Nối tiếp Thông tư 30, Thông tư 22 ra đời được xem như đã "cởi bỏ" "nút thắt" cho giáo viên, phụ huynh, học sinh và cả các nhà quản lý giáo dục về đánh giá học sinh tiểu học.
Nối tiếp Thông tư 30, Thông tư 22 ra đời được xem như đã “cởi bỏ” “nút thắt” cho giáo viên, phụ huynh, học sinh và cả các nhà quản lý giáo dục về đánh giá học sinh tiểu học.
|
Thông tư 22 đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo hướng sát, đúng thực chất hơn và giảm áp lực sổ sách cho giáo viên. Ảnh: T.H |
Đánh giá học sinh sát hơn
Áp dụng từ học kỳ (HK) I năm học 2016 - 2017, Thông tư 22 sửa đổi, bổ sung một số quy định trong đánh giá học sinh tiểu học chứ không thay thế Thông tư 30. Do đó, các tư tưởng nhân văn như đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không so sánh học sinh này với học sinh khác, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh… trong Thông tư 30 vẫn được kế thừa và phát triển trong Thông tư 22.
Trong đánh giá định kỳ học sinh, về chất lượng học tập, Thông tư 22 quy định 3 mức đánh giá gồm: hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành thay vì 2 mức hoàn thành và chưa hoàn thành theo Thông tư 30 trước đây; về năng lực, phẩm chất cũng đánh giá theo 3 mức: tốt, đạt và cần cố gắng thay cho 2 mức đạt và chưa đạt. Nhiều giáo viên cho biết, cách đánh giá này với các tiêu chí rõ ràng, cụ thể, chi tiết hơn nên đã tạo điều kiện cho giáo viên và các nhà quản lý giáo dục phát hiện, giúp đỡ điều chỉnh để học sinh chưa hoàn thành đạt được mức hoàn thành; và chính phụ huynh cũng nắm rõ được năng lực học tập thực sự của con em mình để kèm thêm giúp các em ngày một tiến bộ.
Một điểm mới đáng chú ý của Thông tư 22 là bảng tham chiếu các môn học như một công cụ hỗ trợ dành cho giáo viên tham khảo, áp dụng vào quá trình dạy học, đánh giá học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học, từng giai đoạn để giáo viên theo dõi và có biện pháp giúp đỡ học sinh chưa hoàn thành nội dung môn học.
Thông tư 30 trước đây chỉ có 2 lần đánh giá vào KH I và cuối năm học, thì Thông tư 22 có sự điều chỉnh đánh giá tăng lên 4 lần vào giữa HK I, cuối HK I, giữa HK II và cuối năm học. Vào cuối HK I và cuối năm học, đối với các môn học: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học có bài kiểm tra định kỳ. Riêng lớp 4 và 5 có thêm bài kiểm tra môn Tiếng Việt và Toán giữa HKI và giữa HK II, vì đây là các lớp cuối cấp tiểu học nên điều này giúp học sinh làm quen dần với kiểm tra đánh giá ở bậc THCS và các cấp học cao hơn.
Thông tư 22 cũng quy định trách nhiệm chỉ đạo ra đề kiểm tra định kỳ cho hiệu trưởng. Giáo viên chủ nhiệm thông báo riêng cho phụ huynh về kết quả đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của mỗi học sinh.
Việc khen thưởng học sinh cũng được quy định chi tiết và rõ ràng hơn. Thay vì khen thưởng chung chung như trước đây gây khó khăn cho giáo viên cũng như các nhà quản lý giáo dục thì Thông tư 22 đề ra những tiêu chí cụ thể để đánh giá khen thưởng. Điều này giúp cho giáo viên và nhà trường thuận lợi hơn trong vấn đề khen thưởng học sinh mà vẫn đảm bảo yêu cầu không gây áp lực cho học sinh, hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục. Phụ huynh cũng hiểu đúng năng lực mà con em mình đạt được.
Theo Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GDĐT Lâm Đồng), với việc điều chỉnh này, giáo viên đánh giá học sinh chính xác hơn, phụ huynh nhìn vào kết quả đánh giá của nhà trường có những giải pháp kịp thời giúp đỡ học sinh khắc phục hạn chế, phát huy những điểm tích cực để các em ngày một tiến bộ hơn. Kết quả đánh giá như vậy sẽ khuyến khích được sự nỗ lực phấn đấu của học sinh; qua đó, giúp các phòng chuyên môn, các trường học đề ra các phương pháp dạy học sát thực, linh hoạt và phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng học sinh.
Giảm áp lực sổ sách cho giáo viên
“Khi Thông tư 30 ban hành, giáo viên rất vất vả trong việc ghi chép sổ sách, hồ sơ, học bạ... Trước đây, hầu như giáo viên phải đem sổ sách về nhà làm thêm vào buổi tối vì trên lớp không đủ thời gian. Thông tư 22 đã làm giảm áp lực về sổ sách cũng như nhận xét học sinh. Thay vì 4, 5 loại sổ thì nay chỉ cần dùng bảng tổng hợp kết quả đánh giáo giáo dục chứ không quy định cứng nhắc bất kỳ loại sổ sách nào sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh. Cách đánh giá cũng linh động hơn, không nhất thiết phải ghi lời nhận xét vào vở của học sinh cả lớp mà chỉ cần ghi dặn dò hay yêu cầu đối với học sinh chưa hoàn thành nội dung môn học, còn học sinh hoàn thành tốt thì có thể dùng lời nhận xét trực tiếp. Thay đổi này giúp giáo viên có nhiều thời gian hơn để quan tâm, dạy dỗ học sinh, cũng không phải đau đầu để nghĩ ra hàng chục lời nhận xét khác nhau cho từng học sinh như trước đây”, cô giáo Đào Thị Kim Loan - Trường Tiểu học Bạch Đằng (Đà Lạt) chia sẻ.
Đây là điểm thay đổi giúp giáo viên không còn áp lực trong việc ghi chép sổ sách. Thay vì phải ghi lời nhận xét vào vở học sinh hàng ngày, thì giờ giáo viên chỉ ghi kết quả đánh giá giáo dục của học sinh vào bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp vào giữa HK và cuối HK. Giáo viên được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của học sinh và có thể ghi chép những lưu ý của mình đối với những học sinh có tiến bộ nổi trội hoặc có nội dung chưa hoàn thành để tự mình nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần. Thay vì phải ghi kết quả đánh giá học sinh vào học bạ cả HKI và cuối năm học thì nay giáo viên chỉ ghi kết quả đánh giá vào cuối năm học. Điều này cũng giảm áp lực phải ghi chép nhiều cho giáo viên.
“Thông tư 22 đã khắc phục được hạn chế của Thông tư 30, việc đánh giá sát, đúng thực chất từng học sinh hơn và giảm áp lực sổ sách cho giáo viên. Cuối năm học này, Sở GDĐT sẽ dựa vào kết quả đánh giá từ các Phòng GDĐT về nội dung này để có những giải pháp nâng cao hơn nữa khả năng vận dụng Thông tư 22 của giáo viên vào dạy học và đánh giá học sinh tiểu học. Có thể nói, Thông tư 22 đã giúp các nhà quản lý, đội ngũ giáo viên có điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 của Trung ương”, ông Trần Đức Lợi - Phó Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng cho biết.
TUẤN HƯƠNG