(LĐ online) - Sáng ngày 20/4, Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi động của Quốc hội đã có chương trình giám sát tại Sở Lao Động – Thương binh & Xã hội, Sở Giáo dục & Đào tạo Lâm Đồng về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
(LĐ online) - Sáng ngày 20/4, Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi động của Quốc hội đã có chương trình giám sát tại Sở Lao Động – Thương binh & Xã hội, Sở Giáo dục & Đào tạo Lâm Đồng về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
|
Các đại biểu đại diện các cơ sở dạy nghề kiến nghị những bất cập, khó khăn trong chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo |
Tham gia Đoàn giám sát có ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi động của Quốc hội cùng các ủy viên thường trực, các đại biểu Quốc hội; đại diện lãnh đạo các 2 sở nói trên... Đây là một hoạt động thường niên trong chương trình giám sát của Quốc hội nhằm tăng cường công tác giám sát tại cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhằm giúp công tác xây dựng, điều chỉnh luật ngày càng phù hợp, đi vào hoạt động sát thực tế.
Sau khi nghe đại diện Sở LĐ - TB & XH, Sở Giáo dục & Đào tạo báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh thời gian qua, các đại biểu đại diện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cho đội ngũ nhà giáo đã kiến nghị với đoàn về nhiều vấn đề bất cập, khó khăn hiện nay như: thực trạng giáo viên dạy nghề trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay còn thiếu về số lượng giáo viên dạy nghề, không đồng bộ về cơ cấu ngành nghề đào tạo, thiếu giáo viên giỏi vừa có trình độ chuyên môn kỹ thuật vừa có trình độ kỹ năng nghề cao; công tác tuyển dụng và sắp xếp cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa phù hợp; cần thống nhất chính sách đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, sắp xếp lại đội ngũ giữa 2 hệ thống trước đây bao gồm nhà giáo trong hệ thống dạy nghề và nhà giáo của các cơ sở trực thuộc quản lý của ngành giáo dục trước đây...
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự cũng đã kiến nghị Bộ LĐ – TB & XH kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai luật giáo dục nghề nghiệp một cách đồng bộ, đối với những trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện nên thống nhất lại tên gọi cho gọn và thống nhất đầu mối quản lý; cần có chính sách hỗ trợ cho người học nghề, chính sách đãi ngộ thu hút giáo viên dạy nghề vì thực tế hiện nay mức lương quá thấp không đủ nhu cầu cho giáo viên, giảng viên sinh sống...
Phía ngành giáo dục đề nghị Chính Phủ ban hành quyết định tiếp tục thực hiện bảo lưu phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo và cán bộ quản lý khi được điều động; đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thông tư 139 năm 2010 vì theo Thông tư này đơn vị cử cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng không chi học phí như vậy sẽ rất khó khuyến khích cán bộ đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam có cơ chế giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo khi nghỉ hưu bị thất lạc các quyết định do công tác lưu trữ tại các địa phương để nhà giáo kịp thời hưởng lương khi nghỉ hưu theo quy định của nhà nước. Đồng thời, giải quyết chế độ thâm niên cho nhà giáo, cán bộ quản lý các trường bán công đã nghỉ hưu tránh để xảy ra tình trạng đơn thư kéo dài nhưng chưa được giải quyết.
Thay mặt Đoàn giám sát, ông Phạm Tất Thắng và bà Ngô Thị Minh đã ghi nhận, tiếp thu các ý kiến phản ánh của đại biểu và sẽ tổng hợp báo cáo trình Ủy Ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh chính sách pháp luật trong thời gian tới cho phù hợp.
Buổi chiều Đoàn giám sát tiếp tục làm việc, kiểm tra tại trường Đại học Đà Lạt và một số trường học trên địa bàn thành phố Đà Lạt, sau đó sẽ có buổi làm việc với UBND tỉnh vào ngày mai 21/4.
Nguyệt Thu