Để trẻ thiểu năng hòa nhập cộng đồng

09:04, 04/04/2017

Không chỉ tạo sự công bằng trong việc học tập cho trẻ khuyết tật, 5 năm trở lại đây, Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan còn phát triển thêm công tác hướng nghiệp dạy nghề để những đứa trẻ khiếm khuyết trí tuệ có cơ hội hòa nhập cộng đồng. 

Không chỉ tạo sự công bằng trong việc học tập cho trẻ khuyết tật, 5 năm trở lại đây, Trường Thiểu năng (TN) Hoa Phong Lan còn phát triển thêm công tác hướng nghiệp dạy nghề để những đứa trẻ khiếm khuyết trí tuệ có cơ hội hòa nhập cộng đồng. 
 
Học sinh Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan học làm bánh. Ảnh: T.Hương
Học sinh Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan học làm bánh. Ảnh: T.Hương
Dạy những nghề cơ bản
 
“Trong chương trình giáo dục dành cho trẻ khuyết tật trí tuệ hầu như không có nội dung hướng nghiệp dạy nghề. Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhà trường đã mở thêm các lớp dạy nghề dành cho trẻ thiểu năng. Bước đầu rất khó khăn, bởi các em này tiếp thu chậm, nhưng sau những kết quả ban đầu như học sinh tiến bộ, làm ra được sản phẩm đã tạo được động lực cho cả cô và trò. Học nghề đối với trẻ thiểu năng còn mang đến hiệu quả tích cực trong việc điều trị bệnh, đó là tạo ra niềm vui cho học sinh và tâm lý được khẳng định bản thân, giúp ổn định tâm lý cho các em”, cô Võ Thị Tuyết - Phó Hiệu trưởng Trường TN Hoa Phong Lan cho biết.
 
Từ năm 2012, Trường TN Hoa Phong Lan đưa nội dung dạy nghề vào chương trình giáo dục cho trẻ khuyết tật, với 4 nghề gồm: nấu ăn, mỹ thuật, may mặc và thủ công mỹ nghệ. 
 
Đối với nấu ăn gồm có chế biến theo thực đơn, làm các món đơn giản như sữa chua, kem plan, làm bánh, nấu chè… Khi học nghề, học sinh được lên thực đơn trong ngày của chính lớp mình, sau đó, được cô giáo dẫn đi chợ mua thực phẩm rồi cùng nhà bếp nấu ra những món ăn phục vụ bữa ăn ngày hôm đó. Hay như bữa ăn xế, học sinh được ăn những cái bánh, ly sữa chua, dĩa kem plan do chính tay mình vừa làm ra. “Chính điều này đã tạo ra sự thích thú, hứng khởi - là đều rất quan trọng đối với trẻ thiểu năng”, cô Tuyết nhấn mạnh. 
 
Ở lớp mỹ thuật, học sinh được cắt, dán, vẽ những bức tranh theo ý tưởng của mình hay nặn đất sét, tạo ra sản phẩm từ thủ công cũng khiến các em hứng thú. Lớp may mặc dạy học sinh kỹ thuật cơ bản như sửa đồ, tự may quần áo cho bản thân; hay làm ra những chiếc nơ đeo cổ, chiếc ví xinh xắn, găng tay nhấc nồi… 
 
Nhưng theo cô Tuyết, thành công nhất vẫn là lớp nghề thủ công mỹ nghệ. Nhìn những sản phẩm tinh tế như chiếc móc khóa, vòng đeo cổ, nơ cột tóc, hộp đựng giấy… không ai nghĩ là do chính học sinh thiểu năng làm ra. Những năm gần đây, nhà trường đã phối hợp với các Đoàn trường trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm của học sinh khuyết tật. Số tiền bán được sẽ phát thưởng phần học nghề vào cuối năm để động viên học sinh. Ngoài việc tạo ra được thu nhập từ chính sản phẩm, lớp thủ công mỹ nghệ còn rèn khả năng tập trung, sự kiên nhẫn, sự phối hợp giữa tay và mắt - là điều cần thiết tạo ra kỹ năng cho học sinh khuyết tật trí tuệ.
 
Cô Tuyết cho biết thêm, thời gian tới, nhà trường sẽ tạo thêm vườn sinh học trị liệu để dạy học sinh biết cách trồng và chăm sóc cây cối, rau, hoa nhằm giúp trẻ thiểu năng giải tỏa ức chế tâm lý. 
 
Tự tin hòa nhập cộng đồng
 
Về thăm lại mái trường và thầy cô giáo cũ đã từng gắn bó suốt tuổi thơ, Hồng Nhung không giấu được vẻ xúc động. Giờ đây, em đã là cô thợ may với một tiệm nhỏ đủ nuôi sống bản thân. Nhung nhớ mãi những ngày mới vào Trường TN Hoa Phong Lan, khi đó, em là một cô bé mắc bệnh tự kỷ, nhút nhát, rụt rè không dám nói chuyện với ai. Bằng tình yêu thương của các “cô giáo như mẹ hiền”, Nhung dần trở nên mạnh dạn hơn. Đặc biệt là sau khi tham gia học lớp kỹ thuật may mặc, những đường kim mũi chỉ vụng về ban đầu nhường chỗ cho sự khéo léo và say mê của Nhung. Khi đủ điều kiện ra trường, Nhung đã thành thạo việc may vá. Được sự hỗ trợ của gia đình, Nhung đứng ra mở một tiệm may và chuẩn bị lập gia đình. “Con vô cùng biết ơn các thầy cô giáo đã dạy dỗ cho con trở thành một người có cuộc sống bình thường với công việc ổn định như bây giờ, điều mà trước đây con và gia đình không dám nghĩ tới” - Nhung thổ lộ từ tận đáy lòng. 
 
Cũng như Nhung, Diệu Thảo đã có một cửa hàng nhỏ, ngoài bán đồ chơi trẻ em còn có những vật lưu niệm xinh xắn do chính tay Thảo làm ra sau khi học nghề thủ công mỹ nghệ trong Trường TN Hoa Phong Lan. Hay như Lê Minh Sang, tuy không làm đúng nghề đã học sau khi ra trường nhưng em cũng kiếm được việc làm đủ để nuôi sống bản thân… Và còn nhiều học sinh thiểu năng khác khi rời khỏi mái trường này không còn là gánh nặng của gia đình mà đã tự tin hòa nhập xã hội.
 
Tuy nhiên, số học sinh thiểu năng ra trường tìm được việc làm hiện vẫn còn ít. “Đây cũng chính là trăn trở của nhà trường, mong rằng xã hội sẽ có cái nhìn rộng mở hơn đối với trẻ khuyết tật và ngày càng có nhiều nơi sẵn sàng nhận trẻ khuyết tật được đào tạo nghề vào làm việc để giúp các em có điều kiện hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, nhà trường cũng mong muốn sẽ sớm mở rộng thêm cơ sở để chuyển trang thiết bị được tổ chức KOICA, Hàn Quốc tài trợ sau khi được Sở GDĐT giao về cho trường quản lý, nhằm tạo thuận lợi cho việc học nghề của học sinh, các em không phải di chuyển xa để tiếp cận với trang thiết bị hiện đại này như hiện nay”, cô Tuyết chia sẻ.
 
TUẤN HƯƠNG