Để nữ công nhân yên tâm làm việc

08:04, 14/04/2017

Thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh, các công đoàn cơ sở và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện các chế độ, chính sách thiết thực nhằm chăm lo đời sống cho nữ công nhân để chị em yên tâm làm việc tại các doanh nghiệp.

Thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh, các công đoàn cơ sở và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện các chế độ, chính sách thiết thực nhằm chăm lo đời sống cho nữ công nhân để chị em yên tâm làm việc tại các doanh nghiệp.
 
Khi đời sống được quan tâm, nữ công nhân sẽ yên tâm làm việc. Ảnh: T.V
Khi đời sống được quan tâm, nữ công nhân sẽ yên tâm làm việc. Ảnh: T.V
Những việc làm thiết thực
 
Trong tổng số 40.150 CNVCLĐ trên địa bàn, nữ đoàn viên CNLĐ tại các doanh nghiệp là 22.994 người. Trong đó, một số ngành, nghề khu vực ngoài nhà nước có tỷ lệ nữ cao như: ngành dệt may, ngành chè - cà phê và một số doanh nghiệp chế biến rau, hoa xuất khẩu tỷ lệ nữ chiếm từ 65-85%. Những năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tích cực hướng dẫn các cấp công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện hiệu quả các quy định pháp luật về chế độ, chính sách đối với lao động nữ.
 
Hiện LĐLĐ tỉnh đang quản lý Quỹ “Công nhân lao động nghèo” với số tiền trên 6 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, từ nguồn quỹ này, đã giải quyết cho hơn 3.000 lượt hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình.

Phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động nói chung và chế độ lao động nữ nói riêng tại các DN. Qua kiểm tra, giám sát, nhìn chung đa số các DN đều chấp hành việc ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Đồng thời, qua đó, cũng đã kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm và yêu cầu các DN thực hiện đúng theo pháp luật quy định. 

 
Song song với đó, từ nguồn vốn vay của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ để tạo việc làm với lãi suất ưu đãi, đã có những hộ gia đình được vay vốn với mức vay từ 10-20 triệu đồng/dự án (trong đó có 80% dự án do nữ CNVCLĐ làm chủ), kết hợp với nguồn vốn của gia đình đã đầu tư cho chăn nuôi, trồng trọt… mang lại thu nhập thêm cho gia đình.
 
Mặt khác, nhiều ban nữ công CĐCS đã tổ chức các hình thức như: Quỹ xoay vòng vốn, quỹ trợ vốn, quỹ giúp nhau…, với hình thức mỗi cá nhân đóng góp từ 100-500 ngàn đồng, ưu tiên những chị em có hoàn cảnh khó khăn nhận trước nhằm giải quyết khó khăn trước mắt…
 
“Ngoài các hoạt động trên, nhằm hỗ trợ lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ, Liên đoàn LĐLĐ đã tiến hành lắp đặt các cabin trữ sữa tại DN có đông lao động nữ. Ngoài 1 cabin được lắp đặt từ năm 2014, sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục lắp đặt 2 cabin trữ sữa tại 2 DN có đông lao động nữ nữa” - bà Vũ Mỹ Hạnh - Trưởng ban Nữ công LĐLĐ tỉnh cho biết. 
 
Cần quan tâm nhiều hơn đến lao động nữ
 
Có thể nói rằng, bằng những việc làm thiết thực của LĐLĐ tỉnh, của các cấp công đoàn và các DN, đời sống nữ công nhân tại các doanh nghiệp đang dần được cải thiện. Tuy nhiên, theo LĐLĐ tỉnh, bên cạnh những việc đã làm được, vẫn còn những hạn chế như: Một số DN có đông lao động nữ hầu như chưa làm thủ tục để công nhận là DN sử dụng nhiều lao động nữ và chưa thực hiện một số chính sách khác. Việc đóng BHYT, BHXH, BHTN vẫn còn tình trạng nợ đọng hoặc chậm đóng cho lao động nữ dẫn đến các quyền lợi khác của nữ CNLĐ không được thực hiện như chế độ thai sản, ốm đau…; một số DN chưa thực hiện được việc khám bệnh định kỳ cho lao động nữ, không có phòng tắm, phòng thay đồ cho nữ CNLĐ…
 
“Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong các cấp công đoàn cần tăng cường hơn nữa trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng quan tâm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ. Cùng với đó, các DN cũng cần quân tâm nhiều hơn đến lao động nữ, từ việc tạo điều kiện về việc làm, thu nhập; chế độ chính sách riêng cho lao động nữ và các chế độ BHYT, BHXH, bảo hộ lao động tiền lương, khám sức khỏe định kỳ… Các DN cần quan tâm và xem việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, chăm sóc cho CNVCLĐ nói chung và lao động nữ nói riêng là một chính sách quan trọng nhằm thu hút nguồn nhân lực, đảm bảo cho người lao động gắn bó dài lâu với DN.
 
THY VŨ