theo tiêu chí mới.
ĐỨC TÚ