Dưới bóng bàng Côn Đảo

09:04, 29/04/2017

Côn Đảo xuân này mang vẻ đẹp vừa gần gũi vừa siêu thực. Núi cao kề biển cả bao la. Trời bàng bạc màu mây xám, không gian ngàn ngạt hơi sương. Phố xá cổ kính, nhịp sống thanh bình, chậm rãi. Ở đây, dường như mỗi góc phố, ngôi nhà đến nhành cây, ngọn cỏ đều mang những câu chuyện về lịch sử, khát vọng và vẻ đẹp của hòn đảo từng là "địa ngục trần gian" đang vươn mình trở thành "thiên đường du lịch". 

Côn Đảo xuân này mang vẻ đẹp vừa gần gũi vừa siêu thực. Núi cao kề biển cả bao la. Trời bàng bạc màu mây xám, không gian ngàn ngạt hơi sương. Phố xá cổ kính, nhịp sống thanh bình, chậm rãi. Ở đây, dường như mỗi góc phố, ngôi nhà đến nhành cây, ngọn cỏ đều mang những câu chuyện về lịch sử, khát vọng và vẻ đẹp của hòn đảo từng là “địa ngục trần gian” đang vươn mình trở thành “thiên đường du lịch”. 
 
Những cây bàng ở thị trấn Côn Đảo
Những cây bàng ở thị trấn Côn Đảo
Côn Đảo có nhiều thứ gây ấn tượng mạnh mẽ đối với du khách, nhưng có lẽ trước hết là những cây bàng cổ thụ. Năm 1862, Thống đốc Nam Kì Bonard kí quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo. Đây cũng là thời điểm mà những cây bàng đầu tiên được trồng trên mảnh đất này. Từ đó đến nay, những cây bàng đã sống và lớn lên, “hằn in” dấu tích thời gian, lịch sử Côn Đảo.
 
Bàng Côn Đảo gây ấn tượng mạnh mẽ trước hết bởi số lượng, tuổi tác và vẻ bề ngoài của nó. Tại thị trấn Côn Đảo, bàng là loài cây được trồng nhiều nhất. Trên đường phố, khuôn viên nhà tù, công sở, bờ biển, công viên… ở đâu cũng gặp bàng. Bàng Côn Đảo hầu hết có tuổi đời khoảng 1 thế kỉ nên có kích thước rất to lớn, thân bàng chi chít những u cục, hang hốc sần sùi, rễ bàng bạnh ra, trồi lên trên mặt đất như những con trăn khổng lồ; cành bàng ngoằn ngoèo vươn ra bốn phía. Mùa xuân, bàng trút lá, nhìn từ xa, cả một góc trời Côn Đảo rực lên màu đỏ, khi lá rụng hết, những cây bàng tựa những bộ xương khổng lồ hóa thạch giữa đất trời. Lại gần, trên những thân mốc xám, sần sùi là chi chít búp non mập mạp, xanh mỡ màng. Chỉ sau một thời gian ngắn, những búp non sẽ vươn dài, tỏa lá sum suê, biến thành những chiếc ô khổng lồ che mát cả thị trấn. 
 
Bác Phan Hoàng Oanh, cựu tù chính trị Côn Đảo quê ở An Giang, bị giam cầm từ năm 1971 đến năm 1975. Sau ngày giải phóng, bác là một trong số ít cựu tù đã ở lại Côn Đảo để sống và làm việc. Hằng chục năm đã trôi qua nhưng người cựu tù ngày ấy vẫn có một thói quen “lẩn thẩn” là bứt vài lá bàng cầm trên tay ngắm nghía hồi lâu rồi đưa lên miệng nhai để cảm nhận vị chát mặn dâng đầy trong miệng. 
 
Bác Oanh cho biết, với những tù nhân Côn Đảo, cây bàng gắn với họ rất nhiều kỉ niệm. Dưới những gốc bàng trong các trại giam Phú Hải, Phú Sơn, Phú Thọ, chuồng cọp… chính là nơi kẻ thù thực hiện những màn tra tấn man rợ nhất đối với tù nhân, nơi diễn ra những cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của tù nhân với bọn cai ngục. Những hốc cây cũng là “hòm thư” bí mật, nơi các chiến sĩ cách mạng cất giấu tài liệu, truyền đơn và báo tin cho nhau bằng những ám hiệu riêng. Lá bàng, quả bàng và thậm chí cả vỏ cây bàng là nguồn thực phẩm và vị thuốc quý giá cứu sống tù nhân, giúp họ kéo dài sự sống để tiếp tục đấu tranh và nuôi hy vọng. “Tuy nhiên, bọn cai ngục không bao giờ cho phép tù nhân làm điều này. Chúng tôi phải lợi dụng lúc chúng sơ hở để vặt vài lá, giấu đi rồi về phòng cho nhau. Có người bị chúng phát hiện, dùng kìm sắt đánh vào miệng cho tóe máu, bẻ răng, lôi lá bàng từ trong miệng của chúng tôi ra”- bác Phan Hoàng Oanh bồi hồi nhớ lại.
 
Không chỉ là “chứng nhân” lịch sử và góp phần tạo nên diện mạo cảnh quan độc đáo cho Côn Đảo, những cây bàng còn đi vào đời sống hằng ngày của người dân nơi đây. Trong các cửa hàng lưu niệm ở thị trấn, du khách có thể bắt gặp hình ảnh cây bàng được khắc họa nhiều trên đồ mỹ nghệ, tranh ảnh, các tác phẩm nghệ thuật. Đặc biệt là những hạt bàng, một loại hạt vốn vô dụng ở trong đất liền nhưng ở đây đã được nâng lên thành một thứ đặc sản. Những hạt bàng mảnh và dài, màu cánh gián được ướp gia vị và rang sấy một cách cầu kì khiến thực khách nếm thử một lần sẽ nhớ mãi hương vị của nó. Năm 2012, gần 100 cây bàng và các cây thị, bằng lăng cổ thụ tại thị trấn Côn Đảo được vinh danh Cây di sản Việt Nam.
 
ĐÌNH ĐÔNG