Vấn đề đặt ra và cũng là băn khoăn của nhiều phụ huynh, đó là các em học sinh hiện nay rất dễ bị lôi cuốn say mê vào mạng xã hội, các trò chơi điện tử trên internet. Vì vậy, việc định hướng, kiểm soát của nhà trường, giáo viên, các nhà mạng, nhà quản lý internet hay của chính phụ huynh học sinh trong việc sử dụng mạng xã hội và internet đối với các em là điều vô cùng quan trọng.
Vấn đề đặt ra và cũng là băn khoăn của nhiều phụ huynh, đó là các em học sinh hiện nay rất dễ bị lôi cuốn say mê vào mạng xã hội, các trò chơi điện tử trên internet. Vì vậy, việc định hướng, kiểm soát của nhà trường, giáo viên, các nhà mạng, nhà quản lý internet hay của chính phụ huynh học sinh trong việc sử dụng mạng xã hội và internet đối với các em là điều vô cùng quan trọng.
|
Định hướng sử dụng mạng xã hội cho học sinh là việc làm cần thiết của giáo viên và phụ huynh. Ảnh: N.Thu |
Thực tế, đã xảy ra một số vụ việc đáng tiếc ở Lâm Đồng. Điển hình một em học sinh ở Di Linh mê chơi game online, người mẹ không ngăn cản được, quá bức xúc đã đổ xăng lên con, hậu quả là cháu bị bỏng độ 4... Một số ít trường hợp khác, các em tung những clip, phát tán trên mạng những hình ảnh không mang tính tích cực, hoặc bình luận trên mạng gây ra mâu thuẫn, xích mích dẫn đến ẩu đả, đánh lộn nhau...
Làm việc với phòng chức năng của Sở Giáo dục & Đào tạo Lâm Đồng chúng tôi được biết: Lâm Đồng là địa phương đi sớm, làm cương quyết vấn đề này nên ít xảy ra những tiêu cực trong sử dụng mạng Internet so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng không phải là không có biểu hiện tiêu cực. Trước đây, có hiện tượng một bộ phận cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên sử dụng mạng xã hội như: Facebook, twitter, zingme, google +, nhật ký blog, các diễn đàn trên mạng (forum)… đăng tải và phát tán các thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, lạm dụng mạng xã hội cho việc vui chơi giải trí, các trò chơi điện tử làm ảnh hưởng đến việc học tập và nhân cách của học sinh. Một số ít đơn vị còn xem nhẹ công tác đảm bảo an ninh trường học về lĩnh vực CNTT, trong đó cán bộ quản lý và giáo viên nhận thức chưa đầy đủ, chưa chú trọng đầu tư kỹ thuật đảm bảo an ninh thông tin, an toàn, bảo mật thông tin quản lý giáo dục.
Trong những năm qua, hệ thống Internet và công nghệ thông tin tỉnh Lâm Đồng và cả nước đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương và cả nước nói chung. Hỗ trợ hiệu quả trong giảng dạy và học tập. Ví dụ như, giáo viên đã sử dụng các phần mềm soạn giảng, dạy học, quản lý kiểm tra đánh giá (Intest), phần mềm thời khóa biểu, phần mềm kế toán, phần mềm quản lý cán bộ công chức, viên chức PMIS, thư viện… Nhiều giáo viên đã sử dụng thành thạo phần mềm trình chiếu, kết hợp các phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo, thiết kế bài giảng e-Learning. Phía học sinh các em sử dụng tối đa nguồn tư liệu tham khảo từ mạng Internet, tham khảo nhiều web, trang thông tin của Bộ Giáo dục, tham gia các cuộc thi Violympic toán, tiếng Anh trên mạng…
Thầy Phan Linh Khánh - Phó Trưởng Phòng CNTT - Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng cho biết: Việc quản lý sử dụng Internet còn bộc lộ nhiều điều bất cập, ảnh hưởng đến phẩm chất, tư duy và đạo đức của học sinh hiện nay. Từ 2012 đến nay, Sở cũng đã ban hành công văn hướng dẫn chỉ đạo về vấn đề này, đồng thời yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các địa phương thực hiện việc tăng cường phổ biến, hướng dẫn khai thác và sử dụng dịch vụ Internet đúng quy định cho học sinh trong trường học cũng như nơi công cộng. Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, sử dụng Internet trong giảng dạy và học tập. Kết hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan trong việc quản lý và ngăn chặn học sinh bỏ học vào quán Internet. Phối hợp với gia đình quản lý tốt việc truy cập và sử dụng Internet tại nhà và các điểm công cộng.
