Có một ngôi làng Huế giữa lòng Đà Lạt

09:04, 27/04/2017

Từ một ngôi làng của Huế cùng vào lập nghiệp ở Đà Lạt những năm 60 thế kỷ trước, những người trong làng đến nay giữa lòng đô thị Đà Lạt nhộn nhịp vẫn giữ được tình làng nghĩa xóm và những phong tục tập quán tốt đẹp.

Từ một ngôi làng của Huế cùng vào lập nghiệp ở Đà Lạt những năm 60 thế kỷ trước, những người trong làng đến nay giữa lòng đô thị Đà Lạt nhộn nhịp vẫn giữ được tình làng nghĩa xóm và những phong tục tập quán tốt đẹp.
 
Đình làng Bao La. Ảnh: Trúc Ly
Đình làng Bao La. Ảnh: Trúc Ly
Đó là ngôi làng Bao La, nằm ở cuối đường Phan Đình Phùng, chạy dọc theo đường La Sơn Phu Tử thuộc khu vực Phường 2 và Phường 6, Đà Lạt. 
 
Là vùng đất mới, người Huế vào lập nghiệp ở Đà Lạt khá đông, hình thành nên những ngôi làng Huế rất đặc trưng, tiêu biểu như ấp Ánh Sáng ngay trung tâm Đà Lạt hay như vùng Thái Phiên ở Phường 12. Nhưng cộng đồng người Huế ở làng Bao La vẫn cho rằng ngôi làng của mình chính là ngôi làng Huế hình thành đầu tiên ở Đà Lạt. 
 
Hầu hết người dân trong làng Bao La này đều đến từ một làng, đó là làng Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Khi đến đây mọi người cùng nhau tập hợp lại lấy lại tên làng của mình ở Huế, cùng đóng góp xây một ngôi đình làng ngay đầu xóm là đình Bao La nay vẫn nằm ở cuối đường Phan Đình Phùng - Đà Lạt.
 
Một cư dân của làng, ông Thái Đình Vức, 77 tuổi cho biết, ông vào Đà Lạt năm 1959. Năm đó, ông cùng rất đông người trong làng từ Huế vào đây để trốn quân dịch chế độ cũ. 3 năm sau, năm 1962, ông về quê cưới vợ, người đã từng hẹn ước với ông trước đó. Cưới vợ xong, ông dẫn cả gia đình vào Đà Lạt sinh sống. “Thì cũng như mọi người thôi, mình tay trắng vào đây lập nghiệp, lúc đầu cũng đi làm thuê làm mướn, làm vườn, xây nhà, ai thuê gì làm đó, mãi sau dành dụm chút vốn liếng mới mua được mảnh vườn, làm vườn trồng rau rồi sau đó mới làm nhà được” - ông nhớ lại.
 
Dù bao năm sinh sống nơi đây, con cháu ông Vức đều đã thành đạt, có công ăn việc làm ổn định tại thành phố hoa này và hầu hết đều coi mình là người Đà Lạt nhưng gia đình ông Vức vẫn rất nặng tình với Huế. Hằng năm, gia đình ông đều về quê hương để thăm nhà, thăm bà con. 
 
Và không chỉ riêng gia đình ông Vức mà các gia đình khác trong làng Bao La đều dành thời gian trong năm để về Huế thăm bà con lối xóm quê, đặc biệt là lúc “tảo mộ” vào tháng 11 âm lịch. Về sau, mỗi nhà với mỗi nghề nghiệp khác nhau, người thì làm vườn, người thì làm thuê, người thì buôn bán, người thì làm công chức, viên chức nên không thể về chung tháng 11 âm lịch hàng năm nữa, mỗi nhà tự đổi tháng về quê tùy thuộc vào ngày rảnh rỗi của mỗi gia đình.
 
Một thành viên khác của làng Bao La, bà Nguyễn Thị Xíu, 87 tuổi, cho biết cũng vào Đà Lạt năm 1960 cùng với anh chị trong gia đình của mình. So với Huế thì nơi đây khí hậu ôn hòa, con người cũng hiền hòa, thân thiện nên gia đình bà rất mừng và không ngừng nỗ lực trên vùng đất mới này. Rời làng khi mái tóc còn xanh, nay con cháu đề huề, mỗi người một việc, nhưng trong gia đình bà đến nay vẫn giữ được những nét truyền thống của một gia đình người Huế. 
 
Đi dạo trong làng Bao La hôm nay có thể thấy một góc Huế trong lòng Đà Lạt. Đó là các ngôi nhà với trang trí kiểu Huế ngày xưa nhiều nhà vẫn giữ bên cạnh các biệt thự hiện đại mọc lên; người làng hằng năm vẫn tổ chức hai lễ lớn (xuân thu nhị kỳ) vào ngày 20 tháng 2 và 20 tháng 8 âm lịch. Những ngày đó được chuẩn bị rất kỹ, các cụ ông trong làng áo dài khăn đóng nghiêm trang lên cúng đình, người làng cùng đến dự. Nhiều phong tục tốt đẹp khác vẫn lưu giữ qua thời gian trong cúng tế, ma chay, trong cưới hỏi lẫn trong sinh hoạt đời thường, trong cách chế biến các món ăn thường ngày, làm các món bánh Huế… tất cả dường như vẫn còn vẹn nguyên gốc Huế.
 
Là một thành phố du lịch rộn rịp vào những ngày cuối tuần, những dịp lễ, tết, vào mùa hè nhưng Đà Lạt đến nay vẫn giữ được những nét độc đáo của một đô thị làm nông nghiệp miền núi thanh bình. Nếu chịu khó đi dạo một chút sẽ phát hiện ra rất nhiều những ngôi đình làng ở thành phố này, mỗi ngôi đình như thế ẩn chứa sau đó biết bao điều đáng nói của những cộng đồng người đến đây lập nghiệp. Trên vùng đất mới này, các cộng đồng đó trong đó có người làng Bao La - Huế đã góp phần không nhỏ để xây dựng nên một Đà Lạt tươi đẹp như hôm nay.
 
TRÚC LY