Có một câu lạc bộ văn hóa đọc

08:04, 28/04/2017

Vỏn vẹn chỉ có 1 tủ sách đặt tại hội trường thôn, nhưng nhờ biết cách tổ chức, nên Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa đọc thôn Tân Lạc I (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) đã tạo được một "sân chơi" khá thú vị cho những người yêu thích đọc sách tại địa phương. 

Vỏn vẹn chỉ có 1 tủ sách đặt tại hội trường thôn, nhưng nhờ biết cách tổ chức, nên Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa đọc thôn Tân Lạc I (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) đã tạo được một “sân chơi” khá thú vị cho những người yêu thích đọc sách tại địa phương. 
 
Chúng tôi vừa có dịp đến với CLB Văn hóa đọc Tân Lạc I. Cụ ông Nguyễn Chí Lý (86 tuổi, Chủ nhiệm CLB) “tay bắt, mặt mừng” và thân mật tâm sự: “Thôn Tân Lạc 1 có 191 hộ, hầu hết là người dân tứ xứ “xa phương cầu thực” đến đây lập nghiệp. Kinh tế của bà con trong thôn giờ đây đã ổn định, nhiều hộ có cuộc sống khá giả. Trong thôn hiện chỉ còn 0,58% hộ nghèo. Không còn tất bật lo toan cái ăn, cái mặc như trước đây nữa, nhiều cụ cao tuổi trong thôn nghĩ đến việc tạo thêm một sân chơi để cuộc sống thêm vui, thêm khỏe”.
 
Các thành viên CLB ghi nhận rằng, trong bối cảnh hiện nay, do xuất hiện nhiều loại hình và nhiều “kênh” thông tin khác nhau, việc đọc sách, báo in giảm và có xu hướng tiếp tục giảm, nếu thiếu đi các giải pháp tuyên truyền, vận động. CLB Văn hóa đọc Tân Lạc I kỳ vọng sẽ góp phần khơi dậy thế mạnh “văn hóa đọc”, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Cũng theo cụ Nguyễn Chí Lý, đối với người cao tuổi ở xã Đinh Lạc đã có CLB Văn Nghệ, CLB Chiếu Chèo… Bây giờ, các cụ nghĩ đến việc thành lập thêm một “sân chơi” khác và mới lạ hơn. Đó là CLB Văn hóa đọc. 

 
Ban đầu, cụ Nguyễn Chí Lý, cụ Nguyễn Xuân Ngông, cụ Hồ Thị Cử, cụ Đỗ Thanh Nghi, cụ Trần Đức Cần và một số cụ khác nữa đã bàn bạc, trao đổi ý tưởng; sau đó, xin ý kiến của Chi bộ, Ban Nhân dân thôn, Ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể trong thôn. Tất cả đều nhất trí ủng hộ và sau đó, các cụ đề nghị UBND xã Đinh Lạc ra quyết định thành lập. Chỉ 10 ngày sau khi có Quyết định thành lập, CLB tổ chức lễ ra mắt; bầu Ban Chủ nhiệm và thảo luận, bàn bạc, xây dựng Quy chế hoạt động. Ngoài Ban Chủ nhiệm, CLB còn thành lập 2 tổ: Tổ đọc sách (báo) và Tổ thơ ca. 
 
Lúc đầu chỉ có 8 cụ tham gia; dần dần tăng lên 12 và sau 2 năm hoạt động, CLB hiện đã có 32 thành viên. Thành viên cao tuổi nhất là 95 và thấp tuổi nhất là 50. Được Chi bộ, Ban Nhân dân thôn hỗ trợ và các thành viên trong CLB đóng góp tiền quỹ và đầu sách, hiện nay tủ sách của CLB Văn hóa đọc thôn Tân Lạc I có 196 đầu sách các loại. 
 
Hàng tháng, CLB Văn hóa đọc Tân Lạc I duy trì sinh hoạt định kỳ vào ngày mồng 10. Tổ đọc sách chịu trách nhiệm sưu tập, chuẩn bị những bài báo hay, những tin tức thời sự mới hoặc trích đọc những trang sách, những mẩu chuyện có nội dung phù hợp với chủ đề, sự kiện lịch sử và chính trị trong tháng. Tổ thơ ca cũng vậy, theo chủ đề hàng tháng, các thành viên Tổ chuẩn bị những bài thơ (kể cả thơ tự sáng tác) có nội dung phù hợp để ngâm hoặc đọc cho mọi người trong CLB cùng nghe. 
 
Ngoài việc đọc sách, báo, ngâm hoặc đọc thơ, trong nội dung sinh hoạt của CLB hàng tháng còn xen lẫn văn nghệ giao lưu. Mặt khác, vào ngày sinh hoạt định kỳ hàng tháng cũng là lúc để các thành viên và độc giả giao trả sách, tặng hoặc mượn sách của CLB. 
 
Chúng tôi đến với CLB Văn hóa đọc thôn Tân Lạc I đúng vào dịp CLB sinh hoạt định kỳ tháng Tư. Đây là tháng có nhiều sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ, nên các thành viên trong CLB chuẩn bị nội dung sinh hoạt khá chu đáo. Các thành viên trong CLB cùng nghe trích đọc những sự kiện trong tập sách “Mùa xuân đại thắng 1975” (của Đại tướng Văn Tiến Dũng); đọc bài “Dưới ngọn lửa thắp sáng”, “Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm” (không rõ tác giả - PV); đọc bài thơ “Xuân 68” và “Mẹ Suốt” (của Tố Hữu)… Ngoài những trang sách và những bài thơ nói trên, các thành viên trong CLB còn có những tác phẩm thơ ca mới sáng tác, những câu đố vui, những chuyện kể về tháng Tư lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… làm thêm phong phú buổi sinh hoạt của CLB.
 
Cụ bà Nguyễn Thị Minh, thành viên CLB chia sẻ: “Với tuổi già, trí nhớ giảm, mỗi lần nghe đọc sách báo hoặc thơ văn ngợi ca về truyền thống cách mạng, lòng tôi như sống lại với lịch sử, với ký ức của thời gian. Tham gia sinh hoạt CLB, tôi cảm thấy sân chơi này khá thú vị”.   
 
CLB Văn hóa đọc thôn Tân Lạc I không chỉ có hội viên trong thôn mà còn thu hút những thành viên các thôn trong xã khác tự nguyện tham gia; đồng thời, sẵn sàng mời gọi và không hạn chế số lượng độc giả. Ngoài 32 thành viên chính thức, CLB hiện còn thu hút 17 độc giả thường xuyên.
 
Tuy vậy, điều mà cụ Chủ nhiệm CLB Nguyễn Chí Lý còn trăn trở: “Mặc dù đã được UBND xã Đinh Lạc tặng Giấy khen cho tập thể CLB và 2 thành viên trong CLB, nhưng hoạt động của CLB còn rất khiêm tốn. Chúng tôi phải phấn đấu nhiều hơn nữa, vì CLB mới hình thành, số lượng thành viên và độc giả còn ít; số đầu sách chưa nhiều, chưa phong phú. CLB đang chờ đón sự chung tay, góp sức của xã hội, của cộng đồng và những người ham mê đọc sách”.
 
XUÂN LONG