Vậy giải pháp thời gian tới để tiếp tục định hướng, ngăn chặn kịp thời những mặt tiêu cực trong sử dụng mạng trong học sinh hiện nay là gì? Theo Sở GDĐT thì vẫn phải tăng cường công tác kiểm tra việc đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trường học về lĩnh vực CNTT trong toàn ngành để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai phạm nếu có. Lãnh đạo các đơn vị tiếp tục và thường xuyên quán triệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ ngành, UBND tỉnh và Sở GDĐT về đảm bảo an toàn, an ninh về lĩnh vực CNTT. Lãnh đạo các đơn vị cần tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an toàn thông tin, an toàn bảo mật cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục đúng quy định và bằng các biện pháp, giải pháp kỹ thuật… Tăng cường giáo dục, tuyên truyền cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh sử dụng mạng Internet và mạng xã hội đúng quy định, Các đơn vị trường học có kế hoạch theo dõi, kiểm tra việc sử dụng mạng Internet, mạng xã hội, đặc biệt là Facebook của học sinh để kịp thời phát hiện các biểu hiện lệch lạc, gây tác hại xấu đến môi trường giáo dục và xã hội, từ đó có biện pháp giáo dục uốn nắn cho học sinh.
Mặt khác, chúng ta nên khuyến khích văn hóa đọc trong học sinh, lấy xây để chống, định hướng tốt đẹp cho các em, xử lý, phân tích, chọn lọc đánh giá thông tin, các em phải biết kiểm chứng khi lượng thông tin tràn lan trên mạng. Phải biết đối chứng, đối chiếu. trích nguồn từ đâu, đâu là báo chí chính thống, là nguồn thông tin đáng tin cậy để truy cập, nghiên cứu, tìm hiểu phục vụ việc dạy và học.
Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có quy định cụ thể trong các chương trình giảng dạy. Đối với bộ môn Tin học, lớp 10 có bài “Đạo đức và thông tin”, “Xã hội - tin học” dạy rất kỹ, cấm không được phép tấn công mạng, phát tán thư nặc danh, rút tiền...
Theo các nhà nghiên cứu công nghệ thông tin cho rằng, hiện nay các em học sinh rất cần tư vấn tâm lý học đường - đây là vấn đề khá quan trọng. Bởi những thông tin tràn lan trên mạng sẽ có tác động lan truyền rất nhanh, tạo sự bắt chước rất nhanh. Ví dụ, việc xăm trổ trên người, việc khoe thân… khiến các em bắt chước rất nhanh. Tuy nhiên, mạng xã hội hiện nay cũng có mặt tích cực khi một số trường học cho phép các em được nói, được phản ánh về tình hình học tập, giảng dạy, qua đó còn là “kênh” giúp giáo viên Đoàn - Đội hay Ban giám hiệu nhà trường giúp lắng nghe ý kiến các em nói, các em chia sẻ. Điều này cũng phần nào giúp Ban giám hiệu, nhà quản lý xem xét, điều chỉnh hợp lý trong học tập và giảng dạy...
Tuy nhiên, nhà trường chỉ quản lý trong phạm vi cho phép, trong thời gian các em học trên lớp, còn thời gian ở nhà phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và ý thức trách nhiệm của phụ huynh đối với học sinh. Và, việc đảm bảo cho các em được giải trí nhưng dưới sự kiểm soát của người lớn, của gia đình và giải trí trên kênh nào, trang thông tin nào… là điều phụ huynh nên định hướng cho các em. Bởi có rất nhiều thông tin giải trí bổ ích, phục vụ tích cực cho nhu cầu học tập, vui chơi lành mạnh.
Trao đổi với chúng tôi về việc định hướng, sử dụng mạng xã hội trong học sinh người dân tộc thiểu số, cô Phạm Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cho biết: Tại các buổi họp cơ quan, sinh hoạt chào cờ đầu tuần, trường đều có chấn chỉnh trong giáo viên, đặc biệt là chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thường xuyên định hướng học sinh cần đọc những loại báo chính thống, hướng dẫn các em sử dụng Facebook, phải cảnh giác với những trang thông tin phản động, những video clip lừa đảo, bịa đặt, nói xấu, kích động, lôi kéo học sinh… Và khi phát hiện mâu thuẫn cá nhân giữa các em trên mạng, nhà trường sẽ gọi các em lên và tư vấn, giải thích rồi yêu cầu các em xóa bỏ comment với lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa gây mất đoàn kết.
Liên quan đến công tác quản lý học sinh về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & đào tạo Lâm Đồng Huỳnh Quang Long cho biết: Hiện một số ít giáo viên và học sinh của một số trường THCS, THPT tỉnh Lâm Đồng tham gia mạng xã hội (Facebook) có đăng những câu từ, trao đổi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức giáo viên và học sinh, hoặc có chụp hình ảnh đăng tải lên mạng mang tính phản cảm. Sở đã và sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp với ngành công an trong bảo vệ an ninh mạng, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những sai phạm nếu có. Tăng cường định hướng giáo dục từ nhà trường, từ Đoàn, Hội, Đội, từ chương trình ngoại khóa, sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ thứ hai đầu tuần,… giúp các em học sinh có nhận thức đúng đắn, hành động tích cực khi sử dụng mạng xã hội.
NGUYỆT THU